Mua nhà cắt lỗ, vợ chồng Hà Nội vay ngân hàng 70% chấp nhận có nợ để có nhà

Nguyễn Thị Thu Phương (28 tuổi) làm nghề setup và chủ một chuỗi cà phê ở Hà Nội. Cô chia sẻ bản thân mua căn nhà đầu tiên khi trong túi gần như không có đồng nào.

May mắn tìm được căn nhà cắt lỗ

Thu Phương và chồng kết hôn năm 2017. Ngay tại thời điểm đó, cô đã có ý định mua một căn nhà riêng và từng đi xem một vài dự án. Tuy nhiên, sau đó, do thay đổi công việc, chuyển từ Hà Nội về Quảng Ninh nên họ tạm gác lại dự định mua nhà.

Năm 2020, nhận thấy tình hình kinh doanh không thuận lợi như mong đợi, Phương và chồng từ bỏ toàn bộ những gì đã gây dựng trong 2 năm ở Quảng Ninh để trở về Hà Nội.

Họ dồn tất cả vốn liếng khởi nghiệp một lần nữa. Cả hai lần lượt mở hai cửa hàng cà phê. Những va vấp, kinh nghiệm tích lũy được trong mấy năm ở Quảng Ninh giúp công việc của họ có những khởi sắc nhất định.

Tháng 7/2022, khi tìm thuê mặt bằng để mở tiệm cà phê thứ ba, vợ chồng Phương đã tìm được một dự án và chợt nảy ra ý tưởng mua nhà để ổn định chỗ ở.

Mua nhà cắt lỗ, vợ chồng Hà Nội vay ngân hàng 70% chấp nhận có nợ để có nhà
Thu Phương tìm thấy căn hộ phù hợp khi đi mở rộng địa bàn kinh doanh. (Ảnh: T. P).

“Lúc này vợ chồng tôi đã có một khoản tích góp. Song khoản này chúng tôi dự định để mua ô tô làm phương tiện phục vụ công việc. Cả hai không hề có một khoản tiết kiệm hay dự trù nào để mua nhà cả. Vốn liếng trước đó, chúng tôi đã dồn hết vào cửa hàng cà phê”, Thu Phương chia sẻ với Dân trí.

Lý do khiến vợ chồng Phương nhanh chóng quyết định mua nhà là bởi căn hộ này được chủ bán cắt lỗ nên giá khá ưu đãi. Cô cho biết: “Giá chủ cũ mua từ chủ đầu tư là 1 tỷ 950 triệu đồng. Giá bán lại cho chúng tôi là 1 tỷ 650 triệu đồng. Giá này rẻ hơn hẳn so với giá mua trực tiếp từ chủ đầu tư thời điểm đó”.

Trong túi không có khoản nào dành cho mua nhà, hai vợ chồng cô buộc phải lên phương án tài chính. May mắn, cô được bố mẹ hai bên hỗ trợ 30% số tiền. 70% còn lại, Phương quyết định vay ngân hàng.

Tuy nhiên thời điểm tháng 7, tháng 8/2022, nhiều ngân hàng đã “khóa room” (dừng cho vay với một số lĩnh vực) nên việc vay tiền với cô không hề dễ dàng.

Thu Phương nhớ lại những ngày ngược xuôi vay tiền: “Mặc dù hồ sơ của tôi rất tốt nhưng đều bị từ chối. Đến đâu nhân viên ngân hàng cũng nói “nếu không mua bảo hiểm thì không vay nổi ngân hàng đâu”.

Thời điểm đó tôi luôn ở vào trạng thái căng thẳng, vừa phải nghĩ làm sao để có tiền mua nhà, làm nội thất, rồi tiền để phát triển kinh doanh. Kiên trì hỏi bạn bè và lần tìm các mối quan hệ, tôi gặp được hai nhân viên tư vấn rất có tâm. Cuối cùng tôi cũng vay được tiền mà không cần phải mua bảo hiểm nhân thọ. Mọi giấy tờ, thủ tục được hai bạn hỗ trợ nhiệt tình. Có lẽ cũng là một sự may mắn”.

Mua nhà cắt lỗ, vợ chồng Hà Nội vay ngân hàng 70% chấp nhận có nợ để có nhà
Cô gái trẻ trải qua khoảng thời gian căng thẳng để tìm giải pháp về tài chính. (Ảnh: T. P).

Thu Phương vay 70% tiền mua nhà từ ngân hàng (khoảng hơn 1 tỷ đồng) và chọn gói trả trong vòng 7 năm để có thể rút ngắn lãi suất một cách thấp nhất, cũng là để có động lực kiếm tiền nhất.

Khi được hỏi tại sao lại chọn trả góp trong 7 năm, cô lý giải: “Thông thường mọi người sẽ chọn thời hạn vay 15 – 20 năm. Song, theo quan sát của tôi, nhiều người vay trong vòng 15-20 năm, nhưng lại tất toán sau 5 năm. Lúc này họ sẽ phải đối diện với một số tiền phạt không nhỏ vì trả nợ trước hạn.

Về cơ bản, vay càng lâu thì lãi càng nhiều. Còn tôi chọn thời gian vay 7 năm, nếu trả đúng hạn, số tiền lãi chỉ khoảng 300 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng, tôi sẽ phải trả cả gốc và lãi cho ngân hàng khoảng 21-25 triệu đồng/ tháng. Với thu nhập từ hoạt động kinh doanh, khoản trả góp này hoàn toàn nằm trong khả năng tài chính của gia đình tôi”.

Chấp nhận có nợ là cách có nhà nhanh nhất

Căn hộ mà vợ chồng Phương mua có diện tích khá nhỏ, chỉ có 56m2, ở tầng cao nên rất thoáng, có thể ngắm nhìn thành phố khi lên đèn hay mỗi chiều hoàng hôn.

Theo Thu Phương, căn hộ cắt lỗ của mình có những ưu và nhược điểm nhất định. “Ưu điểm là giá tốt nhưng nhược điểm cũng không ít. Chủ nhà chưa lấy được sổ đỏ nên quá trình sang tên, chuyển đổi mất nhiều thời gian. Căn nhà đã hết hạn bảo hành từ chủ đầu tư vì đã quá 2 năm từ ngày nhận nhà mới.

Vậy nên, khi gia đình tôi vào sử dụng cũng có khá nhiều lỗi phát sinh. Ổ điện, vòi nước của chủ đầu tư kém chất lượng, thường xuyên bị hỏng và không được hỗ trợ xử lý. Chúng tôi phải tự gọi thợ bên ngoài về làm và tốn không ít chi phí”, cô gái 28 tuổi cho hay.

Mua nhà cắt lỗ, vợ chồng Hà Nội vay ngân hàng 70% chấp nhận có nợ để có nhà
Theo Phương, khi chọn mua chung cư, các gia đình nên tìm hiểu kĩ về ban quản lý, quy định chung của tòa nhà về chỗ gửi xe cũng như tiện ích xung quanh nơi mình ở. (Ảnh: T. P).

Sau khi mua nhà thói quen chi tiêu của vợ chồng Thu Phương cũng có ít nhiều thay đổi. Nếu trước đây họ hay mua sắm theo sở thích, đi du lịch thường xuyên thì nay những hoạt động này đã bị hạn chế lại.

Theo Thu Phương, khi chưa mua nhà, có những tháng hai vợ chồng cô mua sắm chi tiêu đến mấy chục triệu gần như không vì một mục đích cụ thể. Còn hiện tại, mọi thứ đều phải tính toán và suy nghĩ hơn.

Cô chỉ mua đồ gia dụng thật sự cần thiết cho gia đình, đi siêu thị một tuần 1-2 lần đủ dùng cho cả tuần. Hạn chế mua sắm quần áo hay đồ mỹ phẩm thuộc sở thích cá nhân. Ngoại trừ việc đầu tư cho con học một ngôi trường tốt hơn thì các khoản chi tiêu đều bị cắt giảm một cách tối đa nhất.

Mua nhà cắt lỗ, vợ chồng Hà Nội vay ngân hàng 70% chấp nhận có nợ để có nhà
Phương vay mượn thêm một số bạn bè người thân để có tiền làm nội thất căn hộ. (Ảnh: T. P).

Từ câu chuyện “mua nhà ngẫu hứng” của mình, Thu Phương cho rằng, chấp nhận có nợ là cách có nhà nhanh nhất.

“Với những người kinh doanh nhỏ như chúng tôi việc tạo ra được một dòng tiền xoay vòng thời điểm sau dịch là đã rất cố gắng rồi. Nên nếu đợi tích góp đủ để mua một căn thì không biết đến khi nào. Việc sở hữu căn nhà này cũng là cái duyên và là sự may mắn”, Thu Phương chia sẻ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích