Một số giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tập trung chủ yếu ở 3 lĩnh vực chính: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi (CO2e) chiếm 50%; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e chiếm 13%.
Các nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam bao gồm: thâm canh nông nghiệp không bền vững; tỷ lệ phân bón và mức độ sử dụng nước cho tưới tiêu cao; quản lý không đúng cách các tàn dư lúa như rơm rạ, trấu; sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong canh tác…
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi gồm 2 nguồn chính: Khí mê tan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật. Với quy mô đàn gia súc 28 triệu con lợn, xấp xỉ 9 triệu con trâu, bò và hơn 520 triệu con gia cầm, hiện mỗi năm ngành chăn nuôi thải ra môi trường khoảng 73 triệu tấn thải rắn; 25 – 30 triệu khối chất thải lỏng… Tuy nhiên chỉ khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng trên được xử lý trước khi thải ra môi trường. Trong đó, các loài động vật nhai lại như trâu, bò, cừu, chiếm đến 80% tổng lượng phát thải khí thải nhà kính trong chăn nuôi.
Phát thải khí nhà kính là một trong những nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu trên toàn cầu – một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại gia và an ninh.
Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.
Ngày 28/4/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1693/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí metan) đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đến năm 2030, đảm bảo tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính là 121,9 triệu tấn CO2tđ (không bao gốm lượng giảm phát thải khí nhà kính từ sử dụng năng lượng trong sản xuất).
Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt: mở rộng việc áp dụng công nghệ tưới khô ướt xen kẽ (AWD) và canh tác lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng (3G3T), 1 phải 5 giảm (1P5G) và rút nước giữa vụ trong canh tác lúa nước phù hợp từng vùng sinh thái nông nghiệp; thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang lúa thủy sản (lúa – cá, lúa – tôm) và sang cây trồng cạn nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp điều kiện cụ thể của từng địa phương…
Trong lĩnh vực chăn nuôi sẽ tiến hành cải thiện khẩu phần thứ ăn cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt; cải thiện chất lượng khẩu phần ăn cho trâu và dê; tái sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ… Cùng với đó, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi; phục hồi (trồng mới) rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Nâng cao năng suất và trữ ượng carbon của rừng trồng gỗ lớn. Nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng carbon và bảo tồn đất.
Cùng với đó, thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050”, với mục tiêu “Xây dựng nền nong nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính …”.
Tuyết Hoa – Vụ Tiêu chuẩn