Một số lý luận cơ bản trong hệ thống lý luận và phê bình kiến trúc
Một số lý luận cơ bản trong hệ thống lý luận và phê bình kiến trúc
Lý luận về văn hóa đóng vai trò quan trọng trong đường lối phát triển kiến trúc Việt Nam theo hướng bản sắc.
Các khái niệm cơ bản
Lý luận là hệ thống những tri thức được tổng hợp chọn lọc từ các lý thuyết hàn lâm kết hợp kinh nghiệm thực tiễn để bình luận, nhận xét có cơ sở khoa học về một vấn đề, một hiện tượng của hiện thực khách quan. Theo quan niệm của Chủ nghĩa Mác – Lênin, giữa lý luận và thực tiễn có mối quan hệ biện chứng. Lý luận trong hệ thống lý luận (LL) và phản biện kiến trúc (PBKT) đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện và đánh giá giá trị của tác giả, tác phẩm kiến trúc.
Hệ thống LL&PBKT là toàn bộ các nguồn tài nguyên LL và PBKT được tổng hợp, phân loại từ các giai đoạn phát triển của lịch sử, từ các vùng miền trong cả nước. Nguồn tài nguyên LL&PBKT bao gồm: Các sản phẩm sách báo, truyền thông, truyền thanh, truyền hình được lưu giữ và lưu truyền thông qua nguồn lực cơ sở vật chất và nguồn nhân lực tại các địa phương. Hệ thống LL và PBKT được lưu giữ nhờ cơ sở vật chất bảo quản (bảo tàng, thư viện, trung tâm lưu trữ) và phương tiện bảo quản công nghệ (dữ liệu số hóa, Big Data). Chúng được lan tỏa nhờ nguồn nhân lực trong hệ thống LL và PBKT được triển khai từ trên xuống dưới (từ trung ương tới địa phương), từ đội ngũ chính thống và phi chính thống, chuyên và không chuyên.
Các cấp độ LL trong Hệ thống LL&PBKT thể hiện mức độ chủ quan và khách quan, định tính và định lượng của người lý luận trong các quan điểm, phân tích, lý giải. Lý luận cần phải vừa thể hiện quan điểm cá nhân, vừa phải có cơ sở khoa học. Chính vì vậy, LL phê bình có thể có những cấp độ khác nhau về mặt khoa học:
Nhận xét: Là LL bình luận về một vấn đề, trong đó tỷ lệ LL mang tính chủ quan, cảm tính từ kinh nghiệm của người nhận xét. Mức độ cảm tính/ khoa học chiếm khoảng 70/30;
Phê bình: Là LL bình xét có phân tích góp ý về một vấn đề, đòi hỏi sự thuyết phục từ kinh nghiệm và các cơ sở khoa học. Mức độ cảm tính/ Khoa học chiếm khoảng 50/ 50;
Phản biện: Là LL chuyên sâu về một vấn đề đòi hỏi sự thuyết phục từ các trích dẫn Khoa học, từ các phương pháp tư duy khoa học của người lập luận. Mức độ cảm tính chủ yếu được xem như quan điểm cá nhân/ Khoa học chiếm khoảng 30/70.
Xây dựng Hệ thống LL&PBKT là trách nhiệm của các địa phương nhằm tổ chức kiểm tra nguồn lực tài nguyên hiện có, cải tạo chỉnh trang cơ sở vật chất, tăng cường các biện pháp bảo quản và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm bảo quản và làm giàu hơn nữa cơ sở LL và PBKT. Ở góc độ nguồn nhân lực của hệ thống LL và PBKT là sự chú trọng công tác nhân sự trong việc phát hiện, bồi dưỡng các cây viết trẻ, các nhà phê bình lý luận có tiềm năng, có chủ trương, kế hoạch trong việc sử dụng và phát triển nhân lực, tăng cường hợp tác với các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực LL và PBKT.
Phát triển Hệ thống LL&PBKT liên quan tới công tác phát triển có kế hoạch nguồn tài nguyên LL và PBKT cả về chất và lượng: Tăng cường quy mô và đa dạng hóa các thể loại LL và PBKT, mở rộng khả năng tiếp cận với các đối tượng trong cộng đồng nhờ phát triển các công nghệ thông minh, các ứng dụng tin học và trí khôn nhân tạo.
Một số lý luận cơ bản được xem như những chìa khóa phục vụ cho hoạt động LL và PBKT có thể được xem xét trong ngữ cảnh phát triển và thực tiễn hoạt động kiến trúc hiện nay như sau:
Các lý luận cơ bản
Lý luận về mối quan hệ giữa Kiến trúc và Văn hóa
Lý luận về văn hóa đóng vai trò quan trọng trong đường lối phát triển kiến trúc Việt Nam theo hướng bản sắc. Văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo. Nó có từ thuở bình minh của xã hội loài người. Đây là một khái niệm có thể định nghĩa ở nhiều góc độ khác nhau. Trong lĩnh vực Kiến trúc, khái niệm Văn hóa được GS.Trần Quốc Vượng đề cập trong cuốn Cơ sở Văn hóa Việt Nam. Theo đó, văn hóa có từ gốc Culture là Trồng trọt nông nghiệp cùng nghĩa với Cultus animi (gốc Latinh) là Trồng trọt tinh thần.[1]. Như vậy, trong cốt lõi của từ Văn hóa vừa có yếu tố thiên nhiên, hoang dã, lại vừa có yếu tố trồng trọt, vun đắp, cải tạo sự hoang dã đó. Điểm quan trọng của hành động trồng trọt là tạo điều kiện tốt nhất để cây phát triển, nhưng giới hạn của sự chăm sóc cũng như quan điểm cải tạo cần phải xác định để nó không làm thay đổi yếu tố gốc rễ, không làm biến đổi gen. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều cải tiến kỹ thuật và công nghệ đã tạo hiệu quả cho thu hoạch, nhưng không ít dự án đã tạo các sản phẩm có sự biến đổi chất không mong đợi do có sự chăm sóc thái quá làm biến đổi gốc. Trong xã hội nói chung và kiến trúc nói riêng, cần phải có sự định hướng các sản phẩm vật chất có giá trị tinh thần một cách phù hợp trên cơ sở giữ gìn yếu tố cốt lõi và sự tinh hoa.
Kiến trúc là một loại hình nghệ thuật – kỹ thuật nhằm kiến tạo nên một Môi trường sống phục vụ con người bao gồm môi trường ở, làm việc, nghỉ ngơi, sinh hoạt công cộng. Ở một góc nhìn phổ quát, sự kiến tạo môi trường sống phải đảm bảo an toàn bền vững, nhằm đem lại tiện nghi vật chất và tinh thần cho con người. Nhưng ở góc nhìn Văn hóa học, nó không được phép làm mất đi những giá trị cốt lõi và truyền thống mà con người đã tạo ra trong lịch sử. Những yếu tố đó được kết tụ và nuôi dưỡng thông qua các sản phẩm phục vụ đời sống của bao thế hệ. Trong mối quan hệ này, có những yếu tố vật thể trở thành cốt lõi, yếu tố phi vật thể trở nên linh thiêng. Chúng được tôn thờ và trở thành bất tử. Đánh giá giá trị các công trình kiến trúc, tượng đài, cảnh quan, kiến trúc nhỏ … không chỉ từ các yêu cầu công năng và hình thức, mà còn phải nhìn nhận giá trị văn hóa của nó. Trong các văn bản chính thức, chưa có các tiêu chí xác định giá trị văn hóa của công trình, nhưng trên thực tế có những công trình, mặc dù chưa đủ các tiêu chí và thang điểm trong hệ thống đánh giá chính thống, đã trở thành hình ảnh không thể quên trong ký ức người dân. Như vậy, nó cũng cần phải được xem xét bổ sung vào quỹ những yếu tố bất biến của đô thị. Dưới góc nhìn văn hóa, mặc dù có giá trị vật chất nhỏ nhưng các công trình đó vẫn có thể trở thành những di sản ký ức. Chính vì vậy, hệ thống đánh giá của chuyên gia cần kết hợp với hệ thống bình chọn của cộng đồng để thống nhất xác định giá trị kiến trúc công trình, từ đó có thể đưa chúng vào quỹ di sản bất biến của đô thị.
Lý luận về tính Thẩm mỹ trong sáng tạo Kiến trúc
Kiến trúc và Vẻ đẹp của Kiến trúc được tạo nên, hoặc bởi những nguyên tắc khắt khe của Kiến trúc cổ điển, tuân theo những niệm luật bất biến từ thời Hy Lạp-La Mã, hoặc bởi những nguyên tắc tự do phóng khóang, những ẩn dụ của kiến trúc đương đại. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng trong một xã hội liên tục phát triển thì nội hàm kiến trúc cũng ngày càng mở rộng, và vai trò của kiến trúc trong đời sống xã hội càng trở nên quan trọng hơn.
Trong các giai đoạn phát triển của lịch sử và đặc biệt trong giai đoạn phát triển hiện nay đã chứng tỏ rằng hình thức Kiến trúc không chỉ tạo nên một vẻ đẹp thuần tuý, mà đằng sau nó là cả một tinh thần hướng tới những quan niệm, lý tưởng hoặc một mục đích tối thượng. Kiến trúc cần phải làm nhiều hơn thế để hướng con người tới những giá trị Chân -Thiện- Mỹ. Trong lịch sử cổ đại, kiến trúc của Kim Tự Tháp Ai Cập, của vườn treo Babylon đều mang kiểu dáng hình tháp vươn lên. Về mặt logic kết cấu, hình thức thức tháp là sự cần thiết cho sự vững chắc ổn định của Kiến trúc Đá. Tuy nhiên, đằng sau yếu tố hiển thị của sự phụ thuộc vào vật liệu và trình độ thi công, thì hình thức Tháp cổ đại còn thể hiện một sự mong muốn của con người – một yếu tố phi hiển thị. Đó là sự vươn lên của Kiến trúc hướng tới các vị Thánh trên Trời, khi mà con người còn quá phụ thuộc vào thiên nhiên.
Người ta học được quá nhiều điều từ nguyên tắc thẩm mỹ bất biến thời cổ đại khiến chúng trở thành bất tử. Mặc dù vậy, kiến trúc hiện đại không thể copy chúng vào đời sống của Kiến trúc đương đại, cho dù họ có thể học được rất nhiều từ các nguyên tắc thẩm mỹ cổ điển như: Tính trật tự, niêm luật, tỷ lệ, tỷ xích, khả năng chế ngự địa hình, nghệ thuật tạo hình cảnh quan… KTS cần phải làm chủ, làm mới kiến trúc đương đại trên nền tảng của các nguyên tắc cơ bản, bất biến và ứng dụng công nghệ mới trong sự chuyển đổi khả biến.
Khác với các loại hình nghệ thuật khác, kiến trúc không chỉ mang tới cho con người xúc cảm thẩm mỹ mà còn có thể tạo cho họ một không gian sống tiện nghi và bản sắc. Sự tiện nghi mà con người đòi hỏi cũng biến đổi theo thời gian. Khi khó khăn họ hướng tới tiện nghi vật chất, Khi đầy đủ, họ hướng tới tiện nghi tinh thần. Không gian ở của con người, vì thế, cần phải đáp ứng cho họ cả tiện nghi vật chất và tinh thần, là một bài toán không hề đơn giản. Người làm kiến trúc, được gọi là KTS, trước hết phải hiểu về con người, từ lối sống, sự mong muốn và thói quen của họ. Mỗi người có một không gian đời sống mơ ước của họ mà ta gọi là không gian sống lý tưởng, mà đôi khi không gian vật chất do KTS tạo nên không thể đáp ứng – Cũng có thể nó đáp ứng được ở giai đoạn này nhưng lại thất bại ở giai đoạn sau. Để không gian vật chất không bị lão hóa theo thời gian, KTS cần có được những dự báo trong tương lai và khả năng tạo sự mềm dẻo linh hoạt trong sử dụng không gian biến đổi thích ứng phát sinh từ dự báo.
Kiến trúc cần phải có hình thức. Hình thức không phải là một tội lỗi trong sáng tạo kiến trúc. Kiến trúc cần phải đẹp. Tuy nhiên, vẻ đẹp đó chỉ bền vững khi nó truyền tải và trung thành với nội dung kiến trúc. “Bệnh hình thức” là ngôn từ nôm na trong giới để chỉ vào những căn bệnh tìm tòi hình thức thuần túy không đoái hoài tới nội dung công năng. Những KTS tài năng trên thế giới là những người có thể tạo nên định hướng văn hóa, giá trị tinh thần trên nền tảng các giá trị sử dụng, tính tiện nghi cho con người. Họ chính là những người “gieo hạt mầm” cho những tác phẩm kiến trúc.
Lý luận về mối quan hệ cộng sinh giữa Kiến trúc và Thiên nhiên
Kiến trúc và Thiên nhiên có mối quan hệ hai chiều khá phức tạp. Chúng được thể hiện theo cách vừa tích cực (che chở) lại vừa tiêu cực (đe dọa). Về mặt tích cực, như KTS Bakema đã từng nói: “Kiến trúc tạo một lớp da thứ ba che chở cho con người trước những đe doạ của thiên nhiên, của Biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời bản thân Kiến trúc cũng có thể trở thành một Thiên nhiên thứ hai cộng sinh với cuộc sống của con người”. Khoa học và công nghệ tiên tiến đã tạo nên nhiều kiểu loại của lớp vỏ bao che kiến trúc đem lại sự tiện nghi nhiệt, âm thanh và tiếng ồn cho ngôi nhà. Thiết kế mặt đứng cho ngôi nhà ngày nay không phải đơn thuần là sáng tạo hình thức mà còn phải tính toán ứng phó với thiên nhiên với mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả. Tuy nhiên, ở góc độ văn hóa, hình thức kiến trúc còn phải mang một chức năng khác – Đó là truyền tải tinh thần của nội dung kiến trúc, được biểu hiện bằng các biểu tượng. Giữa nghệ thuật và kỹ thuật, đôi khi tính nghệ thuật bị cường điệu và công trình bị mất vị thế trong tương tác với thiên nhiên. Chính vì vậy, hai khía cạnh đồng thời của mối quan hệ Kiến trúc – Thiên nhiên – Văn hóa cần phải được thể hiện trong thiết kế hình thức kiến trúc. Đó là tạo giải pháp kiến trúc vừa thông minh và sáng tạo, vừa nghệ thuật lại vừa công nghệ. Trong tổ chức không gian đô thị, cũng cần kết hợp đồng thời hai nhiệm vụ: Một mặt phải xác định và bảo tồn yếu tố cốt lõi của thiên nhiên, một mặt phải làm giàu thêm thiên nhiên, bù đắp vào những phần đã mất trong quá trình phát triển đô thị.
Lý luận về mối quan hệ giữa Kiến trúc – Nơi chốn
Đây là khái niệm rộng, tuy nhiên trong phạm vi kiến trúc có thể xem như mối quan hệ giữa kiến trúc với một địa điểm có tinh thần (place spirituel). Thường thì yếu tố tinh thần đó gắn liền với yếu tố thời gian, một câu chuyện, một cổ tích hay huyền thoại, nhưng cũng có thể gắn liền với một yếu tố vật chất hay không gian vật chất cụ thể, có sức hấp dẫn cộng đồng. Chính vì vậy có thể thấy kiến trúc có thể được đặt ở một vị trí địa lý thông thường, nhưng cũng có thể được đặt ở một địa điểm có tinh thần, mà ta gọi là Nơi chốn. Cũng giống như văn học, kiến trúc có thể kể một câu chuyện bằng các di sản vật chất và không gian nơi chốn, nó tạo nên những yếu tố đặc sắc và không trùng lặp với nơi khác, chính là bản sắc. Đáng tiếc là trong quá trình cải tạo chỉnh trang các không gian cũ của đô thị, không gian truyền thống của nông thôn, người ta chưa đánh giá hết giá trị của các không gian nơi chốn, nên các không gian sau cải tạo mặc dù khang trang hơn nhưng lại mất bản sắc.
Lý luận về tính Nhân văn trong Kiến trúc
Đó là mối quan hệ giữa con người với con người trong không gian đời sống và không gian kiến trúc. Cụ thể hóa, đó là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, trong cơ quan, trong nhà trường, trong không gian xã hội. Khi văn minh càng cao, các phương tiện công nghệ càng tiên tiến thì sự tiện nghi mang lại cho con người càng cao. Nhưng ở chiều ngược lại, sự văn minh có thể làm mất đi những giá trị nhân văn trong mối quan hệ giữa con người với con người. Người ta chỉ cần lướt mạng xã hội mà không cần giao tiếp và gặp mặt. Triết gia Habemas đã cảnh báo về sự đe dọa của tình trạng cô đơn và thiếu tương tác cộng đồng trong đời sống đương đại. Văn hóa nghệ thuật lúc này trở thành cứu cánh để lôi con người ra khỏi cái vỏ bọc tiện nghi vật chất của mình để ra rạp hát, nhà văn hóa, công viên vườn hoa… để hòa nhập cộng đồng. Vậy kiến trúc có thể đóng góp được gì trong mối quan hệ này? – Ở khía cạnh vĩ mô, chúng ta cần thay đổi quan điểm về không gian công cộng (KGCC). Đây không phải chỉ là các không gian áp đặt, không gian cố định, mà nó phải có khả năng biến đổi hoặc tự biến đổi tùy theo chức năng và ngữ cảnh, đối tượng và quy mô. Các công viên vườn hoa cần gỡ bỏ hàng rào để con người được sử dụng KGCC tự do, những tòa nhà có giá trị văn hóa lịch sử cần được mở rộng cửa để người dân và khách du lịch tham quan trải nghiệm. Ở khía cạnh vĩ mô, trong không gian gia đình cần chú trọng các phòng sinh hoạt chung – là nơi luôn hấp dẫn các thành viên. Trong các trường học, hành lang không phải chỉ là không gian giao thông mà còn là không gian giao lưu, tương tác giữa các học trò. Tính nhân văn trong các đô thị cũ được biểu hiện rõ hơn trong các đô thị mới. Nếu sự thân thiện ấm cúng là sản phẩm của các đô thị cổ thì sự lạnh lẽo hoang vắng là sản phẩm của một số đô thị mới cho dù rất khang trang. Chính vì vậy, văn minh và văn hóa cần phải được song hành trong phát triển. Khi đời sống con người càng được cải thiện thì sự văn minh đi cùng các nhu cầu vật chất ngày càng cao. Văn minh vật chất của thời đại ngày nay có thể tạo nên một tiện nghi vật chất mới, cùng với các vật dụng mới, hiện đại nhưng có thể đem lại những hiệu quả tiêu cực của đời sống văn hóa. Lối sống quá chú trọng văn minh vật chất, thiếu tôn trọng thiên nhiên có thể dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng lớn, và hiệu ứng phát thải ngày càng cao. Đây là những vấn đề trọng yếu của thời đại, của cả thế giới nhưng là thách thức lớn của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
Đô thị thông minh là đô thị nhiều cây xanh và ít phương tiện cá nhân. Ngôi nhà thông minh là ngôi nhà có thể sử dụng năng lượng có hiệu quả nhất theo cách tối đa năng lượng thiên nhiên, tối thiểu năng lượng nhân tạo. Xu hướng đương đại trong kiến trúc chú trọng tới tính tiết kiệm và hiệu quả không gian mà vẫn mang tới hạnh phúc cho con người nhờ những giá trị văn hóa.
Lý luận về sự Biến đổi và Bất biến đổi trong Kiến trúc Quy hoạch
Theo Couzen, có 3 yếu tố bất biến trong hình thái không gian đô thị: Đó là Thiên nhiên cốt lõi, Di sản văn hóa vật chất và Di sản văn hóa phi vật chất – Được thể hiện trong lối sống và truyền thống sống của cư dân đô thị. Thiên nhiên cốt lõi của Hà Nội cần được nhận diện và đánh giá. Có thể tham khảo cách nhìn và đánh giá từ cộng đồng và chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau. Nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi đã mở đầu bài ca Hà nội bằng 3 mặt nước quan trọng của Hà Nội: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây…”. Có vẻ như, nó hoàn toàn tương đồng với giới kiến trúc khi quan niệm, rằng đây là 3 yếu tố cốt lõi của Mặt nước Hà Nội cần được bảo tồn. Tương tự như vậy Huế, có sông Hương – Núi Ngự, Ba Vì có Tản Viên, Đà Lạt có dãy Langbiang… Ở nông thôn, phía đầu làng có cây gạo, cây đa, trong khuôn viên ngôi nhà có cây cau, cây mít, có tuổi đời gắn liền với 2-3 thế hệ. Chúng đều là Thiên nhiên cốt lõi, là yếu tố bất biến để tạo nên bản sắc của đô thị.
Cũng theo Couzen, có 5 yếu tố khả biến trong quá trình phát triển đô thị. Đó là mặt bằng tổng thể đô thị, cách thức phân chia ô mảnh trong nó, cấu trúc và tỷ lệ đặc rỗng, phân khu chức năng và ngôn ngữ kiến trúc trong mối quan hệ với địa hình cảnh quan [2]. Nếu như những yếu tố bất biến đóng vai trò quan trọng trong sứ mệnh hình thành bản sắc kiến trúc đô thị, thì những yếu tố khả biến thể hiện sự vận động, chuyển hóa của không gian đô thị trong quá trình phát triển mà KTS cần phải đọc và hiểu nó. Trong không gian đô thị (nghĩa rộng) và ngôi nhà truyền thống (nghĩa hẹp) của kiến trúc Việt Nam, văn hóa kiến trúc không chỉ biểu hiện mối quan hệ của con người với không gian thiên nhiên mà còn cả mối quan hệ của con người với không gian văn hóa [3]. Sự tác động của cải tạo và đổi mới không gian sống cần phải được tiến hành sau khi có kế hoạch bảo tồn các yếu tố bất biến. Quy hoạch phát triển chỉ được tiến hành sau khi có quy hoạch bảo tồn di sản. Đáng tiếc rằng việc khảo sát hiện trạng trong các dự án phát triển mới chỉ chú trọng tới các yếu tố hiển thị như cơ cấu kinh tế, tỷ lệ tăng dân số, cấu trúc xã hội và động lực phát triển. Việc nghiên cứu khảo sát các yếu tố phi hiển thị như lý lịch khu vực, sự biến đổi của không gian đời sống, những di sản ký ức và không gian nơi chốn… gần như rất ít đồ án nghiên cứu sâu. Một khi quy trình không có, một sự quan tâm chưa tới thì không thể có sự nhận dạng, đánh giá giá trị tài sản đô thị. Và nếu không có nhận dạng thì sự mất mát các yếu tố quý giá trong quỹ di sản đô thị là lẽ đương nhiên.
Kết luận
Chúng ta đang sống trong thời đại của những biến đổi. Cuộc sống luôn biến đổi theo hướng tiến bộ và phát triển. Kiến trúc cũng thích ứng theo đà của cuộc sống. Tuy nhiên có những yếu tố bất biến trong các yếu tố biến. Cần phải khu trú chúng lại để bảo tồn trong quá trình phát triển. Đó là nguyên tắc gìn giữ bản sắc văn hóa trong kiến trúc. Kiến trúc cần phải giải mã được mối quan hệ giữa Kiến trúc với thiên nhiên, kiến trúc với Không gian nơi chốn và kiến trúc với Con người. Văn minh và Văn hóa là hai yếu tố gắn bó mật thiết trong phát triển. Văn minh cho phép hướng tới, văn hóa cho phép giữ lại. Văn minh gắn liền với Văn hóa khi biết lựa chọn những công nghệ tiên tiến nhưng phải thích ứng đối với việc cải tạo, bảo tồn và phát huy giá trị trong quá trình phát triển.
GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi
ThS.KTS Doãn Thanh Bình
Trường ĐH Xây Dựng Hà Nội
Tài liệu tham khảo
Hội KTSVN. Lý luận và phê bình kiến trúc ở Việt nam. NXB Thanh niên. 2018. ISBN 978-2018/CXBI PH/45-46/TN
Doãn Minh Khôi. Một vài luận điểm bàn về Văn hóa trong kiến trúc. Hội thảo của Hội đồng Lý luận phê bình kiến trúc, Hội LHVHNT Việt nam , 2023
Doãn Minh Khôi, Khả biến, bất biến, vi biến. Hội thảo của Hội đồng Lý luận phê bình kiến trúc, Hội LHVHNT Việt nam , 2023
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị