Mức phạt mới nhất đối với hành vi đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường
(TN&MT) – Bạn đọc Nguyễn Phương Mai (Thanh Trì, Hà Nội) hỏi: Hiện nay, tôi thấy người dân sau khi thu hoạch lúa thường đốt rơm rạ ngoài đồng, ruộng. Hành vi này gây ô nhiễm môi trường và gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh vì có khả năng lan rộng đám cháy, mất an toàn giao thông. Xin hỏi, hành vi này có bị phạt tiền không? Mức phạt bao nhiêu?
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:
Đúng như bạn biết, việc đốt rơm rạ sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, việc đốt rơm rạ gần đường giao thông còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn do tầm nhìn của người tham gia giao thông bị che khuất.
Từ ngày 25/8/2022, hành vi này sẽ bị xử phạt nặng theo quy định của Nghị định 45/2022/NĐ-CP. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 41 quy định: Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.
Ngoài ra, Điều 41, Nghị định 45/2022/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về các mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký, kiểm kê, báo cáo và quản lý thông tin về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y theo quy định; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định và gây ô nhiễm môi trường.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc đánh giá và kiểm soát hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định; Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép và gây ô nhiễm môi trường; Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu hóa chất, vật liệu chứa hóa chất nguy hại không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường.
Ngoài các mức phạt trên, đối tượng vi phạm sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường từ 9 tháng đến 12 tháng; buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm, khắc phục sự cố môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính…