Một số quy định mới về hưởng trợ cấp thất nghiệp từ năm 2024
Đây là những quy định tại Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh minh họa. |
Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH quy định, kể từ ngày 15/2/2024 sửa đổi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo tháng dương lịch. Mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật Việc làm đến ngày đó của tháng sau trừ 1 ngày; trường hợp tháng sau không có ngày tương ứng thì ngày kết thúc của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày cuối cùng của tháng đó.
Ví dụ, một người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 5 tháng, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/5/2022. Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp của người này được xác định như sau:
Tháng hưởng thứ nhất là từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/1/2022;
Tháng hưởng thứ hai là từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 28/2/2022;
Tháng hưởng thứ ba là từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 31/3/2022;
Tháng hưởng thứ tư là từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 30/4/2022;
Tháng hưởng thứ năm là từ ngày 1/5/2022 đến hết ngày 31/5/2022.
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu xác định như sau:
Quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu |
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hàng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên;
+ Ốm đau có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
+ Nghỉ hưởng chế độ thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Riêng đối với trường hợp nam giới có vợ chết sau khi sinh con mà phải trực tiếp nuôi dưỡng con thì giấy tờ xác nhận là giấy khai sinh của con và giấy chứng tử của mẹ;
+ Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
+ Bị hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn;
+ Cha, mẹ, vợ/chồng, con của người lao động chết; người lao động hoặc con của người lao động kết hôn có giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn;
+ Đang tham gia khóa học nghề theo quyết định của giám đốc sở LĐTB&XH và có xác nhận của cơ sở đào tạo nghề nghiệp;
+ Thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 3 tháng;
+ Đi cai nghiện tự nguyện có xác nhận của cơ sở cai nghiện hoặc xác nhận của chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn;
+ Chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nguồn: Báo lao động thủ đô