Một số kết quả đạt được khi triển khai áp dụng ISO 22301:2019 tại doanh nghiệp

Hệ thống quản lý kinh doanh liên tục theo ISO 22301 sẽ bảo vệ doanh nghiệp bằng cách đưa ra các biện pháp chủ động nhằm giảm xác suất xảy ra sự cố đến mức thấp nhất có thể và thực hiện các quy trình giảm thiểu để quản lý sự cố theo những cách có thể chấp nhận được. Điều này có nghĩa là khi sự cố xảy ra, các biện pháp được thực hiện kịp thời, những người liên quan được đào tạo và trao quyền để thực hiện các hành động cần thiết nhằm giảm thiểu tác động của sự cố một cách hiệu quả. Các hành động này sẽ được thể hiện cụ thể thông qua các kế hoạch kinh doanh liên tục mà doanh nghiệp bạn phải xây dựng, áp dụng có hiệu lực.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của tính liên tục kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia triển khai áp dụng hệ thống quản lý ISO 22301:2019 theo nhiệm vụ “Nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý An toàn và sức khoẻ nghề nghiệp ISO 45001 và Hệ thống quản lý Kinh doanh liên tục ISO 22301 cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam” và đạt được một số kết quả bước đầu nhất định.

Về khoa học và công nghệ, doanh nghiệp chứng tỏ được khả năng quản lý rủi ro, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh khi có sự cố thông qua việc ứng phó, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với mục tiêu thời gian phục hồi và khả năng chấp nhận của chính doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Về kinh tế – xã hội và môi trường: Thông qua áp dụng ISO 22301, doanh nghiệp chủ động đối với các điểm yếu, rủi ro gây gián đoạn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này góp phần ổn định việc làm cho người lao động, cắt giảm chi phí trực tiếp và gián tiếp do việc gián đoạn, duy trì năng suất, bảo vệ và nâng cao uy tín của doanh nghiệp cũng như đóng góp một phần cho việc bền vững trong chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, việc áp dụng hệ thống quản lý kinh doanh liên tục cũng góp phần nâng cao nhận thức của người lao động về tính liên tục trong kinh doanh. Trang bị cho người lao động năng lực ứng phó kịp thời và hiệu quả trong các sự cố, tình huống khẩn cấp, nâng cao tính sẵn sàng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Điển hình, Công ty Cổ phần Bình Vinh đã quan tâm và tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai áp dụng ISO 22301 cho hoạt động sản xuất nước uống đóng chai. Ngoài vấn đề chung của một hệ thống quản lý ISO, Công ty đã thực hiện phân tích tác động kinh doanh, đưa ra các chiến lược và giải pháp để kiểm soát sự cố, tác động lớn ảnh hưởng đến công ty. Kế hoach kinh doanh liên tục là kết quả cốt lõi của quá trình triển khai ISO 22301 tại Công ty.

Sau hơn một năm triển khai áp dụng ISO 22301:2019, thông qua cách đánh giá cho điểm đối với 20 tiêu chí liên quan đến áp dụng hệ thống quản lý ISO 22301 tại Công ty, điểm đánh giá trước và sau khi áp dụng tăng lên từ 48/100 đến 81/100 điểm. Các tiêu chí đánh giá, kết quả ban đầu đạt được thể hiện qua Hình 1 như sau:

Hình 1: Kết quả đánh giá việc áp dụng ISO 22301 tại Công ty Cổ phần Bình Vinh.

Một số kết quả tích cực ban đầu khi triển khai áp dụng Hệ thống quản lý ISO 22301:2019 tại Công ty Cổ phần Bình Vinh được thể hiện như sau:

Một là, đã xây dựng, áp dụng, duy trì hệ thống tài liệu, hồ sơ đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn ISO 22301:2019 và phù hợp với yêu cầu quản lý của công ty về kinh doanh liên tục. Hệ thống quản lý kinh doanh liên tục của công ty đã được Công ty TNHH Bureau Veritas Việt Nam thực hiện đánh giá và cấp giấy chứng nhận phù hợp ISO 22301:2019;

Hai là, đã xây dựng được 06 Kế hoạch kinh doanh liên tục liên quan đến sự cố gián đoạn đối với hoạt động sản xuất nước uống đóng chai;

Ba là, việc thực hiện luyện tập các kịch bản/tình huống khẩn cấp giúp cán bộ nhân viên Công ty hiểu rõ hơn, thực hiện thông thạo hơn về ứng phó, phục hồi sự cố gián đoạn tại nhà máy sản xuất;

Bốn là, nâng cao nhận thức của cán bộ nhân viên về kinh doanh liên tục, góp phần nâng cao văn hoá sẵn sàng trong Công ty;

Năm là, việc đạt chứng nhận ISO 22301:2019 giúp Công ty nâng cao danh tiếng, tăng lợi thế cạnh tranh và mang lại lòng tin cho khách hàng, nhà cung cấp, các bên quan tâm về khả năng quản lý rủi ro và ứng phó, phục hồi sau sự cố trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trần Khánh Vũ, Dương Thị Bích Trang – Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 2

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích