Mũi Né Summer Land: Tăng vốn siêu tốc, chủ đầu tư vẫn cầm cố hàng trăm căn
(Xây dựng) – Công ty TNHH Đầu tư Hưng Lộc Phát Phan Thiết, chủ đầu tư dự án Mũi Né Summer Land đã có hành trình tăng vốn siêu tốc lên 1.200 tỷ đồng. Thế nhưng, công ty vẫn phải cầm cố hàng trăm căn nhà để vay vốn ngân hàng.
Phối cảnh dự á Mũi Né Summer Land tại Phan Thiết, Bình Thuận. |
Summerland Mũi Né là khu phức hợp nghỉ dưỡng, tổ hợp giải trí 5 sao tại Phan Thiết. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Đầu tư Hưng Lộc Phát Phan Thiết (Công ty Hưng Lộc Phát Phan Thiết). Dự án có quy mô 31,5ha, bao gồm 3 lô đất số 21, 22, 23. Dự án bao gồm nhà phố, nhà phố thương mại, biệt thự biển song lập, biệt thự đơn lập, căn hộ. Giá nhà phố, shophouse từ 6 tỷ tới 16 tỷ mỗi căn. Dự án xây dựng từ năm 2019 và dự kiến bàn giao trong năm 2022.
Tăng vốn siêu tốc
Công ty Hưng Lộc Phát Phan Thiết thành lập ngày 20/8/2010 với ngành nghề kinh doanh chính là “Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động”. Thời gian đầu, vốn của Công ty khá khiêm tốn. Tới ngày 19/4/2017, nghĩa là sau 7 năm hoạt động, vốn điều lệ của Công ty vẫn chỉ là 15 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Ông Khúc Đình Chung (sở hữu 66,670% vốn, tương đương 10 tỷ đồng), bà Khúc Mai Thu Thủy (sở hữu 33,33% vốn, tương đương 5 tỷ đồng).
Đến ngày 30/5/2018, bước ngoặt đến với Công ty Hưng Lộc Phát Phan Thiết khi mà công ty thay đổi cổ đông và dàn nhân sự cấp cao. Ông Khúc Đình Chung và bà Khúc Mai Thu Thủy hoàn toàn thoái vốn khỏi công ty. Thay vào đó là ông Nguyễn Dư Lực và ông Nguyễn Công Bình. Hai cổ đông này lần lượt sở hữu 90% và 10% vốn Công ty. Đồng thời, ông Khúc Đình Chung thay thế ông Khúc Đình Chung trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật của Hưng Lộc Phát Phan Thiết. Tới ngày 18/6/2018, Công ty tăng sốc vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Dư Lực và ông Nguyễn Công Bình được giữ nguyên.
Chỉ sau đó khoảng 2 tháng, tới ngày 27/8/2018, vốn điều lệ công ty một lần nữa tăng sốc lên 495 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông thay đổi. Ông Dư Lực chỉ còn giữ 63,687%. Tỷ lệ sở hữu của ông Công Bình tăng lên 31,313%. Cổ đông mới xuất hiện là ông Trần Thanh Bình với 5%.
Tới ngày 20/8/2018, cơ cấu cổ đông Hưng Lộc Phát Phan Thiết lại thay đổi mạnh. Ông Nguyễn Dư Lực, ông Nguyễn Công Bình và ông Trần Thanh Bình lần lượt sở hữu 69,69%, 5,48% và 5,48%. 19,35% còn lại thuộc về cổ đông mới là Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát.
Tới ngày 20/2/2019, vốn điều lệ Hưng Lộc Phát Phan Thiết vọt lên hơn 965 tỷ đồng. Sau nhiều lần điều chỉnh, tới ngày 25/5/2021, vốn điều lệ giảm từ 1.220 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.200 tỷ đồng.
Chủ đầu tư cầm cố hàng trăm căn nhà
Vốn tăng nhưng nợ tại Công ty Hưng Lộc Phát Phan Thiết cũng bứt phá. Tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả của Công ty lên đến 1.689 tỷ đồng, cao hơn một chút so với vốn chủ sở hữu 1.201 tỷ đồng. Để có được những khoản vay này, Công ty đã phải cầm cố nhiều tài sản liên quan đến dự án Summerland Mũi Né.
Cụ thể, vào ngày 13/1/2021, Công ty Hưng Lộc Phát Phan Thiết ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Tài sản đảm bảo là các quyền tài sản (bao gồm nhưng không giới hạn: Quyền đòi nợ và thụ hưởng số tiền đòi nợ; quyền được phân chia và sử dụng, khai thác và/hoặc sở hữu sản phẩm được phân chia; quyền yêu cầu hoàn trả tiền ứng trước, tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại và thụ hưởng số tiền này; các quyền, lợi ích, các khoản bồi hoàn…) của Bên Bảo đảm phát sinh từ 5 hợp đồng mua bán nhà ở Mũi Né Summer Land. Sau đó, Công ty Hưng Lộc Phát Phan Thiết đã có thêm… 15 lần bổ sung tài sản đảm bảo với tổng số lượng căn nhà được đưa vào danh sách lên tới hàng trăm.
Dù hoạt động đã lâu nhưng vài năm gần đây, Công ty nhiều năm ghi nhận doanh thu 0 đồng và thua lỗ với các khoản lỗ 947 triệu đồng (năm 2017), 22,5 triệu đồng (năm 2018), 395 triệu đồng (năm 2019), 3,1 tỷ đồng (năm 2020). Trong giai đoạn này, 2021 là năm duy nhất công ty có lãi (7,3 tỷ đồng).
Nguồn: Báo xây dựng