Một số ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Tài nguyên nước (dự thảo 7)
(Xây dựng) – Kỳ họp tháng 5/2023 các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Tài Nguyên Nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo. Dự thảo Luật Tài nguyên nước lần này được soạn thảo công phu, nghiêm túc, nhiều nội dung quy định đã thể hiện được tinh thần đổi mới, khách quan, tiếp cận nhiều ý tưởng, nội dung mới trong thời đại phát triển của công nghệ cũng như những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đến môi trường đặc biệt đến tài nguyên nước. Nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội đã được Ban soạn thảo cập nhật, bổ sung, sửa đổi và từng bước hoàn thiện trong dự thảo 7.
Ảnh minh họa. |
Sau khi nghiên cứu dự thảo lần này, xin có một số ý kiến góp ý như sau:
Phạm vi điều chỉnh của Luật: Quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, các điều khoản được quy định trong Luật chỉ tập trung vào phạm vi điều chỉnh này để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, bao trùm, lấn sân hoặc không phù hợp với các Luật khác. Chính vì vậy cần có sự rà soát, xem xét, cân nhắc hoặc loại bỏ những quy định trong dự thảo không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật đó là:
Liên quan với Luật Quy hoạch
Về Điều 6 của Luật Quy hoạch: Mối quan hệ giữa các quy hoạch
Tại khoản 2 Điều 6 quy định Quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia…Và trong điều này quy định các quy hoạch ngành quốc gia mâu thuẫn với nhau thì điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch tổng thể quốc gia, không gian biển, sử dụng đất quốc gia chứ không quy định quy hoạch các ngành phải phù hợp với nhau.
Tuy nhiên, tại khoản 7 Điều 4 của dự thảo 7: Quy định là không đúng. Mặt khác nếu có quy định như vậy thì không làm rõ như thế nào là phải phù hợp…
Tương tự như vậy đối với các khoản 6, khoản 7 của Điều 21 cũng không phù hợp (Liệu Quy hoạch về tài nguyên nước có phải là siêu quy hoạch không?).
Liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường
Đánh giá khả năng chịu tải của nguồn nước (tại điểm d, khoản 3 Điều 11) của dự thảo Luật này với quy định về Đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt theo khoản 2 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có mối quan hệ với nhau vì vậy cần làm rõ.
Liên quan đến pháp luật về đầu tư, xây dựng và các pháp luật khác có liên quan
Khoản 4 Điều 27: “Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương xây dựng, trình Chính phủ hướng dẫn việc phân loại công trình cấp nước, nội dung phương án bảo vệ công trình cấp nước; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh danh mục công trình cấp nước sinh hoạt quan trọng đặc biệt”.
Việc phân cấp, phân loại công trình tuân thủ theo quy định của pháp luật về xây dựng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Đề nghị thay bằng “Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND cấp tỉnh xác định danh mục và hướng dẫn việc xây dựng các công trình xây dựng trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt”.
Điều 43 của dự thảo 7 chỉ nên tập trung quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho mục đích sinh hoạt đó là các quy định có liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương còn các quy định về đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cấp nước hay quy chuẩn chất lượng nước sạch, bảo vệ công trình cấp nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này đề nghị bãi bỏ. Như vậy, Điều này chỉ giữ lại điểm a, điểm đ khoản 2 và khoản 9 và cần trình bày lại điểm 6 theo hướng ngắn gọn về trách nhiệm của Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo phạm vi trách nhiệm quản lý về khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho mục đích sinh hoạt theo quy định của Luật này.
Một số góp ý liên quan các quy định trong dự thảo 7
Tại khoản 2 Điều 4 quy định: “Việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính; bảo đảm an ninh nguồn nước; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về nguồn nước và trách nhiệm quản lý đầu tư, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thủy lợi, sản xuất công nghiệp, giao thông thủy nội địa, thủy điện, thể thao, du lịch, dịch vụ và các mục đích khác”.
Đề nghị sửa thành “Việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính; bảo đảm an ninh nguồn nước; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài nguyên nước” còn trách nhiệm quản lý đầu tư… được quy định bởi pháp luật có liên quan và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Tại điểm đ khoản 3 Điều 23 quy định “Các hoạt động xây dựng kho bãi, bến, cảng, cầu, đường giao thông, các công trình ngầm và công trình kết cấu hạ tầng khác; khoan, đào phục vụ hoạt động điều tra, khảo sát địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng phải có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước ở địa phương”. Quy định này cần phải cụ thể không thể tập trung tất cả các hoạt động này mà phải có ý kiến cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước ở địa phương, cần phân loại theo nhóm ví dụ: Trong phạm vi hành lang bảo vệ các hoạt động về xây dựng công trình phải tuân thủ theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị; các hoạt động liên quan đến khảo sát, thăm dò, khai thác… cần có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước ở địa phương.
Liên quan đến Điều 24 về Dòng chảy tối thiểu: Đây là một nội dung mới và theo quy định tại khoản 2 Điều 24 thì “Dòng chảy tối thiểu là căn cứ, cơ sở để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định nhiều nhiệm vụ như: Quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước…”. Như vậy, việc xác định Dòng chảy tối thiểu phải triển khai làm trước… tuy nhiên trong dự thảo không quy định thời gian nào phải làm, phải xong và thời gian công bố cũng như các phương pháp, các công cụ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến việc xác định (dòng chảy ở mức bao nhiêu được gọi là thấp nhất tại các sông suối liên quốc gia, liên tỉnh, nội tỉnh, hồ chứa, đập dâng…). Nếu không có hoặc chưa xác định được liệu Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tỉnh và nhiều quy hoạch khác có phê duyệt được không? Vì vậy cần cụ thể hơn quy định này tại Điều 24 này. Cũng nên rà soát về Ngưỡng khai thác nước dưới đất (Điều 25) cũng có một số nội dung tương tự.
Mục 4: Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đề nghị đổi thành “Sử dụng Tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả” mới bao quát đầy đủ và rà soát nội dung theo hướng này (không chỉ nước).
Điều 58: Đã có quy định về sử dụng tiết kiệm nước trong nông nghiệp, nước sinh hoạt, thủy lợi đề nghị bổ sung trong hoạt động lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản (đây là các hoạt động tiêu tốn nguồn nước). Bổ sung sử dụng nước mưa (đây cũng là tài nguyên nước).
Về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước: Trong Điều 5 có ưu tiên khai thác nguồn nước, ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước để cấp nước sinh hoạt…nhưng trong Luật không quy định cụ thể ưu tiên, ưu đãi như thế nào vì vậy đề nghị bổ sung khoản 2 Điều 69 khai thác, sử dụng nguồn nước để sản xuất cung cấp nước phục vụ mục đích sinh hoạt không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (mở rộng đối tượng không chỉ hộ gia đình như quy định tại khoản 2 Điều 53).
Trong dự thảo có khoảng trên 20 điều/khoản/điểm cần phải được Chính phủ quy định, mặt khác cũng còn rất nhiều nội dung phải do Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn. Đề nghị cũng cần rà soát lại hạn chế/giảm thiểu việc Luật được ban hành phải chờ đợi một thời gian để hướng dẫn hoặc cần nghiên cứu kỹ hơn đưa luôn vào Luật không cần hướng dẫn .
Trên đây là một số ý kiến đóng góp liên quan đến dự thảo 7 về Luật Tài nguyên nước với mong muốn Luật được ban hành có tính khả thi.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng
Nguồn: Báo xây dựng