Muôn kiểu đi chợ thời giãn cách

Nhiều giải pháp đảm bảo nhu cầu mua sắm

Trên địa bàn, nếu như những ngày đầu tiên triển khai Chỉ thị 17 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhiều người dân vẫn còn thói quen đi chợ hằng ngày hoặc chỉ mua thực phẩm đủ dùng mỗi bữa thì nay đã quen với việc đi chợ giãn cách. Giãn cách ở đây là cách ngày, cách giờ và giãn cách nhau. Nhiều địa bàn như Ba Vì, Sơn Tây, Ứng Hòa, Hà Đông… đều triển khai phát phiếu đi chợ cho người dân. Trên phiếu đều ấn định rõ khoảng khời gian và ngày được phép đến chợ. Hiệu quả giãn cách của những phiếu đi chợ được thể hiện rõ nét khi số lượng người ghé đến các chợ được bố trí, phân luồng hợp lý theo khung thời gian, từ đó kiểm soát và đảm bảo tuân thủ giãn cách.

Muôn kiểu đi chợ thời giãn cách
Công tác kiểm soát kiểm tra người ra vào chợ trên địa bàn Hà Nội được thực hiện nghiêm ngặt. (Ảnh: Giang Nam)

Bà Nguyễn Thị Ngả, cư dân của xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa chia sẻ, ngày chưa có dịch, bà đi chợ đều đặn mỗi ngày, thậm chí 2 lần/ngày khi muốn đổi món ăn tươi, ngon. Tuy nhiên, từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, bà hạn chế tối đa đến những nơi tập trung đông người, nơi công cộng. Hiện, để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, bà chỉ đi chợ 1-2 lần/tuần với đúng ngày ghi trên phiếu được cấp phát. Mỗi lần ghé vào chợ bà đều cố gắng lên danh sách và mua đủ nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt gia đình trong 1 tuần.

Đáng chú ý, ngoài phương thức đi chợ mua sắm thực phẩm như truyền thống thì hiện trên mạng xã hội cũng lập không ít hội, nhóm “đi chợ hộ”, hoặc các “chợ online” theo từng khu vực. Ví dụ, ở khu vực Hà Đông có ít nhất 5 “chợ online” như: Hà Đông bản, chợ cư dân Hà Đông, chợ Hà Đông online… trên các chợ khu biệt phạm vi này, các loại hàng khô, hàng tươi, con tôm, con cá đều được tiểu thương đưa hết lên mạng xã hội. Nói cách khác, chỉ cần mở điện thoại và “dạo quanh” các hội nhóm trên ứng dụng Facebook, Zalo là đều có thể mua sắm được các mặt hàng thiết yếu.

Cùng với sự “đổi chiều” mua sắm từ truyền thống sang online, các siêu thị trên địa bàn Thủ đô cũng nhanh chóng nắm bắt xu thế, áp dụng nhiều chính sách khuyến mại nhằm hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch. Các dịch vụ như thanh toán online hay “đi chợ hộ” đã và đang góp phần tích cực, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt. Chẳng hạn như, với dịch vụ “đi chợ hộ”, người mua sau khi tự chọn các sản phẩm thông qua website, ứng dụng… của siêu thị thì sẽ được đơn vị cung ứng kết nối và giao hàng tận nhà, giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn trong mùa dịch.

Về phía các ban, ngành chức năng hiện cũng đang phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm tạo thuận lợi tối đa cho việc mua sắm của người dân. Chẳng hạn, tại quận Ba Đình, bắt đầu từ ngày 4/8, quận Ba Đình đã triển khai các điểm bán hàng lưu động. Đến nay, đã có 10 điểm bán hàng lưu động an toàn có kiểm soát được mở để phục vụ nhân dân trên địa bàn. Qua ghi nhận, tại các điểm bán hàng, các mặt hàng nhu yếu phẩm phong phú, giá cả ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị Phạm Thị Lan, trú tại phường Cống Vị sau khi mua hàng tại điểm bán là Trường Trung học cơ sở Thăng Long cho biết, bản thân chị đánh giá cao và rất ủng hộ chủ trương của chính quyền bởi điểm bán hàng lưu động rất cần thiết đặc biệt là trong thời điểm giãn cách xã hội. Điểm bán hàng lưu động đang triển khai được bố trí ở khu vực có diện tích phù hợp để thực hiện quy định 5K và bảo đảm an ninh trật tự. Nhờ có những điểm bán hàng này mà người dân không phải đi xa, không phải chen lấn khi mua hàng, đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Kiểm soát nghiêm tại các chợ, siêu thị

Thời điểm này, Hà Nội vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, để đẩy lùi và từng bước bình thường hóa cuộc sống thì yêu cầu nghiêm ngặt trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại các chợ, siêu thị trên địa bàn là rất quan trọng. Theo ghi nhận, tại các địa phương kể cả trong “vùng đỏ” và “vùng xanh” đều duy trì và tăng cường các biện pháp giám sát tiểu thương, người đi chợ, nỗ lực để người dân tuân thủ nghiêm quy định giãn cách. Tại chợ Xốm, phường Phú Lãm, quận Hà Đông khi người dân ghé đến mua sắm Ban Quản lý chợ yêu cầu người dân có phiếu đi chợ, sát khuẩn trước cổng chợ và căng dây giữ khoảng cách, nên trong chợ luôn bảo đảm giãn cách. Công tác nhắc nhở cũng được triển khai thường xuyên, góp phần giúp ý thức của người bán và mua hàng được nâng cao hơn.

Muôn kiểu đi chợ thời giãn cách
Phía trong chợ, việc kinh doanh diễn ra khá ngăn nắp, các cửa hàng đều có tấm chắn và người mua cũng giữ khoảng cách. (Ảnh: Giang Nam)

Người dân thay đổi thói quen, các tiểu thương thì thay đổi cách bán hàng cũng đang là nét nổi bật tại khu chợ Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm. Theo đó, ngoài việc phát phiếu đi chợ ngày chẵn, lẻ vào thời gian quy định thì các cửa hàng kinh doanh đều công khai số điện thoại, tên cửa hàng, mặt hàng kinh doanh tại khu vực trước cổng chợ để người dân đặt hàng trước qua điện thoại, nỗ lực tối đa hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Nói cách khác, người dân không cần phải vào bên trong chợ, chỉ cần nhấc điện thoại và “alo” thông báo các mặt hàng mình cần là tiểu thương sẽ bố trí mang ra tận nơi.

Ngoài ra, bên trong khu chợ này, tất cả dãy hàng hóa đều được tiểu thương dùng tấm nilon chắn giọt bắn nhằm giữ khoảng cách tối đa với khách hàng, mọi giao dịch đều cẩn trọng để tránh tiếp xúc gần. Chị Đỗ Thị Phương, một tiểu thương kinh doanh tại đây cho biết, đây là chợ phố cổ nên rất sầm uất. Nhưng hiện Hà Nội đang thực hiện giãn cách nên chợ tương đối thưa vắng, để đảm bảo giãn cách. “Các cơ quan chức năng kiểm soát chặt việc đi chợ như thế này là rất tốt, mọi người dân và tiểu thương chúng tôi đều rất ủng hộ”, chị Phương chia sẻ.

Đó là với khu vực nội thành, còn tại các “vùng xanh” ngoại thành hiện công tác kiểm soát và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các chợ cũng vẫn được duy trì thực hiện nghiêm. Sở chỉ huy phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thị xã Sơn Tây cho biết, từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9, Hà Nội quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng. Theo đó, Thành phố tiếp tục siết chặt “vùng đỏ” là vùng có nguy cơ rất cao, tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn. Khu vực nguy cơ cao “vùng cam” và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh” áp dụng nguyên tắc Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thị xã Sơn Tây thuộc vùng xanh, song không vì thế mà công tác chống dịch bị lơi là. Hiện thị xã vẫn tiếp tục yêu cầu mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Quán triệt thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp. Với nhu cầu giao thương, mua sắm, thị xã Sơn Tây khuyến khích người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà; tiếp tục siết chặt công tác quản lý phòng, chống dịch tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện ích và các hoạt động đông người như xét nghiệm, tiêm chủng… Đối với việc cấp giấy đi chợ cho dân cũng tiếp tục được kiểm soát nhằm hạn chế tình trạng tập trung đông người không đảm bảo khoảng cách tại các chợ.

Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, những cách thức mua sắm hàng hóa, nhu yếu phẩm tại Thủ đô được tổ chức thực hiện tương đối linh hoạt song vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Chính sự linh hoạt này đã phần nào giúp người dân thay đổi nhu cầu mua sắm, ổn định cuộc sống, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2./.

Giang Nam

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích