Mức hưởng chưa tương xứng làm nản lòng người tham gia bảo hiểm xã hội

Mức hưởng chưa tương xứng làm nản lòng người tham gia bảo hiểm xã hội

MTĐT –  Thứ tư, 22/12/2021 15:18 (GMT+7)

Mức tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) có xu hướng tăng từ năm 2007 đến nay, nhưng mức hưởng thực tế các chế độ BHXH bắt buộc lại giảm dần, đặc biệt là với khoản lương hưu, chưa được điều chỉnh tương xứng với sự gia tăng của lạm phát…

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Thông tin này được ghi nhận trong nghiên cứu “Tổng quan và phân tích chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam” do Oxfam Việt Nam cùng mạng lưới Hành động Vì người lao động di cư (M.net) thực hiện. Nghiên cứu được chia sẻ tại Tọa đàm “Bảo hiểm xã hội tự nguyện và cơ hội tiếp cận của lao động phi chính thức” tổ chức sáng 21/12.

MỨC TIỀN LƯƠNG ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI TĂNG – CHẾ ĐỘ GIẢM DẦN

Thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo, PGS. TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, đến nay hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hướng tới mục tiêu chung là bao phủ an sinh xã hội toàn dân, bảo hiểm xã hội bắt buộc đã cung cấp đầy đủ các chế độ hưởng cho người lao động.

Tuy nhiên, đa phần người lao động phổ thông đang thiếu vắng nghiêm trọng chế độ bảo vệ thông qua hệ thống an sinh xã hội, dù họ đã tham gia lực lượng lao động chính thức. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của các chủ cơ sở đã có đăng ký kinh doanh chỉ vào khoảng khoảng 3-17%.

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng phụ thuộc lớn vào hình thức hợp đồng lao động, trong đó lao động làm việc theo hợp đồng ngắn hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm hoặc dưới 3 tháng thường không được thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của lao động phi chính thức là chủ cơ sở, lao động tự làm và lao động gia đình rất thấp, ngay cả khi thu nhập của họ cao hơn chuẩn nghèo.

Nghiên cứu cũng nêu ra một số rào cản về chính sách khiến người lao động đắn đo khi tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chẳng hạn như, đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mức tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội có xu hướng gia tăng kể từ năm 2007 đến nay, và tăng mạnh hơn kể từ năm 2016.

Tuy nhiên, mức hưởng thực tế các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc lại giảm dần, đặc biệt là đối với quỹ hưu trí tử tuất nói chung và khoản lương hưu hàng tháng nói riêng. Điều này cho thấy mức hưởng của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa được điều chỉnh tương xứng với sự gia tăng của lạm phát.

Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, từ năm 2022 số năm đóng bảo hiểm xã hội tăng thêm 5 năm so với quy định trước đây, thì người lao động mới nhận được mức hưởng hưu trí tối đa.

Mặc dù chế độ hưu trí và tử tuất trong chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện về cơ bản là khá tương đồng, nhưng vẫn có một số khác biệt như chế độ tử tuất của bảo hiểm xã hội tự nguyện không có chế độ tuất hàng tháng, mà chỉ có tuất một lần.

Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng ít hơn bảo hiểm xã hội chính thức, không có các chế độ ngắn hạn khác như: chế độ thai sản, ốm đau bệnh tật, và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

GIẢM BỚT SỐ NĂM ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI TỐI THIỂU ĐỂ CÓ LƯƠNG HƯU

Trước những thực tế trên, nhóm nghiên cứu đề xuất để tăng độ bao phủ đối với cả hai loại hình bảo hiểm xã hội, cần thay đổi theo hướng linh hoạt giảm bớt, hoặc bỏ quy định về số năm người lao động đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng.

Chuyên gia chia sẻ các phát hiện chính của nghiên cứu. 
Chuyên gia chia sẻ các phát hiện chính của nghiên cứu.

Đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc, cần tăng mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc một cách phù hợp, để đảm bảo về sức mua của các khoản đã đóng này khi quy đổi về hiện tại, do tác động của lạm phát theo thời gian.

Tương tự với bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng vậy, nhưng cùng với đó, cần triển khai các gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn linh hoạt như: ốm đau, thai sản, trợ cấp gia đình…Ngoài ra, cần có sự thay đổi về quy định đóng, hưởng và các chế độ hỗ trợ mức đóng với các nhóm lao động khác nhau phù hợp với các đặc trưng công việc và gia đình.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần phát triển một hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, hiện đại và tích hợp theo các nguyên tắc bình đẳng, công bằng, chia sẻ và bền vững cho tất cả người lao động.

“Các định hướng chính sách bảo hiểm xã hội cần từng bước bổ sung thêm các chế độ bảo vệ trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, để thu hẹp khoảng cách về chế độ giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong quá trình sửa đổi bổ sung chính sách, tiếng nói của người lao động cần được các nhà hoạch định chính sách tôn trọng, cân nhắc và áp dụng một cách phù hợp”, ông Phạm Quang Tú lưu ý.

Còn theo bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện LIGHT, các chính sách an sinh xã hội cần được xây dựng và đánh giá dựa trên 3 tiêu chí chính là diện bao phủ, tính đầy đủ và tính bền vững.

“Với tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm xã hội còn thấp, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất ít, trong khi nhóm lao động khu vực phi chính thức lại chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu việc làm, chúng ta cần phải xem xét chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện một cách toàn diện hơn. Bao gồm cả việc điều chỉnh chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là các nhóm lao động tự do”, bà Nguyễn Thu Giang nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích