Một số quan điểm và nguyên tắc thiết kế nhà ở nông thôn trong quá trình đô thị hoá

Một số quan điểm và nguyên tắc thiết kế nhà ở nông thôn trong quá trình đô thị hoá

Khi tốc độ đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, kiến trúc nông thôn Việt Nam biến đổi nhanh chóng, đặc biệt là nông thôn miền Bắc. Những ngôi nhà cao tầng với bê tông cốt thép mọc lên ngày càng nhiều, thay thế những ngôi nhà mang kiến trúc truyền thống.

Không gian đô thị hiện đại đang dần lấn át không gian truyền thống làng quê.

Hiện nay, không ít địa phương gần như “hô biến” toàn bộ hạ tầng nông thôn. Kiến trúc nhà ở nông thôn chuyển mình trong xu thế hội nhập, theo nông thôn mới với ảnh hưởng của đô thị hóa, công nghiệp hóa. Xây dựng nông thôn mới là làm cho nông thôn Việt Nam văn minh, giàu đẹp, nhưng không lai căng, không làm mất nét văn hóa làng quê truyền thống. Việc đánh giá về sự thay đổi kiến trúc của nông thôn sẽ là điều cần thiết để các nhà hoạch định chính sách, các nhà chuyên môn có thể đưa ra được những chính sách, những kiến nghị và những nguyên tắc phát triển phù hợp cho nông thôn trong những năm tiếp theo đóng góp vào tiến trình đổi mới nông thôn theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước.

Một số quan điểm và nguyên tắc thiết kế nhà ở nông thôn trong quá trình đô thị hoá - Tạp chí Kiến Trúc
Nhà mái lớn gợi lại hàng hiên và những không gian truyền thống của nhà ở nông thôn(Nguồn: Atelier Dubosc et Associes Vietnam)

Cấu trúc nhà ở nông thôn truyền thống

Trước năm 1954, nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ, dù là nhà giàu hay nghèo, cũng chủ yếu là các kiểu nhà dân gian 1 tầng có mặt bằng hình chữ nhật và được phân theo gian số lẻ, chẳng hạn 5 gian hay 3 gian 2 chái, cấu trúc chủ yếu bằng gỗ hoặc tre, mái lợp ngói hoặc thảo mộc (rơm rạ, tranh, bổi, lá cọ…). Trong khuôn viên nhà thường có ngôi nhà chính và 1-2 nhà phụ nằm vuông góc với nhà chính tạo thành bố cục hình thước thợ hay chữ U, tất cả đều quây quần quanh một sân trời rộng thoáng, phía trước sân thường là vườn cây và đôi khi có cả ao cá.

Trong quá trình tồn tại của mình, sự ổn định tương đối của hình thái cấu trúc nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ đã tạo ra các không gian truyền thống được kế thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác, mà đặc trưng nhất là không gian chính – nơi bố trí ban thờ tổ tiên, không gian hiên và không gian sân.

Không gian chính của ngôi nhà thường nằm ở vị trí trung tâm và có thể bao gồm 3 gian, 5 gian… liên tục được hòa vào nhau và không có sự ngăn cách về thị giác. Điểm nhấn chính của không gian này là ban thờ tổ tiên ở chính giữa, hai bên ban thờ thường bố trí giường/phản – nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt vào ban ngày và ngủ nghỉ của đàn ông vào ban đêm. Ban thờ chi phối các không gian còn lại và cả ứng xử của mọi người trong không gian chính, từ lời ăn tiếng nói đến tư thế ngồi, hướng nằm ngủ, và các hoạt động thường ngày khác…

Không gian hiên nằm phía trước các gian chính của ngôi nhà, đóng vai trò là không gian chuyển tiếp giữa bên trong và bên ngoài nhà. Không chỉ góp phần chắn mưa che nắng cho không gian chính, hiên thường được mở rộng để gia tăng khả năng hoạt động và tạo ra một không gian rất đa năng, nơi mà tùy điều kiện và thời gian có thể được biến thành nơi giao lưu, ăn uống, sản xuất, giải trí hay làm kho chứa tạm. Không thuộc về bên trong cũng chẳng thuộc về bên ngoài, hiên có thể được coi là một trong những không gian “người” nhất trong nhà ở dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ – một dạng “Không gian nhập nhằng” theo lý thuyết của KTS nổi tiếng Robert Venturi.

Sân cũng là một không gian không thể thiếu trong khuôn viên nhà ở dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là không gian mở ngoài trời, thường có vị trí trung tâm trong tổng thể bố cục, bởi hầu hết các khối nhà, dù là nhà chính hay nhà ngang đều hướng ra không gian này. Sân là một dạng không gian đa năng rất đặc trưng cho nhà dân gian truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ, nơi diễn ra nhiều hoạt động phù hợp với đặc điểm kinh tế và văn hóa nông nghiệp vùng, từ những sinh hoạt thường ngày như ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí đến các hoạt động sản xuất tùy theo đặc điểm nghề nghiệp của gia chủ. Sân còn là phần mở rộng của không gian bên trong nhà trong các dịp giỗ chạp, cưới hỏi hay các nghi lễ khác của gia đình, dòng họ, là không gian kết nối các khối nhà và vườn…

Sự cần thiết của việc nghiên cứu những quan điểm và nguyên tắc thiết kế nhà ở nông thôn trong bối cảnh hiện nay

Trong quá trình chiếm lĩnh những vùng đồng bằng rộng lớn, người Việt đã tạo ra những mô hình định cư nông thôn độc đáo, trong đó có sự ăn nhập hài hòa giữa kiến trúc và cảnh quan. Mô hình này đã từng khá bền vững và ổn định qua nhiều thế kỷ. Trong bối cảnh đô thị hóa cùng những biến đổi mạnh mẽ về văn hóa – xã hội, ngày càng xuất hiện nhiều kiểu nhà xa lạ, phá vỡ kiến trúc cảnh quan và làm biến dạng những mô hình định cư này. Đứng trước thực trạng này, các nhà chuyên môn đóng vai trò rất quan trọng việc nghiên cứu các giải pháp thiết kế cho nhà ở nông thôn

Đầu tiên là về vấn đề cơ sở pháp lý. Từ sau thời kỳ đổi mới, chính phủ đã bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề đô thị hóa nông thôn. Cụ thể thể hiện ở việc ban hành chính sách, nghị định, chương trình có liên quan như: Chương trình quy hoạch nông thôn mới giai đoạn 2009-2020. Đảng và Nhà nước triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí làm thước đo cho khái niệm này, trong đó nhà ở nông thôn mới (NONTM) phải đảm bảo các yêu cầu: NƠNTM “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng). Bên cạnh đó là các Nghị quyết, chỉ thị của chính phủ về quy hoạch nông thôn mới gắn với đô thị hóa điển hình bao gồm:

  • Chỉ thị về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống – chỉ thị 04 CT-TTg, Thủ tướng chính phủ;
  • Cơ sở văn bản quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch, kiến trúc nông thôn như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kiến trúc; Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
  • Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022;
  • Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.

Yếu tố cấp thiết tiếp theo trong việc cần phải nghiên cứu những giải pháp thiết kế phù hợp cho nhà ở nông thôn hiện nay liên quan đến nhu cầu thực tế của xã hội và của chính người dân sử dụng trực tiếp. Nhu cầu về tiện nghi ở thể hiện ở việc tăng trưởng tự nhiên của dân số cộng với sự di dân đã làm thay đổi dần tập quán sống của người dân quê. Nhằm đảm bảo về tiện nghi ở cũng như thích ứng với lối sống mới, những người khi lớn sẽ chuyển ra ở riêng. Một gia đình với 2-3 thế hệ chiếm phần lớn và là hình mẫu hiện đại. Dân số tăng lên nhưng quỹ đất có hạn, từ một mảnh đất rộng nay được chia ra để phù hợp với số lượng người ở. Để tối đa diện tích những nhà 5 gian 2 chái được thay thế bằng nhà 2-3 tầng khang trang, tiên tiến. Đối với nhóm dân cư thuần nông giàu lên, có điều kiện để thay đổi môi trường sống của mình. Khi có tiền, người dân phá bỏ đi những ngôi nhà gỗ truyền thống, với đầy đủ chức năng của một không gian ở kết hợp với sản xuất nông nghiệp vô cùng thích dụng (được cho là không hiện đại và kém tiện nghi) để xây dựng một ngôi nhà bê tông nhiều tầng hình hộp giống nhà ở đô thị mà họ cho là văn minh, hiện đại – những ngôi nhà ở thế hệ mới với không gian phân chia theo chiều thẳng đứng. Đối với nhóm dân cư buôn bán nhỏ, làm nghề phụ kết hợp với sản xuất nông nghiệp: Họ xây dựng nhà ở kết hợp với buôn bán nhỏ và làm nghề phụ. Không gian kiến trúc nhà ở của họ cũng cần thay đổi cho phù hợp với nhu cầu sản xuất mới. Không gian kiến trúc nhà ở nông thôn mà nhóm dân cư này lựa chọn xây dựng là loại nhà ở chia lô kiểu đô thị bám theo các trục đường làng hoặc các trung tâm thị tứ. Loại nhà này kết hợp chức năng ở với chức năng buôn bán, thương mại và dịch vụ.

Một số quan điểm và nguyên tắc thiết kế nhà ở nông thôn trong quá trình đô thị hoá - Tạp chí Kiến Trúc
Sự tiếp biến giữa truyền thống và hiện đại trong thiết kế nhà ở nông thôn (Nguồn: Atelier Dubosc et Associes Vietnam)

Xã hội hóa hiện đại hóa phát triển đi kèm với nhu cầu về thẩm mỹ của người dân cũng tăng theo. Công nghệ thông tin góp phần giúp người dân tiếp cận những xu hướng thiết kế không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thế giới. Nhưng do tâm lý thích cái mới và tư tưởng bài trừ cái cũ, người dân thường lấy nguyên mẫu nhà ở đô thị. Bên cạnh đó là tư tưởng không cần thiết kế mà chỉ sao chép dẫn đến những chuyển biến dữ dội: Không quy hoạch, không quản lý, mạnh ai người ấy làm miễn là có tiền với đủ các kiểu nhà và các phong cách Đông, Tây, Trung Cận Đông… Người dân tiếp nhận những phong cách thiết kế nhà phố mà không có sàng lọc gây nên sự hỗn độn, chen chúc, phá vỡ khung cảnh thôn quê vốn nền nã, nhuần nhị.

Yếu tố cuối cùng nhấn mạnh lên tính cấp thiết trong việc nghiên cứu các giải pháp thiết kế nhà ở nông thôn đó là sự xuất hiện của khoa học kỹ thuật và việc cần thiết bảo vệ môi trường cũng như phát triển bền vững. Với mức đô thị hóa chỉ đạt mức 30%, đồng nghĩa với việc 70% dân số là nông dân, hiện đang sống tại nông thôn, việc thiết kế nhà ở nông thôn mang tính bền vững đóng góp một phần rất lớn trong việc phát triển bền vững tại khu vực đồng bằng bắc bộ nói riêng và trên toàn Việt Nam nói chung. Những ngôi nhà ống kiểu phố thị không những phá vỡ cấu trúc vốn khá đồng nhất của làng quê truyền thống và làm chúng bị biến dạng hoàn toàn, chưa hết, sự gia tăng bề mặt khối xây tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời biến những ngôi nhà này thành khối trữ nhiệt rồi tỏa ra môi trường xung quanh làm bầu không khí làng quê ngày càng trở nên ngột ngạt, và khiến nhu cầu sử dụng điện để làm mát tăng lên.

Với các kỹ thuật tiên tiến hiện nay, cùng với các tri thức và các nghiên cứu đã được đề cập đến, các vấn đề kể trên hoàn toàn có thể giải quyết, đem lại tính bền vững và diện mạo mới cho nông thôn Việt Nam. Đã đến lúc các cấp chính quyền cũng như các nhà chuyên môn phải thực sự vào cuộc một cách nghiêm túc trong việc định hướng cảnh quan cũng kiến trúc nhà ở nông thôn, thay vì để người nông dân tự loay hoay tìm giải pháp cho chính ngôi nhà của mình.

Quan điểm và nguyên tắc thiết kế nhà ở nông thôn phù hợp với các điều kiện phát triển hiện nay

Trên cơ sở những thay đổi về kiến trúc nhà ở nông thôn cũng như những tìm hiểu về nguyên nhân trực tiếp gây nên những thay đổi đó, sơ bộ đề xuất các nguyên tắc thiết kế kiến trúc cho nhà ở nông thôn mới để phù hợp với điều kiện hiện nay:

  • Kiến trúc nhà ở có tính hiện đại, tạo sự hấp dẫn nơi chốn cho lớp trẻ mong muốn về với quê hương nhiều hơn;
  • Kiến trúc nhà ở nông thôn mới cần kế thừa các nét, các chi tiết kiến trúc truyền thống như hệ mái lớn, tỷ lệ giữa các không gian kiến trúc, các không gian bán lộ thiên, các không gian tạo vi khí hậu…;
  • Tôn trọng tối đa điều kiện địa hình, tránh đào đắp khối lượng lớn gây tốn kém và ô nhiễm môi trường, khai thác ưu điểm và tìm các giải pháp giảm thiểu nhược điểm của điều kiện khí hậu và môi trường của khu vực xây dựng;
  • Thiết kế và thi công công trình nhằm tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, sử dụng nước tuần hoàn và thân thiện với môi trường;
  • Sử dụng tối đa vật liệu và công nghệ xây dựng địa phương tạo ra các không gian ở gần gũi, quen thuộc đối với người dân nông thôn, khơi gợi lại những miền kí ức êm đẹp.

Kết luận

Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh, nhà ở nông thôn có sự thay đổi nhanh về hình thức, quy mô chức năng, kết cấu, vật liệu… làm biến đổi diện mạo không gian làng xã truyền thống. Sự biến đổi này hiện như chưa được kiểm soát chặt chẽ, định hướng phù hợp. Dẫn đến kiến trúc nhà ở nông thôn phát triển manh mún, lộn xộn, ….

Trong bức tranh tổng thể này, vai trò của các nhà nghiên cứu là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Cần đặt ra các vấn đề cần nghiên cứu giải quyết cụ thể hơn nữa đó là các nguyên tắc và các giải pháp thiết kế cụ thể cho mô hình nhà ở nông thôn mới. Nhà ở nông thôn mới cần đấp ứng đầy đủ các tiêu chí về hình thái kiến trúc hiện đại đồng thời gợi lại những nét truyền thống của kiến trúc bản địa. Song song với nó là ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong việc xây dựng thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

TS.KTS Nguyễn Việt Huy
ThS.KTS Đỗ Đình Trọng
ThS.KTS Nguyễn Minh Việt

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ (2016), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2016 – 2020, Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016, Hà Nội.
2. Nguyễn Việt Huy (2021) – “Làng xã truyền thống đồng bằng châu thổ sông Hồng ở Việt Nam – một cơ hội cho cảnh quan đô thị”.
3. Nguyễn Việt Huy – “Sự biến đổi của “Ngôi nhà nông thôn” truyền thống vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng – 2019”.
4. Khuất Tân Hưng (2007) – “Mối quan hệ giữa văn hóa và kiến trúc trong nhà ở dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ”. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội 
5. TS.KTS Nguyễn Việt Huy, Ths. KTS. Trần Quốc Việt, ThS. KTS. Nguyễn Việt Tùng, Ths. KTS. Trần Tuấn Anh, Ths. KTS. Nguyễn Minh Việt (2022) – “Báo cáo nghiên cứu tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, nội thất làng Lại Yên – Hoài Đức – Hà Nội”.
6. Ngô Hồng Năng (2018) – “Robert Ventuti và ngôn ngữ của kiến trúc hậu hiện đại”. Tạp chí Kiến trúc số 04 – 2018.
7. Nguyễn Việt Huy (2014) – “Một vài suy nghĩ trong giải pháp thiết kế kiến trúc thích ứng với môi trường thiên nhiên”.
8. Khuất Tân Hưng (2021) – “Sự biến đổi của kiến trúc nhà ở nông thôn”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích