Mưa sớm, trồng rừng thuận lợi

Nông dân bỏ mía, sắn trồng keo

Ông Nguyễn Văn Trang, ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) chở keo giống từ vườm ươm ra rẫy cuốc lỗ trồng keo, chia sẻ: Năm nay mùa mưa đến sớm, đầu tháng 9 đã có cơn mưa, thuận lợi trồng keo. Có gia đình trồng đợt đầu đến nay rễ keo đâm ra khỏi bầu đất (ươm trong túi ni lông có đất), bám vào đất rẫy cứng cây. Không như mấy năm trước, phải cuối tháng 9 mới xuất hiện cơn mưa, rồi nắng kéo dài, nhiều người chưa kịp trồng keo đất đã khô cứng.

Cũng theo ông Trang, thời tiết thuận nên năm nay tiến độ trồng keo nhanh, chỉ cần cuốc lỗ rồi đặt cây xuống lấp sơ, khi có mưa chỉ cần lấp lỗ dẽ chặt, keo con mới trồng không bị trống đất giữ ẩm, lớn nhanh. Còn trồng keo trời nắng, sợ trống gốc, keo trồng bốc hơi khô đất nhanh, người trồng lấp lỗ kỹ nên cầm công. Trước đây 1 ha cần 5 công cuốc lỗ trồng, nay 3 công trồng 1 ngày là xong.

Nông dân mua giống cây lâm nghiệp ở Thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) vận chuyển trồng rừng. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.
Nông dân mua giống cây lâm nghiệp ở Thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) vận chuyển trồng rừng. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Xã Sơn Định có 3 vườn ươm, mỗi năm một vườn xuất bán 2 vạn cây giống. Những ngày qua, nhiều người đến vườn cây thôn Hòa Nghĩa, Hòa Bình (xã Sơn Định) mua keo giống. Giá keo gống đối với cây giâm hom là 800 – 900 đồng/cây, cấy mô từ 2.200 – 2.500/cây, còn gieo hạt 500 – 600 đồng/cây. Năm nay, nhiều người chọn cây giâm hom và cấy mô, còn cây gieo hạt ít trồng vì yếu cây, chậm phát triển, chất lượng gỗ kém.

Bà Bùi Thị Duyên, đang mua keo giống ở vườn ươm xã Sơn Định cho hay: “Rẫy nhà tôi trồng giống keo giâm hom, loạt này giống tốt mau phát triển. Vợ chồng tôi trồng 3 bữa là 3 chiều trời mưa nên trồng 100 cây sống 100 cây, còn mấy năm trước trồng xong phải mua thêm cây giống trồng dặm vì keo non chết”.

Thống kê của UBND xã Sơn Định, đến nay nông dân trồng 284 ha keo, cùng với đó đã thu hoạch 163 ha, sản lượng gỗ đạt 75 tấn/ha. Theo ông Nguyễn Quốc Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Định: Thời gian qua giá gỗ nguyên liệu keo giữ mức ổn định 1 triệu đồng/tấn, trung bình trồng 1 ha rừng kinh tế, sau 5 năm khai thác được 70 – 80 tấn/ha, trừ chi phí bình quân người trồng rừng thu được 60 triệu đồng/ha.

UBND xã khuyến khích người dân khai thác có hiệu quả đất trống đồi núi trọc để trồng rừng keo, lập vườn rừng theo mô hình nông lâm kết hợp gắn với quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp.

Khu vực gò đồi từ xã Xuân Phước qua xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), nông dân chở cây giống trồng keo tấp nập. Ông Thái Văn Sáu, ở xã Xuân Phước cho rằng, keo trồng cách 2 – 3 m/cây, thời gian 4 – 5 năm cho thu hoạch, không phải tốn chi phí trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, vì keo trồng một lần đến 4 – 5 năm sau mới bỏ công thu hoạch. Còn trồng sắn, mía thì năm nào cũng cày bữa, chăm sóc, thu hoạch, chi phí vật tư tốn kém.

Mấy năm qua nắng quá, sắn, mía “chịu đời” không nổi chết héo, nông dân chuyển sang trồng keo. “Tôi có đám đất gò mấy năm giờ trồng sắn, mía, gần dây xung quanh trồng keo, đám đất của tôi bị rợp bởi tán cây keo che phủ, nay tôi cũng bỏ sắn, mía “theo” keo”, ông Sáu nói.

Tại huyện Đồng Xuân, để nâng cao sản lượng gỗ rừng trồng, ngành nông nghiệp địa phương đã triển khai mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai, trong đó tại xã Xuân Quang 2 là 30 ha, Xuân Long 10 ha. Mô hình này của Dự án Khuyến nông Trung ương, hiện Phòng NN-PTNT phối hợp Trung tâm Khuyến nông huyện Đồng Xuân theo dõi quá trình phát triển, đến nay được đánh giá là mô hình triển vọng.

Bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Phó Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho hay: Kế hoạch năm 2021, trên địa bàn huyện trồng rừng tập trung 1.600 ha, chủ yếu là trồng lại sau khai thác. Các vườn ươm trong huyện gieo ươm 1 triệu cây giống cây lâm nghiệp. Cùng với đó chăm sóc rừng trồng 5.000 ha, hiện tỉ lệ độ che phủ rừng là 62,2%.

Tập trung trồng rừng kinh tế

Thường đến mùa mưa, nhân dân tập trung trồng rồi chăm sóc keo đã trồng năm trước, phát dọn thực bì. Vì mùa mưa chồi non của những cây tạp mọc lên lấn cây keo làm cho cây trồng chậm phát triển nên phải chặt bỏ cây chồi tạp.

Vườm ươm giống cây lâm nghiệp ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.
Vườm ươm giống cây lâm nghiệp ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) cho hay: Ông dùng máy phạt chồi cây tạp, cùng với đó chặt bỏ cây keo bị gãy, cong, trồng 1 năm không lớn, rồi bỏ phân NPK dưới gốc. Keo trồng năm ngoái cây cao tới bụng, chăm sóc tốt cao ngang đầu người lớn. Trồng keo nếu chăm sóc tốt, đối với keo lai sẽ nâng cao sản lượng, rút ngắn thời gian thu hoạch.

Những năm qua, nông dân các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Bar, Ea Trol (huyện Sông Hinh) sống chủ yếu dựa vào trồng rừng kinh tế. Thống kê của UBND huyện Sông Hinh, phong trào trồng rừng tiếp tục phát triển mạnh.

Trong năm nay, huyện trồng rừng tập trung đạt gần 1.300 ha, đồng thời trồng trên 300.000 cây phân tán, nâng độ che phủ rừng lên 40,3%, đạt 100% so với kế hoạch. Những năm gần đây, nông dân chủ yếu là trồng lại rừng sau khai thác, nguồn thu của nông dân chủ yếu vào việc trồng rừng kinh tế.

Mới đây, Sở NN-PTNT Phú Yên đã công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp của 3 hộ kinh doanh và 2 cơ sở với số lượng cây giâm hom cung cấp 5 triệu cây giống để chủ động trồng rừng. Kế hoạch đến cuối năm 2021, toàn tỉnh trồng mới 6.000 ha, trong đó trồng rừng gỗ lớn là 745,5 ha, trồng rừng thay thế 306,1 ha.

Các đơn vị lâm nghiệp tiếp tục tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, triển khai thực hiện chăm sóc rừng trên diện tích rừng trồng qua các năm khoảng 18.500 ha, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Năm nay toàn tỉnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, trong đó tập trung bảo vệ rừng tự nhiên, chăm sóc rừng trồng, tiếp tục thực hiện công tác gieo ươm và chăm sóc cây con để phục vụ cho kế hoạch trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán năm 2021. Đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích