Mức hưởng trợ cấp hằng tháng của người khuyết tật

Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Căn cứ đặc điểm khuyết tật, có 6 loại khuyết tật là: Khuyết tật vận động, khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn, khuyết tật thần kinh, tâm thần, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật khác.

Căn cứ mức độ khuyết tật, người khuyết tật được chia theo 3 mức độ khuyết tật sau:

– Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày.

– Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày.

– Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng như trên.

Ảnh minh họa.

Chính sách trợ giúp xã hội là giúp đỡ của Nhà nước, cộng đồng xã hội đối với những người có hoàn cảnh khó khăn mà bản thân họ không tự khắc phục được, nhằm mục đích an sinh xã hội. Theo quy định của Nghị định 20/2021/NĐ-CP, ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng như sau:

– 540.000 đồng đối với người khuyết tật nặng;

– 720.000 đồng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng; trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.

– 900.000 đồng đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;

Chế độ bảo hiểm y tế: Các đối tượng trợ cấp xã hội hàng tháng nêu trên, được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Trường hợp được cấp nhiều loại thẻ bảo hiểm y tế thì chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế có quyền lợi bảo hiểm y tế cao nhất.

Người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng được hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng tại cộng đồng sẽ được hưởng các chế độ sau:

Trợ cấp xã hội hàng tháng.

– 540.000 đồng đối với người khuyết tật nặng.

– 720.000 đồng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng; trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.

– 900.000 đồng đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng.

Cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Hỗ trợ chi phí mai táng.

Người khuyết tật được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội sẽ được hỗ trợ như sau

Trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng là

– 1.800.000 đồng đối với trẻ em dưới 04 tuổi.

– 1.440.000 đồng đối với các đối tượng từ đủ 4 tuổi trở lên.

– Cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế.

– Hỗ trợ chi phí mai táng khi chết với mức tối thiểu bằng 18 triệu đồng.

– Cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường, vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sách, vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các chi phí khác theo quy định.

Hỗ trợ giáo dục, đào tạo và tạo việc làm

Được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chính sách hỗ trợ học mầm non, giáo dục phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất theo quy định của pháp luật.

Từ 16 tuổi trở lên đang học các cấp học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng không quá 22 tuổi.

Trẻ em từ 13 tuổi trở lên được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội không còn học phổ thông thì được giới thiệu học nghề.

Từ 16 tuổi trở lên không tiếp tục học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học được đưa trở về nơi ở trước khi vào cơ sở trợ giúp xã hội. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ở trước đây của đối tượng có trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống.

Từ 16 tuổi trở lên không tiếp tục học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì cơ sở trợ giúp xã hội và địa phương xem xét hỗ trợ để có nơi ở, tạo việc làm và cơ sở trợ giúp xã hội tiếp tục giải quyết trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho đến khi tự lập được cuộc sống, nhưng không quá 24 tháng.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích