Một số cách thiết kế để bảo vệ ngôi nhà trong mùa mưa bão

(Xây dựng) – Những năm trở lại đây, mùa mưa bão đến với diễn biến khó lường, đây cũng chính là thời điểm dễ xảy ra những sự cố gây thiệt hại về người và của. Do vậy, người dân cần chú ý thiết kế bảo vệ ngôi nhà, giảm thiểu thiệt hại.

Một số cách thiết kế để bảo vệ ngôi nhà trong mùa mưa bão
Ảnh minh họa.

Lên kế hoạch trước khi xây dựng

Bên cạnh việc chuẩn bị kinh phí, nếu căn nhà của bạn nằm ở khu vực thường xuyên có bão đổ bộ, hãy tính toán kỹ từ khi thiết kế. Việc lựa chọn địa điểm là nguyên tắc quan trọng và mang yếu tố tiên quyết trong xây dựng nhà chống bão.

Bạn cần lựa chọn những khu vực khuất gió để bắt đầu thiết kế. Tuyệt đối không xây dựng tại những nơi trống trải hay những địa điểm có hướng gió biển hoặc gió của hồ nước lớn.

Để tránh tạo luồng gió xoáy và túi gió, cần thiết kế căn nhà thành các cụm, so le nhau, tuyệt đối không xây dựng theo đường thẳng. Khuôn nhà thiết kế hình chữ nhật là phù hợp nhất, nên để chiều dài có tỉ lệ gấp 2,5 chiều rộng. Bạn cũng nên tránh thiết kế nhà chữ T hoặc chữ U.

Bảo vệ mái nhà

Trong các cơn bão, sự cố tốc mái nhà thường xuyên xảy ra. Vì vậy, nếu nhà trong khu vực hay đón bão, hãy xây dựng phần mái cứng cáp, chống chịu tốt các tác động ngoại lực.

Trong trường hợp xây dựng mái hiên, thì lời khuyên cho bạn là nên thiết kế mái hiên rời để tránh ảnh hưởng trực tiếp đến phần mái chính của căn nhà. Hoặc tốt nhất là sử dụng chất liệu bê tông, cốt thép làm mái hiên thật kiên cố.

Để tránh tốc mái nhà, bạn có thể cố định lại các góc của mái nhà, sử dụng ke chống bão, vít chặt lại hệ thống mái tôn vào khung nhà hoặc tăng trọng lượng của mái nhà bằng bao cát… khi bão đổ bộ.

Bạn nên xây dựng phần mái nhà chính có độ dốc hợp lý vào khoảng 30 độ, với phần chìa ra ngoài của mái thì cần tính toán chỉ để nhỏ hơn 50cm với loại nhà có trần và nhỏ hơn 30cm với loại nhà không có trần.

Chất lượng vật liệu

Nằm trong vùng đón bão, ngôi nhà của bạn có thể rơi vào tình trạng bị ngập nước. Vì vậy, móng hay tường nhà bạn đều cần chú trọng xây dựng.

Bạn cần thiết kế phần móng sao cho phần kết cấu này có khả năng chịu đủ lực tác động. Móng phải chắc chắn để níu giữ kết cấu cho căn nhà, kết cấu móng luôn chú ý đảm bảo sự khô ráo, giúp vật liệu không bị hư hỏng do tình trạng ngập lụt gây nên.

Nếu ở khu vực thường xuyên ngập lụt, bạn cũng có thể tham khảo mẫu nhà chống lũ lụt (hay nhà chống ngập). Đây là kiểu nhà được thiết kế và xây dựng để thích ứng với mưa lũ, làm giảm bớt những tác động tiêu cực từ thiên tai đến đời sống người dân. Nhà chống lũ hiện nay có ba loại chính, đó là: Nhà kê nền, nhà phao và nhà có gác.

Bên cạnh đó trước cơn bão bạn nên di dời đồ đạc có giá trị và những tài sản quan trọng có thể bị phá hoại do ngập lụt. Ngoài việc di dời tài sản, bạn nên chú ý đến cây xanh trong vườn, đặc biệt là những cây lớn có nguy cơ gãy, bật rễ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích