Mua bán hàng qua mạng làm gia tăng rác thải nhựa
Mua bán hàng qua mạng làm gia tăng rác thải nhựa
Lượng rác thải sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng sẽ gia tăng khi chúng ta sống và làm việc trong môi trường hiện đại.
Chỉ cần một cái nhấp chuột hay một cuộc điện thoại thì hàng hóa đủ loại sẽ có ở trong nhà hay văn phòng bạn đang ngồi làm việc.
Một quán cơm văn phòng ở gần nhà tôi mỗi buổi trưa bán được gần 200 suất ăn tại chỗ theo hình thức cơm đĩa hoặc cơm phần như gia đình. Mỗi một đĩa gồm cơm, rau và thức ăn thịt cá, việc ăn uống dùng đĩa sứ, đũa gỗ và thìa inox nên không có rác thải ra môi trường. Nhưng khi dịch Covid kéo dài kèm theo các lệnh giãn cách xã hội và cách ly y tế nên hàng quán ăn uống phải đóng cửa hoặc bán mang về. Như quán cơm này, trong thời kỳ dịch bệnh chỉ bán mang về được hơn một nửa số lượng so với trước. Nếu tính trung bình mỗi một ngày, quán bán được 100 hộp mang về, một tháng bán đều chỉ 20 ngày mà nhân lên thì đã sử dụng hết 2000 hộp xốp. Kèm theo đó là một con số tương đương các loại hộp nhựa, thìa nhựa, đũa dùng một lần và túi nilong thải ra môi trường.
Đó chỉ là một lượng rải thải nhựa của một hàng ăn nhỏ trong số hàng trăm cửa hàng bán đồ ăn mang về cho khách ở nơi tôi đang ở. Thị xã ở vùng ven của Hà Nội với gần 20 ngàn dân sẽ tiêu thụ một lượng lớn đồ ăn uống mang về sáng, trưa, chiều, tối, từ cơm, cháo, chè, bánh đủ loại. Không có một con số thống kê cụ thể về lượng rác thải nhựa thải ra môi trường ở các địa phương, nhưng chắc chắn mỗi ngày sẽ là rất nhiều, hàng tấn rác thải độc hại không được tái chế.
Dịch bệnh Covid nên mọi người chủ yếu ở trong nhà, các cửa hàng thiết yếu đóng cửa, các dịch vụ vui chơi, mua sắm cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều người chỉ có niềm vui là lên mạng mua sắm đồ gia dụng, thực phẩm và thời trang. Bình thường, nếu không có dịch bệnh thì có thể đi chợ, siêu thị hoặc trung tâm thương mại mua đồ, tuy nhiên dịch bệnh kéo dài, mọi người chỉ ở nhà và mua hàng trên mạng. Nếu mua trực tiếp, khách chỉ cần đựng trong một túi nhưng hàng ship qua mạng thì được bọc nhiều lớp nilong và dán kỹ bằng băng dính. Nhìn những thùng nhựa chở hàng của các nhân viên giao hàng mới thấy cả thị xã mỗi ngày sẽ thải ra hàng vạn túi nilong của việc mua bán hàng qua mạng.
Xu hướng mua sắm online nở rộ trong thời gian qua, ngay cả khi chưa có dịch bệnh. Vì phải chuyển hàng đi xa, nên người bán phải “gia cố” hàng hóa trong nhiều lớp nilong bọc hàng. Người mua hàng cũng không thể tận dụng lại túi nilong hoặc không muốn tận dụng nên lượng rác thải nhựa cứ thế càng đầy lên.
Những ống hút bằng tre, túi đựng bằng giấy mới chỉ là một vài điểm sáng để khởi tạo nên thói quen và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng chứ chưa đi sâu sát vào trong đời sống sinh hoạt của người dân. Việc tuyên truyền về việc mang túi và hộp nhựa dùng nhiều lần đi chợ của chính quyền và cơ quan chức năng chỉ diễn ra nhất thời và chưa đủ sức lan tỏa. Người dân không có trách nhiệm để cùng chung tay bảo vệ môi trường càng làm cho lượng rác thải nói chung và lượng rác thải nhựa nói riêng ngày càng gia tăng và không kiểm soát được.
Học được cách tiêu dùng hiện đại là tốt nhưng học được cách ứng xử với rác thải nhựa trong mua và bán hàng qua mạng là điều cần thiết để góp phần vào việc giảm tải lượng rác thải nhựa đang ở trong tình trạng báo động. Mỗi người dù chỉ là một hành động nhỏ bé nhưng cũng sẽ đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường sống của chúng ta./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị