Múa rối nước, góp phần “giữ hồn” dân tộc

Múa rối nước (hay còn gọi là trò rối nước) là hình thức dùng con rối diễn trò, diễn kịch trên mặt nước. Loại hình nghệ thuật đặc sắc này được hình thành từ đời sống lao động, gắn bó với môi trường sông nước của người Việt cổ. Quanh năm lao động vất vả, mệt nhọc, trong những giây phút nghỉ ngơi, những người nông dân đã sáng tạo cho mình một trò chơi mới, đó là dùng những khúc gỗ, tạo thành hình con trò, điều khiển trên mặt nước, gọi là trò rối nước.

Trong mỗi trò diễn, người nông dân có thể bắt gặp những nét sinh hoạt, những công việc quen thuộc họ vẫn làm hàng ngày. Hình ảnh chú trâu đi bừa hay công việc tát nước ngoài đồng, tất cả đều hiện lên đầy sinh động, hấp dẫn.

Múa rối nước, góp phần “giữ hồn” dân tộc
Múa rối nước thu hút du khách quốc tế.

Không còn biểu diễn ở chiếc ao làng nhỏ bé, múa rối nước đã được biểu diễn ở thủy đình của làng mỗi khi làng có hội. Và cũng vì thế mà đề tài của múa rối nước cũng trở nên đa dạng hơn. Bên cạnh những trò diễn thể hiện đời sống sinh hoạt, những tập tục của người nông dân Việt Nam còn có các trích đoạn của các tích cổ như: Thạch Sanh, Tấm Cám. Nghệ thuật rối nước là sản phẩm văn hoá bản địa dân tộc Việt, phát triển ở hầu hết các làng xã quanh kinh thành Thăng Long như Đào Thục, Đào Xá – huyện Đông Anh, chùa Nành – huyện Gia Lâm, Phường rối nước xã Thanh Hải – huyện Thanh Hà – tỉnh Hải Dương và nhiều phường rối ở hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Dần dần rối nước – một nghệ thuật sinh ra từ đời thường đã trở thành sản phẩm của sân khấu truyền thống Việt Nam. Như vậy, có thể thấy rằng, múa rối nước ra đời từ nhu cầu tinh thần của những người dân, gắn bó với nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Và cũng chính họ, với óc sáng tạo và bàn tay tài hoa đã khai sinh ra loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Linh hồn của múa rối nước chính là những con rối. Khâu đầu tiên và chiếm vị trí quan trọng đó chính là khâu tạo hình. Ông cha ta đã vô cùng tinh tế khi chọn chất liệu gỗ sung làm con rối, bởi tính chất nhẹ và dai của gỗ. Cùng với lớp sơn phủ bên ngoài sẽ làm cho con rối thỏa sức vùng vẫy trên mặt nước mà không sợ bị cong, vênh hay thấm nước. Để làm một con rối hoàn chỉnh, phải trải qua nhiều công đoạn. Dưới những đôi bàn tay vốn quen với cái cuốc, cái cày, những khúc gỗ đơn điệu dần dần trở thành những con rối như: Chú Tễu, người nông dân, con trâu, cái cày, hay những con vật rất sinh động và có thể múa hát, làm việc. Bằng việc đánh bóng, gọt giũa và trang trí, người nghệ nhân xưa đã thổi hồn vào con rối, làm cho chúng trở nên tươi tắn, ngộ nghĩnh, mang nét tượng trưng và những nét tính cách khác nhau, sinh động đến lạ thường.

Quân rối nước dù tạc liền thành một khối gỗ hay chắp lại đều có hai phần gắn liền nhau, đó là phần thân và phần đế. Phần thân là phần nổi trên mặt nước để thể hiện nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước, giữ cho con rối nổi lên trên, và là nơi lắp máy, điều khiển cho con rối cử động.

Trải qua nhiều năm, có một quân rối luôn chiếm được tình cảm nhiều nhất và trở thành nhân vật tiêu biểu cho múa rối nước, đó là chú Tễu. Một thân hình tròn trĩnh với nụ cười hóm hỉnh, chú Tễu đã xuất hiện một cách vui vẻ, nghịch ngợm để làm nhiệm vụ giáo đầu, mở màn cho các tiết mục rối. Người dân Việt Nam đều thích chú Tễu bởi nhân vật rối với hai tay vung vẩy, cái đầu quay ngang, quay ngửa trêu trọc khán giả đã mang lại nụ cười, niềm lạc quan, mang lại những phút giây thoải mái, nhất là sau những giờ lao động mệt mỏi.

Trong nghệ thuật múa rối nước, nghệ thuật sử dụng mặt nước cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh của con rối. Nếu như những con rối được điêu khắc một cách đơn giản, có phần thô cứng với những cử động gấp khúc thì mặt nước lại luôn lung linh, mềm mại và như một chiếc gương phản chiếu mây trời. Hai sự vật tưởng chừng như rất đối lập nhau nhưng khi kết hợp lại thì sẽ trở thành một sự độc đáo, hấp dẫn hiếm có. Người xem trên bờ chỉ thấy chợt ẩn, chợt hiện và đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác….

Nghệ thuật rối nước đã hội tụ đầy đủ tinh hoa của nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau. Múa rối nước không chỉ giúp người xem cảm nhận được sắc thái của hội Làng, mà còn phảng phất đâu đó những ước mơ giản dị của người nông dân về một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Đằng sau những con rối là cả một làng quê Việt Nam với đời sống nông nghiệp từ lao động, lễ hội, tình yêu đến chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Trong thời kỳ cách mạng 4.0, với sự lên ngôi của công nghệ và các giá trị văn hóa khác, múa rối nước vẫn là “món ăn” tinh thần cho du khách nước ngoài khi đến Hà Nội du lịch, công tác…/.

Phương Linh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích