Mùa Xuân “gõ cửa” người thu nhập thấp

(TN&MT) – Không còn cảnh sống trong những căn nhà trọ chật chội, ẩm thấp, nhiều người thu nhập thấp tại TP.HCM đã có chốn an cư khang trang, sạch sẽ của riêng mình trong mùa xuân mới này.

Căn nhà mơ ước

Sau hơn 10 năm ở trọ, vợ chồng chị Nguyễn Thị Bình – công nhân một nhà máy tại quận 12 (TP.HCM) đã mua được căn nhà mơ ước. Căn nhà của vợ chồng chị thuộc Dự án nhà ở xã hội Zen Tower tại quận 12 (TP.HCM). Dự án chung cư có đầy đủ các tiện ích như: trung tâm thương mại, công viên cây xanh, sân chơi cho trẻ em…, những tiện ích mà khi ở nhà trọ cũ, chị mơ cũng không có.

29-2-.jpg

Chị Bình cho biết, căn hộ của chị rộng hơn 50m2 được mua với giá gần 1 tỷ đồng. Trong đó, vợ chồng chị trả trước 400 triệu, số còn lại được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi 4,8% cố định trong vòng 15 năm. So với việc phải bỏ ra 3 triệu thuê nhà trọ mỗi tháng như trước đây, giờ vợ chồng chị cần khoảng gần 5 triệu để trả nợ cả gốc và lãi. Để có tiền trả nợ, chị tích cực tăng ca, chồng chị tranh thủ chạy xe ôm ngoài giờ làm. Dù vất vả hơn, nhưng bù lại, gia đình chị đã có ngôi nhà của mình, không còn thấp thỏm lo cảnh chủ trọ đòi lại nhà. Hiện, vợ chồng chị đang làm việc tại quận 12 và các con cũng học ở đây nên việc đi làm, đi học vô cùng thuận lợi.

Dọn về nhà mới khi chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, vợ chồng chị chỉ kịp chuyển cái giường, cái tủ cũ ở phòng trọ sang và mua thêm cành mai, vài chậu cúc. Đơn giản vậy thôi mà thấy như chúa xuân gõ cửa rộn ràng.

“Ngày đầu tiên đón Tết trong nhà mới, chúng tôi cứ ngỡ còn mơ. Lần đầu tiên chúng tôi đón Tết đúng nghĩa với hai từ “đủ đầy”, chị Bình tâm sự.

Còn gia đình anh Nguyễn Văn Khánh – công nhân ở quận Bình Tân đã đón tết trong nhà trọ gần 15 năm nay, niềm vui đến bất ngờ khi gia đình anh đã được duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội. Dự kiến, giữa năm 2023 gia đình anh sẽ được chuyển về nhà mới.

Anh Khánh cho biết, để được duyệt mua nhà ở xã hội, gia đình anh phải làm rất nhiều thủ tục và phải hội đủ các điều kiện như: Người thu nhập thấp, hộ nghèo và cận nghèo tại khu vực đô thị; chưa có nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình; có đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên tại TP.HCM… “Ngoài việc hồ sơ đầy đủ, tôi còn thấy mình có chút may mắn. Bởi số căn hộ bán ra có hạn nhưng số lượng hồ sơ đăng ký mua rất nhiều, nên không phải ai đăng ký là đều được duyệt”, anh Khánh nói.

Gia đình chị Bình, anh Khánh là hai trong số hàng ngàn gia đình thu nhập thấp tại TP.HCM có được niềm vui về một nơi ở mới, khang trang, sạch sẽ và ổn định. Chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sẽ giúp thành phố năng động nhất cả nước giữ chân lao động. Chính họ đã góp phần tạo dựng vị thế đầu tàu phát triển kinh tế cho thành phố này.

Và tấm lòng của người xây nhà ở xã hội

Để có căn nhà dành cho người thu nhập thấp, ngoài sự cố gắng của chính người lao động, không thể không nhắc tới nỗ lực của những doanh nghiệp tham gia vào phân khúc mà nhiều nhà đầu tư không mấy mặn mà.

29-1-.jpg

Trong giai đoạn 2021 – 2025, thành phố dự kiến phát triển 2,5 triệu m² sàn nhà, tương đương 35.000 căn nhà ở xã hội. Từ 2006 đến 2020, thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội, với quy mô hơn 18.000 căn hộ.

Ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành (Công ty Lê Thành) cho biết, từ khi là kỹ sư xây dựng “lăn lộn” trên công trường, ông đã chứng kiến cuộc sống của công nhân ngoại tỉnh trong những phòng trọ tồi tàn, ẩm thấp. Ai cũng mong có được ngôi nhà khang trang song họ không dám mơ đến bởi giá nhà đất quá cao so với thu nhập của họ.

Vậy là khi thành lập Công ty Lê Thành, ông Nghĩa quyết định chọn xây dựng nhà ở xã hội là một mảng hoạt động. Một phần vì “cầu” rất lớn, phần khác ông mong góp một phần nhỏ đem đến chốn an cư cho những người thu nhập thấp.

Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Công ty Lê Thành đã cung cấp ra thị trường hơn 7.000 căn nhà ở xã hội. Đó là cụm chung cư Lê Thành gồm 7 block tại đường An Dương Vương (An Lạc, Bình Tân), dự án Lê Thành Twin Towers (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân), dự án Thành Tân Tạo (phường Tân Tạo, quận Bình Tân)… Nhưng số lượng này vẫn chưa đáng là bao so với nhu cầu thực tế của người dân đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM.

Sở dĩ, nhiều doanh nghiệp không mặn mà với phân khúc nhà ở xã hội, theo ông Nghĩa, các bước chuẩn bị dự án mất quá nhiều thời gian và tình trạng thiếu hụt nguồn cung khiến giá thành bị đẩy cao.

29-3-.jpg

TP.HCM sẽ đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội để công nhân, người lao động, người thu nhập thấp có thêm nhiều cơ hội an cư.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa cho biết thêm, trong các chi phí dự án, có chi phí tài chính ẩn. Đó là chi phí tài chính phụ thuộc vào thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Nếu thời gian đó kéo dài, doanh nghiệp chưa có giấy phép xây dựng trong khi lãi ngân hàng vẫn phát sinh. Tất cả các chi phí đó cộng dồn khiến giá nhà tăng cao. Ông Lê Hữu Nghĩa khẳng định, nếu Nhà nước hỗ trợ về thủ tục pháp lý thì mỗi năm các doanh nghiệp có thể tung ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ với giá dưới 25 triệu đồng/m2.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, từ nay đến 2030, TP.HCM có khoảng nửa triệu người dân cần nhà ở xã hội. Nhu cầu cấp thiết khiến TP.HCM đã đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội. Trong năm 2022, TP.HCM đã khởi công 5 dự án nhà ở xã hội, dự kiến cung cấp khoảng 3.500 căn. Thành phố cũng đang nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp, mở rộng đối tượng được xét mua nhà ở xã hội…

Sự quyết tâm của chính quyền thành phố, sự đồng hành của doanh nghiệp sẽ dần đáp ứng được mong mỏi của người dân về một nơi “an cư lạc nghiệp”, mở ra “bước ngoặt mới” cho người nghèo, gặp khó khăn về nhà ở, giúp cho cuộc sống của họ thật sự bước sang một trang mới.

Bạn cũng có thể thích