Một số lưu ý trong quá trình thẩm duyệt thiết kế về PCCC của QCVN 06:2022/BXD

Một số lưu ý trong quá trình thẩm duyệt thiết kế về PCCC của QCVN 06:2022/BXD

Cần có những hướng dẫn cụ thể về quy định giải pháp kỹ thuật PCCC cho các chủ dự án, công trình hiểu rõ thực hiện đầy đủ trách nhiệm và duy trì điều kiện an toàn.

Để công việc thẩm duyệt thiết kế PCCC đạt chất lượng, đảm bảo đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, về PCCC hiện hành thì rất cần có những hướng dẫn cụ thể về quy định giải pháp kỹ thuật PCCC cho các chủ dự án, công trình hiểu rõ thực hiện đầy đủ trách nhiệm và duy trì điều kiện an toàn.

Ngày 30/11/2022 Bộ Xây dựng đã ký Thông tư 06/2022/TT – BXD ban hành QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực kể từ ngày 16/01/2023, thay thế QCVN 06:2021/BXD. Quy chuẩn quy định các yêu cầu chung về an toàn cháy cho gian phòng, khoang cháy, nhà và các công trình xây dựng khi xây dựng mới hoặc trong phạm vi một số thay đổi khi cải tạo, sửa chữa.

Phạm vi điều chỉnh

Điều 1.1.1: Các yêu cầu chung về an toàn cháy cho gian phòng, khoang cháy, nhà và các công trình xây dựng (khoang cháy, nhà và các công trình xây dựng sau đây gọi chung là nhà).

Điều 1.3: Phạm vi những thay đổi phải áp dụng QCVN 06:2022/BXD.

Điều 4.2 và Điều 4.6

Đối tượng áp dụng

Là các nhà công cộng có chiều cao PCCC đến 150 m và không quá 3 tầng hầm; Nhà sản xuất, nhà kho có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 1 tầng hầm; Nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 7 tầng trở lên hoặc có nhiều hơn 1 tầng hầm đến 3 tầng hầm; Nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm trên 30% tổng diện tích sàn. Đối với các nhà F1.2, F1.3, F4.2, F4.3 và nhà hỗn hợp khi có tối đa 05 tầng hầm trong đó tầng hầm 4, 5 chỉ bố trí gara.

Ngoài ra có một số đối tượng áp dụng QCVN 06:2022/BXD như nhà và công trình thuộc dây chuyền công nghệ của các cơ sở năng lượng; Tháp kiểm soát không lưu;

Nhà sản xuất hoặc bảo quản các chất và vật liệu nổ; các kho chứa dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên; cửa hàng kinh doanh xăng dầu, chất lỏng dễ cháy, khí đốt; nhà sản xuất hoặc kho hóa chất độc hại;

Công trình quốc phòng, an ninh; Phần ngầm của công trình tầu điện ngầm; công trình hầm mỏ.

Giải pháp chuyển tiếp

Có 2 trường hợp

Trường hợp 1: Dự án, công trình đã được góp ý về giải pháp PCCC đối với hồ sơ thiết kế cơ sở (theo QCVN 06:/BXD phiên bản cũ) trước ngày 16/01/2023 thì tiếp tục thực hiện theo hồ sơ thiết kế đã được góp ý trước đó (giải pháp giao thông, bãi đỗ cho xe chữa cháy; bậc chịu lửa; khoảng cách an toàn PCCC; phân khoang ngăn cháy theo chiều ngang và chiều đứng; bố trí vị trí thang bộ thoát nạn, khoảng cách thoát nạn, cấu tạo buồng thang; bố trí vị trí, số lượng thang máy chữa cháy; bố trí gian lánh nạn), hoặc lựa chọn áp dụng toàn bộ các giải pháp theo quy định của QCVN 06:2022/BXD để thiết kế, thẩm duyệt.

Đối với nhà, công trình không thuộc phạm vi áp dụng của QCVN 06:2022/BXD thì chủ đầu tư có thể lựa chọn các tài liệu chuẩn áp dụng để thiết kế, thẩm duyệt.

Trường hợp 2: Dự án, công trình đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật (theo QCVN 06:/BXD phiên bản cũ) trước ngày 16/ 01/ 2023, nay thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật điều chỉnh:

+ Trường hợp thiết kế điều chỉnh nhà, công trình thuộc phạm vi áp dụng của QCVN 06:2022/BXD thì áp dụng QCVN 06:2022/BXD để thiết kế, thẩm duyệt đối với phạm vi điều chỉnh đó.

Khi áp dụng một phần quy định theo QCVN 06:2022/BXD thì phải áp dụng cả các nội dung liên quan đến phần quy định đó trong QCVN 06:2022/BXD (ví dụ khi thay đổi bậc chịu lửa của nhà sản xuất, nhà kho từ bậc I, II xuống bậc IV để được áp dụng diện tích khoang cháy theo QCVN 06:2022/BXD thì ngoài việc áp dụng quy định của QCVN 06:2022/BXD đối với bậc chịu lửa, khoang cháy còn phải áp dụng các nội dung khác có liên quan đến bậc chịu lửa, khoang cháy như khoảng cách an toàn PCCC, lối và đường thoát nạn, giải pháp chống tụ khói…).

+Trường hợp thiết kế điều chỉnh nhà, công trình không thuộc phạm vi áp dụng của QCVN 06:2022/BXD thì chủ đầu tư cần lựa chọn các tài liệu chuẩn (theo hướng dẫn tại mục 2 phần II phụ lục này) áp dụng để thiết kế, thẩm duyệt đối với phạm vi điều chỉnh đó (Điều 1.1.7).

Đối với một số trường hợp riêng biệt quy định tại Điều 1.1.10, Điều 3.1.7, thì chủ đầu tư phải có luận chứng kỹ thuật nêu rõ các giải pháp bổ sung, thay thế và phải được Bộ Xây dựng cho ý kiến thống nhất.

Đối tượng không thuộc phạm vi áp dụng toàn bộ hoặc một phần của QCVN 06:2022/BXD khi đối tượng áp dụng theo chuẩn nước ngoài về hệ thống PCCC. Tuy nhiên phải thực hiện việc chấp thuận theo quy định tại khoản 5, Điều 8 Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013. Hồ sơ chấp thuận theo tiêu chuẩn nước ngoài, phải có công văn đề nghị gửi các cơ quan chức năng gồm: Danh mục các tiêu chuẩn đề nghị chấp thuận áp dụng; Bản gốc các tiêu chuẩn và bản dịch tiếng Việt; Thuyết minh nêu rõ sự cần thiết áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài; Bản vẽ thiết kế của công trình thể hiện các nội dung áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế.

Thẩm duyệt thiết kế về PCCC

Theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ việc thẩm duyệt thiết kế PCCC cần lưu ý về: Số tầng nhà; Chiều cao PCCC của nhà; Khối tích; Diện tích

Số tầng tòa nhà bao gồm: toàn bộ các tầng trên mặt đất (kể cả tầng kỹ thuật, tầng lửng, tầng tum) và tầng nửa hầm. Một số trường hợp tầng tum và tầng lửng không tính vào số tầng cao (Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30 /6 /2021 về cấp công trình trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng):

– Tầng tum không tính vào số tầng cao của công trình khi diện tích mái tum không vượt quá 30% diện tích sàn mái, có chức năng sử dụng làm tum thang, kỹ thuật.

– Nhà ở riêng lẻ kết hợp các mục đích dân dụng khác: Tầng lửng có diện tích sàn không vượt quá 65% diện tích sàn xây dựng của tầng có công năng sử dụng chính ngay bên dưới và chỉ cho phép có một tầng lửng không tính vào số tầng cao của nhà.

– Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp: Duy nhất 01 tầng lửng không tính vào số tầng cao của công trình khi tầng lửng chỉ bố trí sử dụng làm khu kỹ thuật (ví dụ: sàn kỹ thuật đáy bể bơi, sàn đặt máy phát điện, hoặc các thiết bị công trình khác), có diện tích sàn xây dựng không vượt quá 10 % diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới và không vượt quá 300m2.

– Các công trình khác: Tầng lửng chỉ bố trí sử dụng làm khu kỹ thuật, có diện tích sàn không vượt quá 10% diện tích sàn xây dựng của tầng có công năng sử dụng chính ngay bên dưới.

Ngoài ra, khi xác định tầng hầm và tầng nửa hầm cần căn cứ theo quy định tại Điều 1.4.57 và Điều 1.4.59 QCVN 06:2022/BXD. Với các công trình được xây dựng trên địa hình sườn dốc, cao độ mặt đường cho xe chữa cháy khác nhau ở các mặt, có hai hoặc nhiều tầng có thể ra trực tiếp đường giao thông thì việc xác định chiều cao nhà và tầng hầm, tầng nửa hầm là cần thiết để áp dụng các quy định về bố trí công năng, giải pháp ngăn cháy, giải pháp thoát nạn, trang bị các hệ thống PCCC.

Trong trường hợp này, không xác định tầng nằm dưới cao độ mặt đất theo quy hoạch được duyệt là tầng hầm nếu đường thoát nạn từ tầng đó không di chuyển theo hướng từ dưới lên trên.

Như vậy, đối với các tầng nhà bắt buộc phải có lối thoát nạn di chuyển theo hướng từ dưới lên trên (do không đủ khoảng cách thoát nạn tại mặt thoáng bên dưới) thì xét đó là tầng hầm.

– Đối với nhà sản xuất và nhà kho, khi xác định số lượng tầng của nhà thì mỗi sàn giá đỡ và sàn lửng nằm ở cao độ bất kì có diện tích lớn hơn 40 % diện tích 1 tầng của nhà đó, phải được tính như một tầng.

Chiều cao PCCC của nhà: (không tính tầng kỹ thuật trên cùng) được xác định như sau:

Bằng khoảng cách lớn nhất tính từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép dưới của lỗ cửa (cửa sổ) mở trên tường ngoài của tầng trên cùng; Bằng một nửa tổng khoảng cách tính từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mặt sàn và đến trần của tầng trên cùng – khi không có lỗ cửa (cửa sổ).

Khi mái nhà được khai thác sử dụng thì chiều cao PCCC của nhà được xác định bằng khoảng cách lớn nhất từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép trên tường bao của mái.

Khi xác định chiều cao PCCC thì mái nhà không được tính là có khai thác sử dụng nếu con người không có mặt thường xuyên trên mái.

Khi có ban công (lô gia) hoặc kết cấu bao che (lan can) cửa sổ thì chiều cao PCCC được tính bằng khoảng cách lớn nhất từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép trên của kết cấu bao che (lan can).

Khối tích của nhà được tính dựa trên các kích thước trong QCVN 06:2022/BXD và TCVN 9255:2012.

Kích thước mặt bằng lấy theo khoảng cách giữa các bề mặt hoàn hiện phía trong của tường bao, hoặc ở tất cả các mặt không có tường bao thì tính đến một mặt phẳng thẳng đứng kéo đến cạnh ngoài trên cùng của sàn.

Quy định chi tiết các giải pháp kỹ thuật về PCCC

1. Bậc chịu lửa, hạng nguy hiểm cháy nổ

Bản vẽ thiết kế phải thể hiện rõ giới hạn chịu lửa của từng cấu kiện xây dựng, bộ phận chịu lực đảm bảo theo quy định tại Bảng 4 QCVN 06:2022/BXD. Căn cứ theo tài liệu chứng minh của chủ đầu tư để xác định bậc chịu lửa của nhà, trong đó cần làm rõ một số nội dung sau:

(1) Xác định các bộ phận chịu lực trên bản vẽ mặt bằng, mặt cắt;

(2) Thuyết minh, thể hiện trên hồ sơ bản vẽ kết cấu nào là tham gia sự ổn định của nhà khi có cháy.

– Đối với từng công trình cụ thể sử dụng kết cấu cột bê tông cốt thép, sàn từng tầng bê tông cốt thép (với nhà nhiều tầng), tại bộ phận mái (không có tầng áp mái) gồm tấm lợp, giàn, dầm, xà gồ thiết kế bằng thép (không bọc bảo vệ) khi trong hồ sơ thiết kế chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, người thiết kế kết cấu có năng lực thuyết minh, tính toán chỉ rõ các bộ phận nào không tham gia vào độ bền tổng thể và sự ổn định không gian cho nhà khi có cháy và chịu trách nhiệm về kết quả này (không phải là tường chịu lực, cột chịu lực và các bộ phận chịu lực khác theo quy định của QCVN 06:2022/BXD) thì có thể xét giới hạn chịu lửa các bộ phận này là kết cấu mái (không phải cột chịu lực và các bộ phận chịu lực khác của nhà theo quy định tại Bảng 4), khi đó giới hạn chịu lửa của các bộ phận này đạt R15, RE15, R30, RE30 thì xác định bậc chịu lửa của nhà là bậc II/I;

– Đối với trường hợp khác: phải có biện pháp để bảo đảm giới hạn chịu lửa cho kết cấu mái;

– Đối với nhà có bộ phận chịu lực là các kết cấu thép: để bảo đảm đạt được bậc chịu lửa I, II, III phải có giải pháp phủ, bọc bảo vệ chống cháy cho các kết cấu thép chịu lực đạt giới hạn chịu lửa tương ứng R120, R90, R45:

+ Thông tin về các bộ phận chịu lực của nhà (tương ứng với từng giới hạn chịu lửa) phải được đơn vị thiết kế chỉ rõ trong thuyết minh và thiết kế kỹ thuật (Điều 2.5.3.3);

+ Trong hồ sơ, tài liệu kỹ thuật (thuyết minh và thiết kế kỹ thuật) cho các lớp phủ, bọc bảo vệ chống cháy phải chỉ rõ chu kỳ thay thế hoặc khôi phục tùy thuộc vào điều kiện khai thác sử dụng (quy định tại Điều 4.13).

– Làm rõ thêm về bộ phận chịu lực của nhà “Tường chịu lực, cột chịu lực, hệ giằng, vách cứng, giàn, các bộ phận của sàn giữa các tầng và của mái không có tầng áp mái (dầm, vì kèo, xà, tấm sàn, tấm lợp) được coi là các bộ phận chịu lực của nhà nếu chúng bảo đảm độ bền tổng thể và sự ổn định không gian cho nhà khi có cháy”;

– Lớp cách nhiệt của tấm lợp được coi là một thành phần của tấm lợp, phải bảo đảm giới hạn chịu lửa quy định tại Bảng 4 khi tấm lợp đó không thuộc diện giảm trừ.

– Hệ số tiết diện Am/V xác định theo ISO 834-10 hoặc các tiêu chuẩn tương đương.

– Bổ sung quy định về giới hạn chịu lửa của:

+ Các tấm lợp (kể cả tấm lợp có lớp cách nhiệt) và xà gồ đỡ tấm lợp (trừ các nhà, khoang cháy, gian phòng thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F3.1, F3.2, nhà sản xuất, nhà kho nhóm F5 và các nhà, gian phòng, khoang cháy khác thuộc hạng A, B, C)

+ Tường ngoài không chịu lực.

– Không quy định giới hạn chịu lửa và cấp nguy hiểm cháy của các cấu kiện kết cấu mái có tầng áp mái trong các nhà với mọi bậc chịu lửa. Không quy định giới hạn chịu lửa của kết cấu đầu hồi tầng áp mái, trong trường hợp này thì đầu hồi tầng áp mái phải có cấp nguy hiểm cháy tương đương với cấp nguy hiểm cháy của tường bao che nhà. Các cấu kiện, kết cấu thuộc các bộ phận của mái có tầng áp mái phải được đơn vị thiết kế chỉ dẫn trong tài liệu kỹ thuật của nhà.

2. Bố trí công năng

Trong tầng hầm, tầng nửa hầm:

+ Các siêu thị và trung tâm thương mại, quán ăn, quán giải khát và các gian phòng công cộng không quá tầng hầm 1

+ Điều 3.1.7 quy định đối với bệnh viện và trường phổ thông, chỉ cho phép bố trí các công năng chính từ tầng bán hầm hoặc tầng hầm 1 (trong trường hợp không có tầng bán hầm) trở lên.

– Chiều cao PCCC của nhà được phép bố trí quy định trong phụ lục H, được hiểu là phần nhà/khoang cháy có công năng tương ứng được bố trí đến đến chiều cao tương ứng: Công năng nhà trẻ được bố trí đến chiều cao an toàn PCCC 9m, các tầng cao hơn được bố trí các công năng khác như phòng ban giám hiệu, văn phòng,…tương tự đối với trường phổ thông theo quy định tại Bảng H6, công năng bệnh viện theo quy định tại H2.9,…

– Tại mục A.1.3.10 điểu chỉnh kho cất giữ hàng có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ trên giá đỡ có chiều cao giá đỡ để hàng trên 5,5 m phải được bố trí trong nhà 1 tầng có bậc chịu lửa I đến IV và cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà S0 (không cho phép bố trí trong tầng 1 của nhà nhiều tầng);

Khi bố trí trong nhà kho nhiều tầng thì chiều cao giá đỡ để hàng phải thấp hơn 5,5 m.

3. Đường giao thông dành cho xe chữa cháy

Đường cho xe chữa cháy phải bảo đảm chiều rộng tối thiểu 3,5m, do đó đối với đường nhỏ, hẹp, chiều rộng

Đối với nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.3 có chiều cao PCCC trên 15m, yêu cầu chiều dài bãi đỗ phải tiếp cận toàn bộ 01 mặt nhà thì mặt này phải có các điểm tiếp cận được vào nhà như lỗ thông trên tường ngoài, cửa sổ, cửa ban công, logia, các tấm tường lắp kính và các tấm cửa có thể mở được từ bên trong và bên ngoài.

Quy định đối với nhà hoặc phần nhà phải có chiều dài của bãi đỗ xe chữa cháy bằng “toàn bộ chu vi” tại Bảng 15, Bảng 16 QCVN 06:2021/BXD được điều chỉnh thành “bao quanh mặt bằng nhà”, nghĩa là cho phép không phải đi theo đường biên của toàn bộ mặt bằng nhà nhưng bãi đỗ xe chữa cháy phải được bố trí để khoảng cách đo theo phương nằm ngang từ mép gần nhà hơn của bãi đỗ đến điểm giữa của lối vào từ trên cao không gần hơn 2m và không xa quá 10m quy định tại Điều 6.2.3 QCVN 06:2022/BXD.

Tại những địa phương chưa có đủ điều kiện hạ tầng giao thông công cộng và cấp nước chung theo quy định của quy chuẩn này, Công an các địa phương phối hợp với cơ quan quản lý về xây dựng chủ động tham mưu, đề xuất nội dung triển khai ban hành quy định liên quan đến các thông số kỹ thuật để thiết kế, cấu tạo đường cho xe chữa cháy và bãi đỗ xe chữa cháy phù hợp với các đặc điểm của phương tiện chữa cháy tại địa phương theo quy định tại Điều 6.1, Điều 7.4 của QCVN 06:2022/BXD.

Thiếu tá Đặng Minh Tuấn
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích