Một số vấn đề cần hoàn thiện về chính sách hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực môi trường

Một số vấn đề cần hoàn thiện về chính sách hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực môi trường

MTĐT –  Thứ ba, 24/01/2023 19:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bài viết phân tích một số nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tội phạm về môi trường liên quan đến chính sách hình sự và đưa ra một số giải pháp hoàn thiện.

TÓM TẮT:

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức độ nghiêm trọng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 vẫn còn có những quy định chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn những hành vi gây ô nhiễm môi trường. Bài viết phân tích một số nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tội phạm về môi trường liên quan đến chính sách hình sự và đưa ra một số giải pháp hoàn thiện.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

1. Đặt vấn đề

Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng. Tuy nhiên, kèm theo đó là hệ lụy về tình trạng ô nhiễm môi trường và những tác động không tốt đến hệ sinh thái nói chung. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường và sự biến đổi của hệ sinh thái khá nặng nề ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và những tỉnh có khu công nghiệp lớn… Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung đối với nhóm tội phạm về môi trường, tuy nhiên sự thay đổi này vẫn chưa tương xứng với hậu quả của tình trạng môi trường sống bị hủy hoại. Vì vậy, cần có những chính sách hình sự mạnh mẽ hơn để không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường.

2. Một số nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tội phạm về môi trường và những hậu quả do tội phạm này gây ra liên quan đến chính sách hình sự

Thứ nhất, chế tài xử lý đối với tội phạm về môi trường.

Ở nội dung này có 2 vấn đề sau:

Một là, từ Điều 235 đến Điều 246 Bộ luật Hình sự năm 2015 của nhóm tội phạm về môi trường, quy định mức tội phạm cao nhất chỉ có tội phạm rất nghiêm trọng (hình phạt tù đến 15 năm), không có tội nào thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nghĩa là không có tội nào có hình phạt tù trên 15 năm, chung thân, tử hình. Trong khi đó, những hành vi phạm tội thuộc nhóm này lại gây ra những hậu quả, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng cho môi trường, làm tổn thất về kinh tế, tài chính của đất nước… Nếu không hành động một cách quyết liệt, nhóm hành vi gây ô nhiễm môi trường này sẽ còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn. Như vậy, so với hậu quả xảy ra, hình phạt mà Bộ luật Hình sự quy định cho loại tội phạm này còn nhẹ và chưa tương xứng.

Hai là, so với Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Bộ luật Hình sự năm 2015 đã đưa ra chế tài mang tính lựa chọn giữa hình phạt tù hoặc hình phạt tiền. Đối với nhóm tội phạm về môi trường cũng vậy, tất cả các tội đều có hình phạt mang tính lựa chọn giữa hình phạt tù hoặc hình phạt tiền. Ví dụ: Khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, quy định chế tài áp dụng dành cho người phạm tội là: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”[1]. Hay khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội hủy hoại rừng, quy định chế tài áp dụng dành cho người phạm tội là: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Quy định này nhằm phù hợp với sự thay đổi về chủ thể của tội phạm, không chỉ có cá nhân, mà còn có cả pháp nhân, phù hợp với xu thế chung của thế giới, cũng như phù hợp với xu hướng nhân đạo, dân chủ, tiến bộ. Tuy nhiên, cần nhìn nhận lại tính hiệu quả của việc răn đe, phòng ngừa và chống tội phạm đã hiệu quả hay chưa? Tác giả cho rằng, hình phạt như vậy là quá nhẹ và nguy cơ tái phạm sẽ xảy ra, bởi hành vi phạm tội của nhóm tội phạm về môi trường chủ yếu xuất phát từ mục đích thu được nhiều giá trị kinh tế, lợi nhuận. Việc phá rừng, đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường,… mang lại nguồn lợi ích về tài chính rất lớn lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, mức của hình phạt tiền cao nhất vẫn còn quá nhẹ và chưa tương xứng. Những chủ thể phạm tội có thể dùng tiền do phạm tội mà có để chấp hành hình phạt. Điều này dẫn đến hệ lụy là sự coi thường pháp luật, nguy cơ tái phạm cao, không đáp ứng hiệu quả, răn đe, phòng ngừa và chống tội phạm.

Thứ hai, việc định lượng hóa đối với hành vi phạm tội của các tội phạm về môi trường một cách cụ thể ở Bộ luật Hình sự năm 2015 đã tạo ra một quy chuẩn, thước đo rõ ràng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, với một số hành vi phạm tội của nhóm tội phạm về môi trường, lực lượng chức năng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình thu thập chứng cứ, đặc biệt đối với hành vi gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, bởi 2 nguồn này khi thải ra thì lan tỏa rất nhanh. Bên cạnh đó, phương thức, thủ đoạn phạm tội của các chủ thể rất tinh vi, xảo quyệt, ví dụ: Xây dựng hệ thống xả thải trộm (ngầm), xả trộm vào hệ thống thoát nước, xả thải vào ban đêm, vào lúc trời mưa hoặc khi thủy triều lên…

Thứ ba, chế tài hình sự chưa đủ mạnh và phạm vi các hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội chưa mở rộng đối với nhóm đối tượng là nhóm người có chức vụ, quyền hạn đang tiếp tay, tạo điều kiện cho hành vi phạm tội về môi trường, hoặc làm ngơ đối với nhóm tội phạm này. Đã có rất nhiều bài báo, phim tài liệu, phóng sự ngắn, phóng sự điều tra về những hành vi trong nhóm tội phạm về môi trường, như: Hành vi chặt phá rừng của lâm tặc[2], nhà máy thép xả thải, gây khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng[3], công ty giấy đổ thải trực tiếp ra môi trường[4]… và còn rất nhiều trường hợp khác nữa. Rõ ràng nhóm hành vi gây ô nhiễm môi trường diễn ra trong một thời gian dài, gây những hậu quả nặng nề cho môi trường và hệ sinh thái thì không có chuyện những người quản lý, lãnh đạo chính quyền, cán bộ địa phương… không biết.

3. Một số đề xuất về giải pháp trong chính sách hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực môi trường

Bên cạnh việc phù hợp với xu thế chung của thế giới, với xu hướng nhân đạo, dân chủ, tiến bộ, chúng ta cần có cái nhìn mang tính tổng quan, lâu dài và có trách nhiệm hơn nữa trong những quy định của pháp luật hình sự đối với công cuộc bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đang phải gánh chịu những hậu quả do con người gây ra. Cần phải có những bước đi, hành động mạnh mẽ hơn để cứu vãn tình thế, không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường, đây cũng là điều mà chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đã đề ra. Sau đây là một số đề xuất về giải pháp trong chính sách hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực môi trường:

Thứ nhất, cần tăng nặng trách nhiệm hình sự và mức hình phạt đối với những chủ thể trong nhóm tội phạm về môi trường, mức hình phạt của một số tội nên tăng lên ở mức tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (trên 15 năm tù).

Với những hậu quả to lớn và nặng nề mà hành vi của tội phạm này gây ra cho con người và hệ sinh thái cũng như tác động nguy hại về lâu dài, cần thiết nên có những hình phạt thích đáng và tương xứng để góp phần răn đe, làm giảm nguy cơ tái phạm vì sự coi thường pháp luật, từ đó làm giảm đi những nguy hiểm gây ra cho môi trường.

Đối với nhóm tội phạm này, hình phạt dành cho cá nhân phạm tội nên là hình phạt tù, chứ không nên quy định hình phạt mang tính lựa chọn giữa hình phạt tù và hình phạt tiền, trong trường hợp này, hình phạt tiền chỉ là hình phạt bổ sung.

Đối với pháp nhân phạm tội, cần tăng hình phạt tiền cao hơn nữa. Hình phạt tiền ở Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng chỉ ở con số vài tỷ đồng trong khi hành vi phạm tội của nhóm chủ thể này với số tiền thu lợi bất chính lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

Thứ hai, cần có sự nghiên cứu hơn nữa trong việc quy định cấu thành tội phạm về môi trường dưới dạng là cấu thành hình thức[5].

Mặc dù hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có sự thay đổi, chuyển nhiều tội có cấu thành vật chất sang cấu thành hình thức, và trong hành vi của mặt khách quan của tội phạm đã được định lượng hóa cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tế, vì nhiều lý do khác nhau (cả nguyên nhân khách quan và chủ quan) mà việc thu thập chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của nhóm tội về môi trường đạt ở mức định lượng đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự rất khó khăn và có khi không làm được.

Có thể nhìn vào cách quy định của nước Nhật Bản để học hỏi và nghiên cứu, áp dụng phù hợp với tình hình tội phạm cũng như phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Tội phạm về môi trường trong Luật Hình sự Nhật Bản không cần hậu quả xảy ra, chỉ cần có giả định hợp lý rằng một tác hại có thể xảy ra và ảnh hưởng tới cái chung (công cộng hay xã hội) thì có thể xác định đó là tội ác với môi trường[6].

Thứ ba, nên chăng trong nhóm tội phạm về tham nhũng, cần có quy định riêng một nhóm tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực môi trường và có những chế tài, hình phạt nặng hơn, đủ sức răn đe đối với những người có chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho tội ác đối với môi trường. Nếu làm tốt việc bảo vệ môi trường thì đã không xảy ra những hậu quả nặng nề mà nhiều vùng, nhiều khu vực phải gánh chịu. Vì vậy, hành vi làm ngơ cho nhóm tội phạm về môi trường hoạt động cũng là nguyên nhân lớn khiến môi trường và hệ sinh thái biến đổi, vì vậy những người gây ra hành vi này cần được nghiêm trị.

Thứ tư, trong tư tưởng, cần đề cao hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong đội ngũ những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trong hành động, cần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, đặc biệt là lực lượng làm công tác điều tra trong lĩnh vực tội phạm về môi trường; tăng cường trang bị những phương tiện, thiết bị khoa học kỹ thuật để phát hiện tội phạm về môi trường.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1]Hoàng Thị Huyền Trang (2022). Cân nhắc việc trao “cơ hội” lựa chọn hình phạt cho người phạm tội. Truy cập tại: http://baochinhphu.vn/Lay-y-kien-Nhan-dan-ve-du-thao-Bo-luat-Hinh-su-sua-doi/Can-nhac-viec-trao-co-hoi-lua-chon-hinh-phat-chonguoiphamtoi/236107.vgp?fbclid=IwAR1OoxDn7iYyN4jU8c42LIw0Bw77wnKbX1p6H2fEJw-CgsefSnE2qUP0Yrg.

[2] VTV24 (2020). Các tỉnh Tây Nguyên “nóng” vì phá rừng. Truy cập tại: https://www.youtube.com/watch?v=0jzavOKWUYo.

[3] VTV24 (2018). Nhức nhối ô nhiễm môi trường từ sản xuất công nghiệp. Truy cập tại: https://www.youtube.com/watch?v=uJkvP3hiKPQ.

[4] VTV24 (2020). Nhà máy gây ô nhiễm môi trường ở Tuyên Quang: Trâu bò còn tuột da, người sống kiểu gì?. Truy cập tại: https://www.youtube.com/watch?v=g8LZORef_5U.

[5] Ngô Ngọc Diễm, Trần Quang Minh (2021). Dấu hiệu định tội, định khung đối với tội gây ô nhiễm môi trường trong pháp luật hình sự. Tạp chí Tòa án nhân dân, số 10 Kỳ 2 tháng 5/2021, tr.24

[6] Ngô Ngọc Diễm (2022). Các tội phạm về môi trường trong Bộ luật Hình sự một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam. Truy cập tại: https://tuvanluatonline.vn/tu-van-hoi-dap/cac-toi-pham-ve-moi-truong-trong-bo-luat-hinh-su-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam/.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2018). Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. Hoàng Thị Huyền Trang (2022). Cân nhắc việc trao “cơ hội” lựa chọn hình phạt cho người phạm tội. Truy cập tại: http://baochinhphu.vn/Lay-y-kien-Nhan-dan-ve-du-thao-Bo-luat-Hinh-su-sua-doi/Can-nhac-viec-trao-co-hoi-lua-chon-hinh-phat-cho-nguoiphamtoi/236107.vgp?fbclid=IwAR1OoxDn7iYyN4jU8c42LIw0Bw77wnKbX1p6H2fEJw-CgsefSnE2qUP0Yrg.
  3. Ngô Ngọc Diễm, Trần Quang Minh (2021). Dấu hiệu định tội, định khung đối với tội gây ô nhiễm môi trường trong pháp luật hình sự. Tạp chí Tòa án nhân dân, số 10, Kỳ 2 tháng 5/2021, tr.24.
  4. Ngô Ngọc Diễm (2021). Các tội phạm về môi trường trong Bộ luật Hình sự một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam. Truy cập tại: https://tuvanluatonline.vn/tu-van-hoi-dap/cac-toi-pham-ve-moi-truong-trong-bo-luat-hinh-su-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam/.
  5. VTV24 (2020). Các tỉnh Tây Nguyên “nóng” vì phá rừng. Truy cập tại: https://www.youtube.com/watch?v=0jzavOKWUYo.
  6. VTV24 (2018). Nhức nhối ô nhiễm môi trường từ sản xuất công nghiệp. Truy cập tại: https://www.youtube.com/watch?v=uJkvP3hiKPQ.
  7. VTV24 (2020). Nhà máy gây ô nhiễm môi trường ở Tuyên Quang: Trâu bò còn tuột da, người sống kiểu gì?. Truy cập tại: https://www.youtube.com/watch?v=g8LZORef_5U.

ThS. Hoàng Thị Huyền Trang (Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích