Một số điều kiêng kỵ cần tránh khi cúng ông Công ông Táo 2024
Một số điều kiêng kỵ cần tránh khi cúng ông Công ông Táo 2024
Theo phong tục, văn hóa Việt, ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo về trời. Vào ngày này, các gia đình Việt luôn chuẩn bị mâm cỗ, vàng mã để tiễn đưa ông Táo về trời.
Cúng ông Công ông Táo là một phong tục quan trọng vào ngày 23 tháng Chạp, khi ông Táo về trời. Để đảm bảo sự tôn trọng và thuận lợi trong việc cúng, có một số điều kiêng kỵ cần tuân thủ.
Không cúng quá sớm
Theo các chuyên gia phong thủy, không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm. Đặc biệt là tuyệt đối không cúng ông táo vào ngày Rằm tháng Chạp (15 tháng Chạp âm lịch). Gia đình nên cúng sớm nhất là từ ngày 20 đến ngày 23 tháng Chạp.
Theo truyền thống, gia chủ không nên bao sái, rút tỉa chân nhang, dọn dẹp không gian thờ cúng và bàn thờ trước khi cúng ông Công ông Táo.
Phải cúng ông Công ông Táo xong mới nên làm việc này.
Không cúng sau 12 giờ ngày 23
Sau 12 giờ trưa ngày 23 là thời điểm các ông Công ông Táo đã về trời.
Lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, tức là trước 12 giờ vì vậy tùy theo điều kiện thời gian, công việc của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.
Không đặt mâm cúng dưới bếp
Nhiều gia đình cho rằng ông Táo là vị thần bếp nên sẽ đặt mâm cỗ cúng và đồ lễ cúng ở bếp là đúng nhất.
Tuy vậy các chuyên gia nghiên cứu tâm linh cho rằng, việc đưa ra ý kiến hướng dẫn cúng ông Táo như vậy là không đúng với phong tục cũng như các quy tắc thờ cúng từ nhiều đời nay của dân tộc. Việc cúng, thờ phụng đều phải ở trên bàn thờ chính của gia đình.
Không thả cá chép từ trên cao xuống
Cá chép là phương tiện để Táo Quân về trời được xem như là biểu tượng của thần linh chính vì vậy các gia đình thả cá chép từ trên cao xuống hay bọc cá chép trong bao nilon rồi thả xuống được xem như là hành động thô bạo, mất ý nghĩa tâm linh, thậm chí còn là tội lỗi.
Khi thả, nên dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nylon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra.
Hoặc bạn đặt cá vào lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước. Cần thao tác nhẹ nhàng nhưng nhanh gọn. Không được đứng trên thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống.
Không cúng lễ vật cầu kì
Việc cúng ông Công ông Táo là một nghi lễ thiêng liêng, chủ yếu là ở sự thành tâm của gia chủ, vì thế lễ vật cúng không cần quá cầu kỳ, xa xỉ.
Nếu cúng quá cầu kỳ rất tốn kém cho gia chủ, nên chuẩn bị lễ vật phù hợp với điều kiện của gia đình.
Không cúng khi gia chủ mang thai
Một trong những quy định quan trọng khi thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo là tránh cúng khi gia chủ đang mang thai. Theo quan niệm dân gian, việc này được coi là không may mắn và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi và người mẹ.
Trong thời kỳ mang thai, người phụ nữ thường rất nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi năng lượng xung quanh. Việc thực hiện các hoạt động linh thiêng như cúng ông Công ông Táo có thể tạo ra những yếu tố năng lượng không tích cực, ảnh hưởng đến tâm linh của thai nhi và người mang thai.
Tốt nhất gia chủ nên chọn thành viên khác trong gia đình để thực hiện lễ cúng.
Yên Hoà (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị