Một sáng ra khơi của ngư dân “làng tỷ phú”
Một sáng ra khơi của ngư dân “làng tỷ phú”
Bình minh vừa lên ở bãi ngang xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) cũng là lúc thuyền bè ngư dân trở về sau chuyến ra khơi mang theo đầy ắp hải sản cùng nụ cười hiền trên gương mặt người dân nơi “làng giàu nhất xứ Nghệ”.
3h sáng, khi biển bãi ngang Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang yên bình không một bóng người cũng là lúc ngư dân Cương Gián buông lưới, dong thuyền sửa soạn cho những chuyến ra khơi.
Tàu thuyền, ngư cụ được chuẩn bị kỹ lưỡng tối hôm trước. Từ đất liền, họ sẽ giong thuyền vươn khơi tầm 3 – 5 hải lý, mang theo khát vọng về một chuyến đánh bắt bội thu
Với người dân Cương Gián, biển luôn rộng mở với nguồn lợi thuỷ sản tràn đầy. Những người dân sở tại cho hay, họ chỉ cần có sức khoẻ, chịu khó chịu thương, các thế hệ gia đình ngư dân bám biển như họ sẽ không bao giờ lo thiếu đói.
Sau vài giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, những ngư dân kéo lưới trở về, mang theo cá, ghẹ đầy khoang
Thời tiết thuận lợi, những con thuyền trở lại đất liền với đầy ắp sản vật tươi ngon từ biển cả
Nụ cười “được mùa” trên những gương mặt ngư dân lam lũ. Mỗi chuyến ra khơi vỏn vẹn vài giờ đồng hồ, một thuyền của ngư dân có thể thu hoạch vài tạ cá, ghẹ,… mang về 4 – 5 triệu đồng.
Thương lái thường trực tại biển hóng thuyền về chờ thu mua hải sản để mang đi các khu chợ tại Hà Tĩnh, Nghệ An
Dân bản địa cũng có mặt tại biển từ sớm để chọn lựa mẻ hải sản ưng ý nhất
Chị Lê Thị Lan vượt quãng đường gần 30 km từ TP.Vinh (Nghệ An) tìm về Cương Gián từ tờ mờ sớm để mua hải sản cho gia đình. Chị cho biết, hải sản xứ này tươi ngon nức tiếng, gia đình chị ai cũng thích
Một gia đình từ huyện Cẩm Xuyên cách hơn 60km tìm về Cương Gián trải nghiệm du lịch sinh thái, thưởng thức hải sản thơm ngon
Ông Hoàng Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết, với hơn 3.000 con em đang đi xuất khẩu lao động tại nhiều nước trên thế giới, địa phương tuy được mệnh danh là “làng tỷ phú”, “làng giàu nhất xứ Nghệ” nổi tiếng khắp cả nước, nhưng nghề đi biển vẫn là một nét đẹp riêng có từ ngàn xưa, là “cần câu cơm” truyền thống cho cuộc mưu sinh của nhiều thế hệ gia đình.