Một số vấn đề trong Lãnh đạo, quản lý Vùng dân tộc thiểu số

Một số vấn đề trong Lãnh đạo, quản lý Vùng dân tộc thiểu số

MTĐT –  Thứ ba, 28/02/2023 15:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc, với nhiều vấn đề và mối quan hệ phức tạp đan xen. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, nước ta còn có 53 dân tộc thiểu số với trên 14,6 triệu người, chiếm trên14% dân số.

I- Những Đặc điểm cơ bản của Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) liên quan đến công tác Lãnh đạo quản lý

Lãnh đạo, quản lý hiểu theo nghĩa chung nhất đó là quá trình tác động vào đối tượng bằng các cách thức, phương pháp, phương tiện đê đạt được mục đích đề ra

Đối tượng lãnh đạo ở mỗi vùng mang trong mình nó đặc thù khác nhau, nên phải bắt đầu nhận diên từ đặc thù Vùng mà mình đang Lãnh đạo, quản lý.

Dưới góc nhìn lãnh đạo, quản lý vùng DTTS, ba đặc điểm quan trọng nhất:

1– Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc, với nhiều vấn đề và mối quan hệ phức tạp đan xen. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, nước ta còn có 53 dân tộc thiểu số với trên 14,6 triệu người, chiếm trên14% dân số.

tm-img-alt
Người phụ nữ Mông và các con, cháu của mình ở phiên chợ vùng cao Hà Giang. Ảnh: TTH

Các dân tộc thiểu số nước ta có số dân không đồng đều. Từng dân tộc thiểu số lại phân bố không tập trung, quần cư xen kẽ với các dân tộc anh em khác. Chính yếu tố này tạo nên sự đa dạng của văn hóa và các sắc thái văn hóa do quá trình giao thoa, tiếp biến nảy sinh từ quan hệ kinh tế – xã hội của các cộng đồng người.

Giữa các cộng đồng dân tộc nảy sinh các quan hệ trên nhiều khía cạnh. Trong đó, quan hệ kinh tế là nền tảng chi phối quan hệ xã hội, thúc đẩy giao lưu văn hoá. Quan hệ giao lưu văn hoá thúc đẩy quan hệ kinh tế, quan hệ dân tộc. Một số dân tộc có mối quan hệ quốc tế về cộng đồng dân tộc do lịch sử quá trình tồn tại và phát triển.

2– Các dân tộc có sự phát triển không đồng đều về kinh tế- xã hội. Cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật của đa số nơi đồng bào dân tộc sinh sống thấp kém hơn các vùng khác. Nền kinh tế nông nghiệp còn mang nặng tính tự nhiên, tự túc, tự cấp với sức sản xuất thấp, nhiều nơi sản xuất hàng hoá chưa phát triển, một số dân tộc còn sử dụng phương thức canh tác giản đơn. Sự cách biệt về không gian địa lý làm giảm khả năng tiếp cận các nguồn lực phát triển của quốc gia.

Về xã hội, quan hệ trong nội bộ dân tộc, quan hệ xã hội truyền thống vẫn là nền tảng cơ bản của đời sống kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số. Đó là quan hệ xã hội trong phạm vi hẹp nhưng khá vững chắc, nổi bật lên là quan hệ của gia đình, họ hàng, dòng tộc. Những quan hệ này chi phối tới đời sống từng cá nhân, hộ gia đình một cách đáng kể. Tập quán sản xuất, phân công lao động hình thành lâu đời và tương đối ổn định với cách thức tổ chức, điều hành và quản lý các hoạt động kinh tế xã hội phù hợp với nền kinh tế  nông nghiệp.

3– Vùng DTTS chủ yếu ở miền núi, điểm xuất phát thấp, địa hình phức tạp, cách trở, Thiên tai bất ngờ, xa các trung tâm phát triển.

Đường lối công tác Dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là Các Dân tộc Bình đẵng, tôn trọng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển hài hòa giữa các dân tộc.

II- Những vấn đề đặt ra trong Lãnh đạo, quản lý Vùng DTTS 

-Thu hẹp dần khoảng cách phát triển, vượt ra khỏi lõi nghèo của cả nước.

Tác động tích cực của nền kinh tế thị trường đã tạo điều kiện và phát huy tiềm năng phát triển vùng đồng bào dân tộc, là cơ hội cho đồng bào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sản xuất. Kinh tế thị trường thúc đẩy trao đổi quan hệ hàng hoá – tiền tệ vào quan hệ kinh tế tự nhiên của đồng bào, tạo nên những biến đổi phức tạp trước những dòng chảy của quy luật của thị trường. Khu vực miền núi cũng không tránh khỏi các cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Đồng bào dân tộc luôn là người “đuối sức” trong các cuộc chạy đua trong cơ chế thị trường.

tm-img-alt
Theo các chuyên gia ngành y tế, tấm lợp fibro – xi măng trong đó có hợp chất amiăng là vật liệu được sử dụng rất rộng rãi từ thế kỷ 19. Tuy nhiên, có những khuyến cáo nói rằng, hít phải các sợi amiăng có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng và gây tử vong, bao gồm ung thư phổi, u trung biểu mô, bụi phổi amiăng. Ảnh TL

– Bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một, bị đồng hóa, nhất là ở các cộng đồng vùng nghèo đói dưới tác động của đời sống kinh tế – xã hội hiện đại, sự xâm thực văn hóa, xâm nhập và biến đổi tôn giáo – tín ngưỡng diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Sức bảo vệ trước dòng chảy văn hóa của một số cộng đồng dân tộc thiểu số trở nên suy yếu trước tác động của dòng chảy phát triển.

– Cấu trúc xã hội truyền thống bị biến đổi. Nhiều tổ chức quản lý làng, bản cùng với một số giá trị sở hữu truyền thống gắn với các cộng đồng không gian văn hóa bị phá vỡ do tác động ảnh hưởng của chính sách phát triển gần đây.

– Môi trường sống như rừng, đất đai, nguồn nước bị biến đổi và thu hẹp, dẫn đến sinh kế và việc làm của người dân trở nên khó khăn hơn, gây xung đột về quản lý tài nguyên ở một số nơi. Tình trạng lao động di cư bất hợp pháp trở nên phổ biến và đến mức báo động.

– Bộ máy hành chính địa phương và chất lượng lãnh đạo ở các cộng đồng này còn hạn chế cả về tiêu chí phát triển, phương diện tài chính, kỹ thuật và hành chính. Các hoạt động dịch vụ công cộng cũng như quản lý công, bị sắp đặt thiên lệch do thiếu kiến thức và kỹ năng đầy đủ. Do vậy, khả năng cung cấp sự trợ giúp ít tương ứng với yêu cầu cho việc thực hiện các chương trình phát triển. Sự chậm trễ của những quyết định hành chính cũng làm giảm khả năng và kết quả thực thi. Ở một khía cạnh khác, các tổ chức làng xã như hợp tác xã, các tổ chức xã hội còn thiếu khả năng tổ chức chặt chẽ hoặc còn mang tính hình thức, chưa có khả năng đáp ứng và hoàn thành các yêu cầu về hoạt động phát triển ở các cộng đồng. Điều này dẫn tới việc kiểm soát xã hội có những khó khăn hơn.

– Ngoài ra còn có những vấn đề tác động ảnh hưởng của thế giới, khu vực và trong xu thế hội nhập phát triển, đó là: sự phát triển và tăng trư¬ởng kinh tế toàn cầu và khu vực; vấn đề tôn giáo, sắc tộc và xung đột vũ trang chi phối các vấn đề quan hệ kinh tế, chính trị, ngoại giao; quá trình dân chủ hoá đời sống xã hội ở nhiều quốc gia và thế giới; sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin v.v..

Những vấn đề trên đã tác động ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý cá nhân, tâm lý, tình cảm cộng đồng dân tộc thiểu số, làm nảy sinh những vấn đề xã hội đòi hỏi cần có sự quản lý, định hướng tốt.

III. Những vấn đề cần quan tâm của người lãnh đạo Quản lý vùng DTTS

1-Nhận thức đúng và Tôn trọng Bản sắc văn hóa tộc người.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đã đưa ra một luận điểm rất đúng đắn : Vấn đề Dân Tộc là vấn đề Văn hóa, đừng đi tìm vấn đề Dân tộc ở chỗ khác. 

Điều căn cốt nhất là Bảo tồn Văn hóa Tộc Người và Đào tạo cán bộ DTTS điều hành hệ thống chính trị.

Bảo đảm bình đẳng xã hội và đoàn kết xã hội (bình đẳng về quyền chính trị, bình đẳng về tộc người và đoàn kết dân tộc, bình đẳng giới trong dân tộc, bình đẳng về cơ hội phát triển, đồng thuận dân tộc…). Để làm tốt vấn đề này, cần tiếp tục đổi mới những quy định trong hệ thống pháp luật về bầu cử, ứng cử nhằm tăng cường quyền lực chính trị của nhân dân.

Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền chính trị cho đồng bào dân tộc thiểu số cùng với các biện pháp đặc thù để tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền cơ bản của mình. Rà soát lại hệ thống văn bản pháp quy có liên quan để bổ sung những yêu cầu cần thiết nhằm tăng cường sự tham gia của nhân dân vào các hoạt động quản lý địa phương, quản lý nhà nước, các hoạt động tự quản cộng đồng. Mở rộng các hoạt động hình thức dân chủ phù hợp trong đời sống các cộng đồng dân tộc để họ tham gia hiệu quả hơn vào các quá trình quản lý xã hội.

Đối với các quyền dân sự, cần tăng cường thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật đến cho đồng bào nhằm nâng cao hiểu biết về quyền lợi và trách nhiệm trong hệ thống quy định chung. Bên cạnh đó, cung cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung chính sách liên quan đến nguyên tắc quyền cư trú của một số nhóm đối tượng di cư tự do; áp dụng tập quán tốt đẹp trong hôn nhân gia đình; quyền bình đẳng giới v.v..

2-Thực hiện an sinh xã hội và phúc lợi xã hội nhằm bảo đảm việc làm và thu nhập tối thiểu; bảo đảm quyền tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu, cơ bản của con người như giáo dục, nhà ở, nước sạch, y tế, thông tin; thực hiện trợ giúp xã hội cho những người nghèo dân tộc thiểu số; giảm thiểu bất bình đẳng xã hội, nhất là trong thu nhập, mức sống, thụ hưởng các dịch vụ xã hội giữa các vùng, miền, nhóm dân tộc.

Cần tiếp tục thể chế hóa và xây dựng những chính sách ưu tiên thúc đẩy việc làm đối với nhóm lao động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt là đối với lao động là người dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn, lao động tự do… nhằm tăng cường tính bền vững đối với việc làm ở các khu vực này vì đây là khu vực chịu nhiều rủi ro về điều kiện, môi trường làm việc, thu nhập và thiếu tính ổn định hơn so với khu vực chính thức.

3-Thúc đẩy phát triển con người, phát triển xã hội như: phát triển các năng lực xã hội, tạo động lực xã hội; phát triển các thiết chế xã hội từ gia đình, nhóm, cộng đồng đến các tổ chức xã hội vùng dân tộc; duy trì và phát huy các yếu tố tích cực của thiết chế tổ chức truyền thống, tạo liên kết cộng đồng, nhóm dân cư, dân tộc; thúc đẩy ý thức tự lực, tự cường vươn lên của các cá nhân và cộng đồng dân tộc thiểu số.

4-Quản lý và kiểm soát các xung đột xã hội, biến đổi xã hội như: xử lý “điểm nóng” xã hội, quản lý xã hội trong các tình huống tranh chấp quyền tiếp cận tài nguyên đất đai (liên quan đến đất đai các nông lâm trường, tình trạng sang/chiếm, mua bán, nhượng đất), nguồn nước; các xung đột quan hệ dân tộc nảy sinh;  kiểm soát di dân, tái định cư (nhất là đối với các công trình thủy điện, thủy lợi), dịch chuyển lao động vùng dân tộc, các vấn đề xã hội mới như ma túy, mại dâm, buôn bán người trong vùng dân tộc…).  

– Xử lý các vấn đề xã hội mới nảy sinh trên nhiều phương diện khác nhau của đời sống vùng dân tộc như: lao động, việc làm nông thôn và dịch chuyển đô thị, hôn nhân qua biên giới, di cư nội vùng và ngoại vùng, văn hóa truyền thống và biến đổi văn hóa, thay đổi và phát triển tín ngưỡng, tôn giáo….

TÀI LIỆU THAM KHẢO

– TS Hoàng Xuân Lương: Dân Tộc và Phát triển, NXB QĐND, HN 2013

– PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo tinh thần Đại hội XII của Đảng; Tạp chí Cộng sản,

nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2016/41686/Quan-ly-phat-trien-xa-hoi-thuc-hien-tien-bo-va-cong.aspx2015, truy cập 15/1/2018.

– Nguyễn Văn Mạnh, Một số vấn đề lý luận về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội,2010. nguồn: http://www.vusta.vn/vi/news/Thong-tin-Su-kien-Thanh-tuu-KH-CN/Mot-so-van-de-ly-luan-ve-phat-trien-xa-hoi-va-quan-ly-phat-trien-xa-hoi-35789.html, truy cập 15/1/2018

– TS. Nguyễn Lâm Thành – PGS.TS. Lê Ngọc Thắng, Vấn đề dân tộc ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, Tạp chí Cộng sản, số 874 (8-2015).

– Chiến Lược Công tác Dân tộc đến năm 2030

TS.Hoàng Xuân Lương

Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích