Mùa gió chướng

(Xây dựng) – Ở quê tôi, cứ độ gần Tết là gió chướng về. Quả tình, cơn gió này “chướng” thiệt! Đang trên cao tự nhiên lại sà xuống, đang thổi hướng xuôi, bỗng dưng lộn ngược trở lại.

Mùa gió chướng

Gió chướng thổi là báo hiệu trời đã sang đông. Những cơn mưa cũng thưa dần. Trong màu nắng của mùa đông vẫn luôn có chút se se lạnh đeo bám trên vai.

Vậy đó, nhưng đám trẻ thơ ở thôn quê thì đứa nào cũng thích mùa đông, hay nói cho đúng hơn là thích mùa gió chướng. Hồi nhỏ có lần nghe mẹ tôi nói, gió chướng mùa đông trời se lạnh, mấy người già luôn thấy khó chịu trong người, chứ tụi con nít thì lại mau lớn. Nghe mẹ nói vậy, chứ tuổi trẻ thích hiếu động thì điều nhớ nhất mỗi khi mùa gió chướng về là được ngắm nhìn những chùm bông so đũa sau vườn nhà nở màu tuyết trắng thật đáng yêu. Thích nhất là những buổi sáng, khi mặt trời vừa nhô lên còn đỏ hỏn, tôi nằm quấn mền ấm áp lăn qua lăn lại trên giường, chưa chịu ra rửa mặt. Đã nghe từ phía sau vườn những tiếng chim rộn rã, ríu rít, như một bản hòa tấu thật vui tai. Rồi chợt nghe tiếng mẹ kêu ba lấy cây sào ra sau vườn để hái bông so đũa. Vừa nghe xong, tôi liền bật dậy, chưa kịp đánh răng rửa mặt, chạy vội theo ba mẹ ra vườn mà giành hái bông so đũa trắng tinh còn ướt đọng sương mai.

Mùa gió chướng về, ở thôn quê, đâu chỉ có bông so đũa. Mà còn cả những giàn đậu rồng cũng trổ hoa trắng, bông xanh lung linh khoe sắc, cho những bầy ong bướm vờn quanh, bay lượn, bên những cánh hoa vừa hé nở để đón ánh ban mai.

Gió chướng về, nắng luôn dìu dịu, nên đám trẻ cũng thích long nhong ngoài đường nhiều hơn. Khi thì tụ tập cả chục đứa nơi đất trống để chơi thả diều. Mỗi khi có cơn gió mạnh thổi qua, cả bọn con nít lại reo lên, rồi nắm dây kéo cho con diều giấy của mình bay cao hơn mấy con diều còn lại của đám bạn.

Nếu bữa nào không chơi thả diều thì trèo lên mấy cây bưởi hoặc cây mận sau nhà, vừa kiếm trái để ăn, vừa ngồi hát vu vơ, để hóng từng làn gió chướng thổi về, thật là mát mẻ vô cùng.

Mỗi khi mùa gió chướng về, lòng tôi bỗng thấy nao nao, một cảm giác rất đỗi thân quen. Một thoáng bâng khuâng khi cơn gió lao xao mang về một chút hơi lạnh và cái nắng ấm áp, rực rỡ của buổi bình minh. Lại một lần nữa, tâm tư tôi tìm về miền ký ức tuổi thơ – nơi mà tôi luôn cất giữ đầy ắp kỷ niệm yêu thương. Ðó là hình ảnh của luỹ tre xanh rì; cánh đồng lúa vàng trĩu hạt; con đường làng uốn lượn nên thơ, nơi đó có bến nước, dòng sông vẫn êm đềm xuôi chảy… Tất cả rất thân thương và bền chặt, thuỷ chung, son sắt bao đời với người dân quê hiền hoà, chất phác.

Mỗi buổi sáng tinh sương, thảm cỏ non ven đường còn đọng sương tinh khiết; xa xa, thấp thoáng những bác nông dân đi thăm đồng thật sớm. Một vài khóm lục bình tản mát nở hoa, dập dềnh cùng con nước chở màu tim tím lờ lững trôi. Những bụi bông súng hớn hở khoe mình, nở trắng mặt ao. Thỉnh thoảng, những chú cá rô tăm tít, cá sặt non tìm mồi đốp bóng làm cho mặt nước lăn tăn gợn sóng. Hình ảnh làng quê hiện lên rất đỗi thân thương, chứa chan cảm xúc…

Mùa gió cuối năm thích nhất là được lẽo đẽo theo ba ra đồng. Nhớ nhất mỗi đêm trăng lên, tôi miên man thả hồn với ruộng sâu đồng rộng. Một vài cơn gió hắt hiu, lao xao, từ cánh đồng bên kia thổi về mang mát mẻ khi đêm xuống. Chiếc xuồng ba lá chòng chành, tôi được theo ba ra đồng đặt lờ, giăng câu, thả lưới. Dưới ánh trăng, hình ảnh ba tôi hiện ra với dáng vẻ lam lũ, chịu thương, chịu khó. Ba chống nhẹ cây dầm, chiếc xuồng ba lá vượt vù vù trên mặt nước. Tôi hào hứng, thích thú, khi được tận hưởng cái mát mẻ, tiết trời trong lành mùa gió chướng mang lại. Trên cao, những ông sao lấp lánh trải rộng như tấm thảm kim cương mênh mông xa tít.

Giữa đồng ruộng mênh mông, ba kể tôi nghe về vùng đất, nơi đây chịu lắm nỗi đau thương nhưng rất anh hùng. Những cái ao, cái đìa có hình thù kỳ quái hay những vết thương loang lổ trên thân dừa… là vết tích do bão đạn, mưa bom của quân thù, gây nên nhưng dáng đứng vẫn sừng sững, hiên ngang và vươn cao cùng năm tháng.

Sáng ra, tôi cùng ba ra đồng thăm câu, thăm lưới. Tôi thích ngắm nhìn những con lóc, con trê…no tròn vì mê mồi trùn, mồi ốc mà cắn câu. Ðặc biệt là những con rắn bông súng mập mạp dính vào tay lưới của ba. Khi về nhà, mẹ tôi bắt con lóc to nhất để làm cơm cho cả gia đình. Nào là món cá lóc nấu canh chua trái bần hay me non với bông súng đồng, cá rô kho tộ chấm dưa rau muống, cá thác lác chiên sả, rắn bông súng xào với bông so đũa hay lá cách. Còn cá chết, mẹ muối để dồn lại làm mắm, hay tới mùa nhổ mạ, phát cỏ, cấy lúa lại giở ra kho hoặc chưng đem ra đồng cho ba ăn cùng với rau dừa…” (đây cũng là món khoái khẩu nhất của tôi).

Gió tháng mười hai thường đi kèm cái lạnh giữa mùa đông, thổi dài qua cánh đồng lúa ban sáng còn mờ sương đêm. Gió bấu vào tấm áo bà ba sáng ra đồng của mẹ, đọng trên mái tóc pha sương của ba cho mùa vụ mới, nuôi những con chữ tròn vo đến trường của những đứa con.

Gió trái mùa với những ngày mưa cuối còn sót lại lất phất. Mưa càng làm cho gió mạnh hơn, những luồng không khí lạnh từ phương Bắc đổ xuống phương Nam. Gió trở mình trong nắng chiều muộn, xào xạc vườn dừa trước nhà, vương mùi khói lam chiều trên mái lá quê. Những cuộn gió mang bữa cơm chiều trong chập choạng tối, với lớp áo dày hơn thường ngày. Bữa cơm bên gian bếp nhỏ còn nghe tiếng tí tách của củi mục, và gió vẫn thổi ngoài sân. Bọn con nít thở ra khói. Sau bữa cơm là chui tọt vô mùng, kéo tấm mềm được nội tỉ mẩn kết bằng những tấm vải nối, ấm lắm, mặc ngoài trời gió chướng đang thỏa sức lượn mình.

Gió thức giấc giữa đêm, trong khoảng không bóng tối. Bọn tôi trở mình thức giấc, vẫn nghe tiếng nội thao thức vì bệnh đau nhức hoành hành khi trở mùa. Tiếng ho khục khặc của ba. Mẹ ngồi bên bếp lửa hơ tay, thế nào cũng có con Mực nằm ké ngóc mỏ về phía trước thiêm thiếp ngủ bên mẹ. Vài tiếng dơi đêm, tiếng cây cối trong vườn kêu ken két vì cọ cành vào nhau. Ngoài chuồng gà, tiếng gà con chim chíp rúc vào đôi cánh mẹ. Mấy con vịt cỏ nằm trong bịt lá chằm đốp co mình vào nhau truyền hơi ấm.

Người quê lại chờ đợi cho mùa gió qua mau, Tết đến. Ngoài sân dây mướp trên giàn đã trĩu trái, liếp cải bẹ non xanh, những chậu hoa vạn thọ, cúc, sao nhái đã nảy chồi xanh, bám đất, sẵn sàng chào mùa nụ mới. Bên hông nhà, những trái bưởi oằn cành, tựa trái vào nhau. Mấy cây nhãn siết gốc, trái đã bằng đầu đũa được ngoại bọc cẩn thận. Cây cóc đầu hè thay lá rụng đầy một góc sân chờ mùa trái tết, chi chít bông. Hàng cau già trước ngõ đã rụng, những cái mo vàng úa, bọn tôi thường chờ gió chướng thổi ngang và những tàu cau rớt xuống mà chơi trò “người phu kéo mo cau”. Dưới mương trước nhà, đàn cá tai tượng ăn rau muống làm đục ngầu nước, mặc cho mèo mướp thèm thuồng.

Thời gian trôi… Cây so đũa trắng sau vườn mỗi năm một già, rồi buông xuống gốc những hạt mầm non xanh, trước khi già, thân khô khẳng khiu. Cây cũng như người vậy, phải chịu chấp nhận những quy luật của thời gian.

Mỗi mùa gió chướng đi qua, con nít bọn tôi lại lớn thêm một chút. Những trò chơi trẻ con ngày một thưa dần, thưa dần. Thay vào đó là công việc, tương lai mà đứa ở, đứa đi xa để lo sự nghiệp riêng. Tuổi thơ dần trôi theo dòng quay của năm tháng. Tôi bây giờ cũng lao vào công việc, lo toan vì chén cơm manh áo giữa cuộc sống đời thường. Những giọt mồ hôi vất vả cứ thi nhau mà ướt đẫm trên mặt, trên lưng, đôi khi tôi cũng thèm được quay về cái thuở hồn nhiên đầy ắp niềm vui của tuổi thơ. Tôi nhớ mùa bông so đũa trắng, những buổi sớm cùng ba mẹ ở vườn. Nhớ những lúc cùng bà ra sau nhà bắt sâu cho đám cải trồng bán tết. Nhưng bà bây giờ không còn nữa, những cái tết cũng không còn được như xưa, khi vắng đi lời chúc thọ của cháu con.

Tôi thấy nhớ mùa gió chướng của năm nào thổi qua mái nhà xào xạc, nhớ những ngày cuối năm, trời se lạnh bên gian nhà nhỏ ven sông, ngồi cạnh bà đốt vỏ dừa, nướng bánh tráng, bánh phồng mà đếm từng ngày mong cho mau đến Tết.

Và… một mùa gió chướng nữa lại về trong tôi!

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích