Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại Thái Lan
Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại Thái Lan
Miền Nam Thái Lan đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lớn, lũ lụt trong những ngày qua, hàng chục người thương vong do thiên tai.
Theo một quan chức thuộc Văn phòng Cục Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Phuket, mưa lớn ở một số khu vực từ 1h00 sáng 23/8 đã gây ra lũ quét và lở đất. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ lở đất lớn xảy ra tại xã Karon, chôn vùi nhiều tài sản, trong đó có một biệt thự và khu lều trại của công nhân nhập cư. 10 thi thể đã được tìm thấy, bao gồm một cặp vợ chồng người Nga, 6 công nhân Myanmar và 2 người Thái Lan. Khoảng 50 ngôi nhà cùng nhiều tài sản bị hư hại và khoảng 10 người bị thương.
Ông Srattha Thongkam, Phó Tỉnh trưởng Phuket, cho biết một trung tâm chỉ huy và địa điểm sơ tán đã được thành lập phía sau chùa Wat Kata gần đó và ít nhất 25 người thuộc 5 hộ gia đình đã được sơ tán. Hiện các các đội cứu hộ đang tìm kiếm 4 địa điểm khác, nơi được cho là có người bị mắc kẹt dưới bùn.
Giới chức địa phương cho biết thêm mưa nhỏ vẫn tiếp diễn nhưng nước đã rút phần lớn ở các khu dân cư và nhiều tuyến đường. Tuy vậy, một số khu vực vẫn được tuyên bố là vùng thảm họa để tạo điều kiện cho công tác cứu trợ.
Người phát ngôn Chính phủ, bà Traisuree Taisaranakul nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thời tiết, các điểm du lịch và khu vực có nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ lụt hoặc lở đất. Bà kêu gọi du khách tránh các khu vực có nguy cơ cao và tuân theo các hướng dẫn an toàn.
Ngoài Phuket, một số tỉnh miền Bắc Thái Lan cũng đang phải hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng. Tuy nhiên, chính phủ đảm bảo vẫn kiểm soát được tình hình và và cố gắng không để lũ lụt ở miền Bắc ảnh hưởng đến thủ đô Bangkok và các tỉnh hạ lưu khác.
Theo Phó Thủ tướng tạm quyền Phumtham Wechayachai, Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã, Cục Thủy lợi Hoàng gia (RID) và Văn phòng Tài nguyên nước thiên nhiên (ONWR) đã được chỉ đạo theo dõi chặt chẽ tình hình, đặc biệt là ở các tỉnh bị lũ lụt nặng nề nhất. Bộ Nội vụ đã được yêu cầu thành lập các trung tâm khẩn cấp để tạo phối hợp với các cơ quan liên quan ở các khu vực lũ lụt và tuyên bố các khu vực đó là vùng thiên tai để quỹ khẩn cấp có thể được giải ngân ngay lập tức. Bộ Giáo dục Thái Lan đã được chỉ đạo đóng cửa các trường học ở vùng lũ, trong khi Bộ Giao thông vận tải nước này được lệnh khảo sát tình trạng hư hỏng đường bộ và xây dựng những cây cầu tạm để đảm bảo giao thông. Bộ Thương mại được yêu cầu cung cấp đầy đủ hàng hóa cơ bản với giá cả hợp lý.
ONWR đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra lũ quét, lở đất ở 35 tỉnh cho đến ngày 30/8 do mưa lớn, trong khi Cục Khí tượng kêu gọi người dân khu vực phía Bắc và Đông Bắc thận trọng với mưa lớn đến rất to từ ngày 21 – 27/8.
Theo Cục Phòng chống và Giảm nhẹ Thiên tai, lũ lụt tại 7 tỉnh miền Bắc gồm Chiang Rai, Phayao, Lampang, Nan, Phrae, Phetchabun và Udon Thani đã ảnh hưởng tới 12.777 hộ gia đình. Chính quyền đô thị Bangkok (BMA) đang theo dõi sát sao mực nước và phân phát bao cát cho các khu dân cư dễ bị ngập lụt trong thành phố. Một quan chức của BMA cho biết thủ đô Bangkok sẽ hứng chịu nhiều mưa và nước lũ chảy về từ phía Bắc hơn trong hai tháng tới.
Trung tâm cảnh báo thảm họa quốc gia của Thái Lan ngày 25/8 cảnh báo người dân ở miền Bắc, Đông Bắc và Nam nước này cần chuẩn bị ứng phó với lũ quét, ngập lụt và lở đất.
Trung tâm trên cảnh báo nguy cơ ngập lụt có thể xảy ra tại các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc gồm Chiang Rai, Nan, Phayao, Phrae, Sukhothai, Phitsanulok, Phetchabun, Udon Thani và Sakon Nakhon. Các tỉnh Đông Bắc có nguy cơ bị ngập do mực nước sông Mekong dâng cao gồm Loei, Nong Khai, Bueng Kan và Nakhon Phanom.
Trong khi đó, nguy cơ lũ quét và lở đất có thể xảy ra tại các tỉnh phía Bắc và phía Nam gồm Mae Hong Son, Chiang Mai, Chiang Rai, Lampang, Phayao, Phrae, Nan, Nakhon Si Thammarat, Phang Nga, Phuket và Krabi.
Trung tâm khuyến cáo người dân nên chuẩn bị cho tình huống này và theo dõi thông tin cảnh báo từ các cơ quan liên quan, di chuyển đồ đạc lên khu đất cao hơn, đồng thời chuẩn bị đèn, bao cát và các vật dụng khác đề phòng trường hợp khẩn cấp. Người dân tại các vùng có nguy cơ cũng nên cẩn thận với hệ thống điện có khả năng bị rò rỉ, đề phòng động vật có độc và côn trùng.
Cơ quan này cũng khuyến cáo người dân cẩn thận khi lái xe trong khu vực ngập nước, hạn chế đi đến các hang động, thác nước hoặc tổ chức các hoạt động ở khu vực dễ bị lũ lụt, theo dõi chặt chẽ tình hình và đề phòng ảnh hưởng của lũ lụt đối với hoạt động vận tải và kinh doanh dọc sông.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị