Mua bán công khai ứng dụng ngân hàng giả mạo trên không gian mạng
App ngân hàng (bank) giả là các phần mềm được thiết kế để trông giống hệt như các ứng dụng ngân hàng chính thức, nhưng thực chất là công cụ do các đối tượng lừa đảo tạo ra nhằm mục đích đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của người dùng. Những app này thường được phát tán qua các liên kết tải về không chính thức hoặc qua các cửa hàng ứng dụng không uy tín.
Trong hội nhóm “mua bán bank ảo – app ảo”, một tài khoản N.B rao bán: “Bank ảo theo tên (VP, TECH, NCB, SHB). Bank online (tất cả ngân hàng). Bank quầy radom, theo tên (tất cả ngân hàng). Nhận rửa tiền phí thấp cho anh em. Cần tìm các boss lớn nhỏ để hợp tác lâu dài. Số lượng lớn có giá đẹp. Bao nhanh, bao tốc độ. Giá siêu mềm. Bao sim theo yêu cầu. Phục vụ 24/7. Cọc hoặc giao dịch trung gian. Uy tín đặt lên hàng đầu”.
Còn một tài khoản P.T đăng status “Ai mua app bank ảo inbox em. Có MB bank, Techcombank, Viettinbank, và nhiều app khác ai cần inbox” Liên hệ với người này để hỏi mua app MB bank, người này cho biết, nếu chọn gói thường thì chi phí 700 nghìn đồng/ tháng, với 1000 giao dịch 1 tháng. Gói cao cấp là 2,2 triệu đồng với 5000 giao dịch trên tháng. Đồng thời khẳng định có quét QR, lịch sử giao dịch, dùng để live được. Chỉ cần chuyển khoản cọc trước, xong app với tên của khách hàng thì sẽ chuyển khoản 100% và được test app trước.
Ảnh minh họa
Mới đây, chủ nhân một tài khoản Threads (một ứng dụng mạng xã hội) đã phát hiện ra một ứng dụng fake thông báo chuyển khoản ngân hàng. Chỉ với một vài thao tác nhập liệu đơn giản, người dùng có thể tạo ra bằng chứng “ảo” xác nhận tài khoản của mình đã trừ tiền thành công.
Cụ thể, khi truy cập ứng dụng này, người dùng được yêu cầu nhập các thông tin bao gồm: Số tài khoản, Số tiền giao dịch, Thời gian giao dịch, Số dư, Nội dung. Đây là những dữ kiện thường xuất hiện trên thông báo giao dịch Smartbanking của các ngân hàng trên điện thoại. Đồng thời, người dùng có thể lựa chọn thông báo giả này là trừ tiền hay nhận tiền.
Ngay sau khi nhập đủ các thông tin và ấn Thực hiện, trên điện thoại của người dùng sẽ nhảy ra thông báo biến động số dư giống hệt như được gửi từ ứng dụng của một ngân hàng. Điều này rất nguy hiểm nếu người dùng sử dụng ứng dụng này trong các giao dịch dân sinh, mở điện thoại lên xác nhận là mình đã chuyển khoản thành công, nhưng thật ra không hề phát sinh giao dịch này. Ngay lập tức cảnh báo này đã nhận được sự đánh giá, bình luận của đông đảo cư dân mạng. Nhưng nhiều người vẫn bày tỏ sự nghi ngờ về app ứng dụng giả này và cho rằng tác giả tự dựng lên.
Tuy nhiên, tác giả bài viết cho biết, ứng dụng ngân hàng giả này vẫn có một điểm sơ hở, người dân cần nắm để tránh sập bẫy lừa đảo. Thông báo trừ tiền, chuyển tiền “ảo” sẽ chỉ xuất hiện trên điện thoại của kẻ lừa đảo, không thể bắn trực tiếp thông báo sang máy người khác. Vì vậy, với các giao dịch chuyển khoản thường ngày, người dân cần kiểm tra xác nhận chuyển khoản từ ứng dụng ngân hàng trên điện thoại của mình, tuyệt đối không chủ quan tin tưởng các nội dung trên máy người khác.
Thượng tá Đặng Mạnh Cường, Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm đánh giá, việc giả mạo các biên lai chuyển tiền gửi ảnh cho bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn không mới. Tuy nhiên trong vụ án này, các đối tượng rất tinh vi khi sử dụng app ngân hàng giả, thao tác trước mặt nạn nhân và thông báo chuyển tiền thành công. Theo Thượng tá Đặng Mạnh Cường, đây là thủ đoạn mới, người dân cần hết sức cảnh giác, khi tiền chưa vào tài khoản thì tuyệt đối không giao dịch tiền, hàng với đối tác, tránh bị thiệt hại về kinh tế.
Khánh Mai (t/h)