Mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp

(Xây dựng) – Sáng 1/8, phát biểu tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp” do Thủ tướng chủ trì, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện, động lực cho phát triển nhà ở xã hội, hướng tới hoàn thành mục tiêu đầu tư, xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, công nhân vào năm 2030.

muc tieu den nam 2030 hoan thanh dau tu xay dung 1 trieu can ho nha o xa hoi cong nhan khu cong nghiep
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị.

Đã hoàn thành 301 dự án với 7,79 triệu m2

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, trong thời gian qua, thực hiện chủ trương dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp, các chính sách về nhà ở xã hội đã giúp cho số lượng rất lớn hộ gia đình được cải thiện nhà ở. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.

Về cơ chế chính sách và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng: Chính sách phát triển nhà ở hiện hành cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp trong thời gian vừa qua được thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm sau: Luật Nhà ở 2014; Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP); Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cũng như quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cụ thể là: Quy định 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở; Quy định về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Quy định các cơ chế ưu đãi; Quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Về việc đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai, thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà công nhân trong thời gian gần đây. Bên cạnh việc thực hiện kiểm tra thường xuyên công tác quản lý Nhà nước, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã lập kế hoạch, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, thành lập Tổ công tác liên ngành làm việc trực tiếp với một số địa phương trọng điểm về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Về kết quả đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: Tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.718.000m2. Trong đó:

Đối với dự án nhà ở xã hội, đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 175 dự án, quy mô xây dựng khoảng 93.090 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 4.654.480m2. Đang tiếp tục triển khai 274 dự án, quy mô xây dựng khoảng 293.460 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 14.673.000m2.

Đối với nhà ở công nhân, đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000m2. Đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000m2.

Đối với việc giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: Tính đến ngày 05/7/2022, có 41/63 địa phương có báo cáo, trong đó báo cáo số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai là 240 dự án, dự kiến nhu cầu vay vốn là 34.552 tỷ đồng. Trên cơ sở rà soát các điều kiện đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 06/7/2022, Bộ Xây dựng đã công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay (giai đoạn 1) trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và gửi Ngân hàng Nhà nước là 04 dự án với tổng mức đầu tư là 4.665 tỷ đồng, tổng mức vay dự kiến là 1.751 tỷ đồng.

muc tieu den nam 2030 hoan thanh dau tu xay dung 1 trieu can ho nha o xa hoi cong nhan khu cong nghiep
Khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội được rất nhiều công nhân thuê ở nhưng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được quan tâm cải tạo, sửa chữa.

Nhiều tồn tại, khó khăn

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bên cạnh những thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn về cả quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện.

Về quy định pháp luật, mặc dù Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan, cụ thể như sau:

Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại. Cụ thể, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; các đối tượng nhà ở xã hội phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện…

Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan Nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.

Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.

Quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng. Trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn, làm giảm thu hút đầu tư.

Trong khi đó, Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong khi trên thực tế nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã muốn mua, thuê nhà ở xã hội để cho người lao động của họ thuê lại để ở là rất lớn.

Về thực hiện miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư: Theo quy định của pháp luật về nhà ở thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất trong phạm vi dự án (bao gồm cả phần kinh doanh nhà ở thương mại). Tuy nhiên, theo pháp luật về đất đai (khoản 3 Điều 8 Thông tư số 10/2018/TT-BTC) thì yêu cầu chủ đầu tư khi bán nhà (cùng với chuyển nhượng quyền sử dụng đất) cho khách hàng thì phải nộp lại số tiền sử dụng đất được miễn, trong khi chủ đầu tư đã dùng lợi nhuận của phần kinh doanh thương mại (trong cơ cấu giá bán đã tính tiền sử dụng đất) để bù đắp, giảm giá thành cho nhà ở xã hội dự án.

Về tổ chức thực hiện: Ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mới bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội); nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí.

Nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, cụ thể: Chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm.

Chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương.

Chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định.

Chưa thực sự quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án… vẫn còn kéo dài.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đưa ra quan điểm, mục tiêu và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Về quan điểm, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế – xã hội; là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân; Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng này; Phát triển nhà ở xã hội gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.

Về mục tiêu: Mục tiêu tổng quát là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất; Và mục tiêu cụ thể là, đến năm 2025, hoàn thành các dự án đã triển khai đầu tư xây dựng (156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ) và các dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư (245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ), tiếp tục khởi công các dự án mới. Đến năm 2030, hoàn thành đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp.

muc tieu den nam 2030 hoan thanh dau tu xay dung 1 trieu can ho nha o xa hoi cong nhan khu cong nghiep
Tại Hội nghị, đại diện các tập đoàn bất động sản lớn chia sẻ sẵn sàng chung tay với Chính phủ đầu tư xây dựng hàng triệu căn hộ nhà ở xã hội, mong Chính phủ, Bộ, ngành tiếp tục gỡ vướng cơ chế, chính sách để doanh nghiệp thuận lợi đầu tư, xây dựng.

Về giải pháp

Hoàn thiện thể chế, chính sách: Mặc dù một số tồn tại, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội đã được giải quyết tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung vướng mắc tại Luật Nhà ở và một số pháp luật khác có liên quan, cũng như còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện như đã nêu trên.

Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế… trong đó sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước… đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Lập, phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030):

Bộ Xây dựng chủ trì lập, trình Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030) trong tháng 8/2022.

Để có cơ sở, số liệu lập Đề án, đề nghị các địa phương báo cáo trước 10/8/2022 các nội dung: Các dự án đang triển khai; Các dự án đã có vị trí, có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai; Các vị trí, quỹ đất quy hoạch nhà ở xã hội; Lập kế hoạch triển khai (số lượng dự án, số lượng căn hộ, diện tích xây dựng, tiến độ cụ thể của từng dự án) thực hiện đầu tư các dự án nhà ở xã hội (giai đoạn từ nay đến năm 2030) đảm bảo nhu cầu của địa phương.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch định hướng cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn trong việc đầu tư nhà ở xã hội (số lượng dự án, số lượng căn hộ, diện tích xây dựng cụ thể tại các địa phương).

Cần vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Bộ Xây dựng nghiên cứu dự thảo, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội (dự kiến kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV).

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Bộ Xây dựng phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại của Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Bộ Xây dựng đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị.

Bộ Xây dựng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tích thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới.

Đối với các địa phương: Nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định.

Rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.

Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Đối với các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều công nhân như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương… căn cứ quy định pháp luật về nhà ở và Nghị định số 35/2022/NQ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ (khi lập Danh mục các khu công nghiệp phải dành tối thiểu 2% tổng diện tích của các khu công nghiệp để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp) để dành quỹ đất và kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê.

Về việc triển khai thực hiện đầu tư Dự án: Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021) làm cơ sở để chấp thuận đầu tư; đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm.

Đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác.

Sớm lập, phê duyệt và công bố công khai Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.

Đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương thực hiện các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư (đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 của Bộ Xây dựng) để triển khai thực hiện.

Có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường.

Chỉ đạo các chủ đầu tư dự án trên địa bàn nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, đảm bảo chất lượng tương đương với nhà ở thương mại; bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục…

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn, trong đó có việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.

Đề nghị UBND Thành phố Hà Nội sớm triển khai các khu nhà ở xã hội tập trung, đặc biệt 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 508/TB-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ.

Đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; Rà soát, phối hợp với các Bộ ngành liên quan giải quyết các dự án còn gặp vướng mắc về pháp lý trong giai đoạn vừa qua nhằm giải phóng các nguồn lực này, đặc biệt là các dự án đã có đất sạch, có thể chuyển sang giai đoạn xây dựng được ngay, tạo nguồn cung cho thị trường.

Về triển khai gói hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ: Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó khẩn trương rà soát đối tượng, điều kiện để lập Danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại theo quy định của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích