Một thành phố ở Brazil sống bên bờ vực thẳm
Một thành phố ở Brazil sống bên bờ vực thẳm
Cách vực thẳm vài bước chân, Deusimar Batista đang phơi quần áo trong sân nhà. Gần đó, một ngôi nhà của người hàng xóm từng nằm trên đường dân sinh nhưng đã sụp đổ xuống vực sâu. Người dân ở khu vực này đang sống bên bờ vực thẳm theo đúng nghĩa đen.
Batista đến từ thành phố Buriticupu, phía đông bắc Brazil, nơi cư dân đang sống trong cơn ác mộng: Mặt đất bên dưới đang vỡ ra thành những cái hố như miệng núi lửa khổng lồ, nuốt chửng đường phố, nhà cửa và thậm chí giết chết người.
“Ở đây từng rất tuyệt”, Batista 54 tuổi, làm nghề thợ may cho biết. “Nhưng bây giờ nó như thế này – tất cả đã bị phá hủy”.
Các chuyên gia cho rằng hiện tượng hiếm gặp này là do nạn phá rừng và thiếu quy hoạch đô thị tại thành phố 70.000 dân và nằm ở bang Maranhao nghèo khó này.
Buriticupu, nằm ở bìa rừng nhiệt đới Amazon, đã nhanh chóng mở rộng vào những năm 1970 với tư cách là địa điểm của chương trình nhà ở cho công nhân nông thôn.
Theo các nhà khoa học, nạn khai thác gỗ tràn lan đã tàn phá cây cối trong khu vực và cùng với đó là khả năng hấp thụ nước mưa của đất. Cùng với việc thiếu hệ thống thoát nước phù hợp, đã gây ra tình trạng xói mòn trông giống như điều chỉ có trong phim kinh dị.
Người dân địa phương gọi những những cái hố như miệng núi lửa khổng lồ là “vocorocas”, có nghĩa là “trái đất bị xé nát” trong ngôn ngữ Tupi-Guarani bản địa.
Chúng bắt đầu như những vết nứt nhỏ trên mặt đất, nhưng có xu hướng mở rộng khi mưa lớn, phát triển thành những bờ vực thẳm. Nhìn từ trên xuống, chúng trông giống như những hẻm núi lớn màu đỏ và cam nuốt chửng thành phố.
Văn phòng thị trưởng thành phố này cho biết 7 người đã thiệt mạng khi rơi xuống hố kể từ khi chúng bắt đầu hình thành cách đây hai thập kỷ. Khoảng 50 ngôi nhà đã bị sập và hơn 300 ngôi nhà khác có nguy cơ bị sập.
Thành phố đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào tháng trước, tìm kiếm nguồn vốn từ chính quyền tiểu bang và liên bang cho các dự án cơ sở hạ tầng để chống xói mòn. Hiện có 26 miệng hố trong thành phố, nơi sâu nhất lên tới 70 mét.
Augusto Carvalho Campos, nhà địa lý tại Đại học Liên bang Maranhao, cho biết xói mòn xảy ra ở khắp thành phố. Nhưng ở Buriticupu, vấn đề “lớn hơn nhiều, do tăng trưởng đô thị nhanh chóng mà không có quy hoạch cần thiết, thiếu cơ sở hạ tầng vệ sinh và thoát nước, và nạn phá rừng”.
Đứng bên bờ vực thẳm 60 mét, Maria dos Santos nói rằng cô sợ hãi khi ở trong chính ngôi nhà của mình. “Trước đây không có miệng hố nào ở đây. Nó mới bắt đầu cách đây chưa đầy 3 năm”, Dos Santos nói.
“Chúng tôi rất sợ chết…”, cô nói trong sợ hãi, nhưng cô và gia đình của mình không có nơi nào khác để đi.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị