Một số vấn đề về chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc tế và khu vực

Chia sẻ về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc tế và quốc gia, ông Trần Văn Học – Phó chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam cho hay, trong bối cảnh sự phát triển tiêu chuẩn hóa luôn gắn liền với phát triển kinh tế –  xã hội trong phạm vi quốc gia, quốc tế và khu vực, sự phát triển kinh tế – xã hội hiện nay luôn đối mặt với sự thay đổi, thách thức và gián đoạn có thể ở quy mô toàn cầu.

Để có vị thế tốt trong bối cảnh toàn cầu, các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế, khu vực hoặc quốc gia phải có chiến lược rõ ràng và linh hoạt, trong đó xác định rõ mục đích và những gì muốn đạt được, đồng thời cho phép dự đoán sự thay đổi, thích ứng nhanh chóng với thế giới xung quanh.

 Ông Trần Văn Học – Phó chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam.

Cũng theo ông Học, chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia (NSS) là lộ trình chính sách để một quốc gia đảm bảo các ưu tiên chiến lược quốc gia được hỗ trợ bởi tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế có liên quan. NSS do cơ quan tiêu chuẩn quốc gia (NSB) tổ chức xây dựng và điều phối thực hiện nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn liên quan nhất đang được xây dựng phù hợp với bối cảnh quốc gia có thể xác định để cung cấp, phân bổ nguồn lực hiệu quả. 

NSS đề cập trực tiếp đến tầm nhìn trung, dài hạn của các NSB và có thể được sử dụng như một công cụ để tăng cường cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia. NSS được xây dựng dựa trên các ưu tiên về kinh tế, xã hội và môi trường của quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể của quốc gia; nhấn mạnh việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng tiêu chuẩn. Nhìn chung, các chiến lược tiêu chuẩn hóa được xây dựng tương đối đa dạng tùy theo quy mô, phạm vi, loại hình tổ chức và trình độ phát triển, tuy nhiên, chúng có nhiều nét tương đồng về bố cục, nội dung.

Chiến lược tiêu chuẩn hoá chủ yếu gồm: Chiến lược của tổ chức tiêu chuẩn hoá (quốc tế, khu vực), chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia. Hiện nay, đa số tổ chức quốc tế, khu vực và quốc gia đều có chiến lược tiêu chuẩn hóa ở những mức độ khác nhau cho một giai đoạn phát triển nhất định, phổ biến là 5 năm và 10 năm.

Các chiến lược tiêu chuẩn hóa được xây dựng tương đối đa dạng tùy theo quy mô, phạm vi, loại hình tổ chức và trình độ phát triển. (Ảnh minh họa)

Về chiến lược của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế và khu vực, theo ông Học, chiến lược 2021 – 2030 của ISO đề ra tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu và các ưu tiên. Theo chiến lược 2030 của ISO, các ưu tiên thường xuyên được xem xét và điều chỉnh khi cần thiết, nhằm đáp ứng bất kỳ thay đổi nào trong môi trường bên ngoài; Năm 2030 sẽ là cột mốc phản ánh sự tiến bộ và đánh giá kết quả công việc cơ bản của ISO, phù hợp với chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững đầy tham vọng của Liên Hợp Quốc cho năm 2030 (17 Mục tiêu phát triển bền vững). ISO tin rằng tiêu chuẩn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc biến thế giới của chúng ta thành thế giới bền vững.

Các động lực thay đổi của ISO đó là Kinh tế: Thương mại và sự không chắc chắn; Công nghệ: Tác động của kỹ thuật số; Xã hội: Thay đổi kỳ vọng và hành vi; Môi trường: Sự cấp thiết của phát triển bền vững; Tầm nhìn năm 2030 làm cho cuộc sống dễ dàng, an toàn và tốt hơn.

Sứ mệnh của ISO là: “Thông qua thành viên và các bên liên quan tập hợp mọi người để thống nhất các tiêu chuẩn quốc tế nhằm ứng phó với thách thức toàn cầu; Các tiêu chuẩn ISO hỗ trợ thương mại toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm và công bằng, thúc đẩy đổi mới, thúc đẩy sức khỏe, an toàn để đạt được tương lai bền vững; ISO cung cấp nền tảng trung lập để các chuyên gia trên toàn thế giới cùng nhau phát triển và thống nhất các tiêu chuẩn. Việc xây dựng sự đồng thuận ở nhiều cấp độ thiết lập niềm tin và tín nhiệm trong tổ chức của chúng tôi và các tiêu chuẩn quốc tế mà chúng tôi xây dựng ban hành, giúp chúng tôi trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực của mình”.

Đo lường sự thành công: Liên tục đo lường quá trình và đánh giá sự thành công; phát triển khuôn khổ đo lường có cấu trúc nhất quán. Đầu tiên, đo lường quá trình đạt được các ưu tiên chiến lược, sau đó, đo lường sự thành công theo các mục tiêu tổng thể của chiến lược. Các ưu tiên của ISO: Tập trung vào 6 ưu tiên để đạt mục tiêu, tối đa hóa tác động trong bối cảnh các động lực thay đổi. Mỗi mức độ ưu tiên chủ yếu hỗ trợ một mục tiêu.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích