Một số giải pháp đẩy lùi “ô nhiễm trắng” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Một số giải pháp đẩy lùi “ô nhiễm trắng” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

MTĐT –  Thứ hai, 29/11/2021 16:59 (GMT+7)

Ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon hay còn gọi là “ô nhiễm trắng”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người.

Việc kiểm soát rác thải nhựa và túi nilon đang trở thành vấn đề môi trường cấp bách hiện nay. Để giảm thiểu “ô nhiễm trắng” cần nhiều giải pháp đồng bộ, lâu dài và thay đổi thói quen của cộng đồng. Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã quan tâm giải quyết vấn đề này.

tm-img-alt

Tác hại ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa và túi nilon

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon đang rất nghiêm trọng và đáng lo ngại. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm, chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất 4 lần, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số đó được xử lý và tái chế.

Ở Việt Nam, các sản phẩm làm bằng nhựa và túi nilon đã trở thành những vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, các sản phẩm từ nhựa và túi nilon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, nhất là những thành phố lớn. Đáng chú ý là lượng túi nilon này tăng theo từng năm.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rác thải nhựa và túi nilon nếu chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước, gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài thực vật, đồng thời là nguyên nhân gây xói mòn đất, ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái trong vùng. Túi nilon còn làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ngập úng… Mặt khác, nếu đốt túi nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ và gây ung thư.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, đến 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

Phát biểu tại Lễ ra quân “Chống rác thải nhựa” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức vào ngày 09/6/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay, rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam số lượng bao bì nhựa và túi nilon sử dụng ngày càng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí và đại dương. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng, khôn lường. Theo Thủ tướng, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại về rác thải nhựa, từ nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp, người dân đến thói quen phổ biến trong sinh hoạt, sử dụng túi nilon. Vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân Việt Nam hiện tại, các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường an toàn.

Tiền Giang chung tay đẩy lùi rác thải nhựa và túi nilon

Năm 2018, Liên Hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã cam kết mạnh mẽ về việc chống rác thải nhựa. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Cùng chung nỗ lực đó, Việt Nam tích cực đề xuất các sáng kiến và tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa.

Trước thách thức về tình trạng rác thải nhựa và túi nilon, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có rác thải nhựa nói riêng. Cùng với đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại của thói quen sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa và túi nilon được đẩy mạnh. Một số địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng đã có những mô hình, sáng kiến, hành động thiết thực để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải.

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa, túi nilon, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp giảm sử dụng chất thải nhựa và túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, tăng cường các vật dụng thay thế tiến tới loại bỏ túi nilon không phân hủy. Chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước được tổ chức đồng bộ và thường xuyên ở trên địa bàn. Bên cạnh đó, phong trào thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nilon tại các chợ, siêu thị, các khu dân cư, các bãi biển của tỉnh… được triển khai sâu rộng. Qua đó, khuyến khích người tiêu dùng giảm tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa, túi nilon cũng như từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng.

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, hàng ngàn đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, trong đó tập trung vào công tác cải tạo môi trường xanh – sạch – đẹp và trồng cây xanh, tuyên truyền chống rác thải nhựa, tái chế rác thải nhựa, phân loại rác thải, hạn chế sử dụng túi nilon, bảo vệ nguồn nước. Các bạn trẻ đã tổ chức vệ sinh môi trường, xóa các điểm đen về rác thải, tập kết, xử lý nhiều tấn rác thải; phát tờ rơi tuyên truyền về chống rác thải nhựa tại các chợ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; trồng mới hàng ngàn cây xanh tại các tuyến đường liên ấp, liên xã, khu vực rừng phòng hộ, khuôn viên cơ quan, đơn vị, nghĩa trang liệt sĩ; phát quang bụi rậm nhiều tuyến đường giao thông nông thôn; chỉnh trang, tạo cảnh quan, môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp và gắn biển cho các con đường “Thanh niên kiểu mẫu”; xây dựng nhiều tuyến đường “Sáng – xanh -sạch – đẹp – văn minh – an toàn”; làm vệ sinh tại 100% trục đường liên ấp, liên xã và khuôn viên trường học, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, các cơ sở Đoàn trường học đã tổ chức tái chế các loại rác thải nhựa làm đồ chơi và đồ trang trí làm đẹp cảnh quan tại đơn vị.  Đây là dịp để tuổi trẻ Tiền Giang thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, bảo vệ cảnh quan môi trường trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay. 

tm-img-alt
Đoàn viên, thanh niên thu gom rác thải trên các tuyến đường.

Một số giải pháp đẩy lùi rác thải nhựa và túi nilon

Trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon không phân hủy có trách nhiệm của tất cả mọi người trong cộng đồng. Để giảm thiểu “ô nhiễm trắng” cần nhiều giải pháp đồng bộ, lâu dài và thay đổi thói quen của cộng đồng.

Thiết nghĩ trước tiên, các đơn vị tập trung tổ chức, xây dựng kế hoạch, lộ trình để giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa, túi nilon trong đơn vị và tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hiểu và biết về tác hại ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa và túi nilon. Hàng ngày, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hãy hành động và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện “nói không với sản phẩm nhựa và túi nilon sử dụng một lần”.

Các cơ quan hữu quan chức năng các cấp cần đề xuất và triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ Chính phủ về lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến việc giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon; tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ để thực hiện việc dự báo, cảnh báo các nguy cơ của việc quyết ô nhiễm nhựa và túi nilon; tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về môi trường, trong đó hoàn thiện các công cụ kinh tế để khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa, nilon sử dụng một lần. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật môi trường đối với vấn đề ô nhiễm bởi các sản phẩm nhựa và nilon tại các cơ quan, đơn vị.

Cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khu du lịch, dịch vụ, khách sạn… không sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích người mua sắm tự mang bao bì, túi đựng sử dụng nhiều lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, nhân dân cùng chung tay, đồng hành với chính quyền các cấp, cách ngành đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động và giám sát thực hiện, góp phần đưa các chủ trương, cơ chế chính sách về chống rác thải nhựa đi vào thực tiễn cuộc sống. Trong đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần tiếp tục phát huy vai trò xung kích, chủ động, sáng tạo, tích cực triển khai các phong trào, hoạt động sâu rộng trong thế hệ trẻ, nói không với rác thải nhựa, nhất là  duy trì “Ngày Chủ nhật xanh” gắn với phong trào chống rác thải nhựa “Ô nhiễm trắng và hành động của chúng ta”.

Từng đoàn viên, thanh niên phải là hạt nhân tiên phong trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng gia đình, cộng đồng và toàn xã hội thực hiện hiệu quả việc chống rác thải nhựa và túi nilon. Trong thời gian tới, mỗi đoàn viên, thanh niên cần gương mẫu đi đầu trong việc thay đổi thói quen của bản thân và gia đình bằng những việc làm cụ thể như: Có thùng đựng rác ngay tại gia đình; sử dụng giỏ nhựa để đi chợ; mang theo đồ đựng thực phẩm riêng khi mua đồ ăn bên ngoài; hạn chế sử dụng túi nilon trong mua bán, trao đổi hàng hóa; phân loại rác thải ngay từ nhà.

TS. Nguyễn Văn Hồng, Phân viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, cần áp dụng đồng bộ và lâu dài các giải pháp quản lý, các giải pháp kinh tế, các giải pháp khuyến khích và tuyên truyền cả ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể: Không phát không túi nilon tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn các thành phố, người tiêu dùng muốn mua phải trả giá cao; hạn chế sản xuất, mua bán và phân phối túi nilon tại các địa phương; tính phí thu gom và tái chế túi nilon cho người sản xuất… TS. Nguyễn Phúc Nghiệp, nguyên Trưởng khoa Khoa học và Xã hội nhân văn, Trường Đại học Tiền Giang, chia sẻ: Để phong trào “Phòng chống rác thải nhựa” đi vào thực chất và có hiệu quả nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường ở mức thấp nhất, điều quan trọng là các ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục duy trì và thúc đẩy “Phong trào chống rác thải nhựa” trở thành một hoạt động thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, cần thu gom, phân loại các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi xử lý, tái chế theo quy định; thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và túi nilon để thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần; xây dựng nếp tư duy mới, nhận thức mới trong sinh hoạt, tiêu dùng để giảm thiểu, hạn chế và tiến tới đẩy lùi ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Thiết nghĩ, nếu mỗi người có ý thức hạn chế tối đa việc dùng túi nilon, đôi khi hành động bảo vệ môi trường không phải là điều gì quá to tát, mà chỉ là thực hiện những việc nhỏ nhất như thay đổi thói quen dùng túi nilon chẳng hạn. Vì vậy, chúng ta cần: Sử dụng túi giấy đựng thực phẩm thay túi nilon; không mua túi nilon và hạn chế mua những sản phẩm đựng trong túi nilon; đựng nước uống trong bình hoặc lấy nước từ vòi, không sử dụng chai nhựa; tái sử dụng bật lửa bằng nhựa; sử dụng ống hút, thìa có thể dùng được nhiều lần; phân loại rác trước khi vứt, tách riêng các loại nhựa để tái chế…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích