Một giờ với tổ vớt rác ven bờ Hạ Long

Một giờ với tổ vớt rác ven bờ Hạ Long

Một giờ đồng hồ đồng hành với Tổ vớt rác ven bờ vịnh Hạ Long thuộc Công ty Cổ phần Thương mại Phúc Thành (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), chúng tôi được chứng kiến công việc thầm lặng nhưng rất ý nghĩa của những người công nhân vớt rác.

Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long là món quà thiên nhiên ban tặng cho Quảng Ninh, là điểm đến hấp dẫn đối với đông đảo người dân Việt Nam và du khách quốc tế. Tuy nhiên, trước mặt trái phát triển kinh tế – xã hội và trước ý thức của một bộ phận người dân, du khách, vịnh Hạ Long cũng thường xuyên đối mặt với nạn rác thải trên biển. Để “viên ngọc quý giữa biển khơi” luôn xanh sạch, xứng tầm với danh hiệu UNESCO trao tặng, những người công nhân vớt rác trên biển đã hằng ngày miệt mài làm việc dù trong bất cứ điều kiện thời tiết nào.

img_3330.jpg
Thành viên Tổ công nhân ven bờ đang thực hiện thu gom rác trên Vịnh Hạ Long
tm-img-alt

“Với tình trạng rác thải “bủa vây” mọi mặt trận trong thành phố, nhất là trôi dạt trên biển, tôi đã cùng Tổ thu gom rác của mình làm việc mỗi ngày 8 tiếng để vớt rác trên biển và đưa lên bờ mang đi xử lý…” – Ông Trần Văn Hiền – Tổ trưởng Tổ thu gom rác ven bờ vịnh Hạ Long thuộc Công ty Cổ phần Thương mại Phúc Thành

Ông Trần Văn Hiền cho biết, công việc của Tổ vớt rác ven bờ Hạ Long bắt đầu từ khoảng 6 giờ sáng cho tới 7 giờ tối. Trước đây, lượng rác trôi nổi trên biển khá nhiều, một phần do người dân nuôi thủy sản trên biển, một phần do các tàu đánh bắt cá, tàu du lịch vứt rác xuống biển, một phần rác từ đất liền lọt qua các công ngăn rác trôi ra, một lượng rác khác theo gió và dòng hải lưu đưa đến.

img_3283.jpg
Tổ công nhân đưa thuyền vào bờ tiến hành công đoạn thu gom rác

Thời gian gần đây, việc Quảng Ninh “xóa” phao xốp trong hoạt động nuôi thủy sản trên biển đã hạn chế được phần nhiều lượng rác thải nhựa. Tuy nhiên, hiện tượng rác trôi nổi trên biển vẫn còn. Vì thế, Tổ thu gom rác ven bờ phải thường xuyên làm việc liên tục trong ngày để khắc phục tình trạng trên.

Để đảm bảo cảnh quan, môi trường vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương xử lý triệt để tình trạng nuôi trồng thuỷ sản không đúng quy định tại các khu vực ven bờ và phụ cận vịnh Hạ Long.

Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo tháo dỡ, di dời các lồng bè nuôi trồng thủy sản không đúng vị trí được quy hoạch, đối với các lồng bè tại các vị trí được quy hoạch nuôi trồng phải thực hiện việc chuyển đổi vật liệu nuôi trồng thuỷ sản từ phao xốp sang các vật liệu bền vững khác, thân thiện môi trường.

Có thể thấy, việc chỉ đạo trong bảo vệ môi trường của Quảng Ninh đã được thực hiện quyết liệt, phần còn lại chính là nằm ở ý thức của người dân.

Theo quan sát của PV Báo TN&MT, Tổ thu gom rác ven bờ Vịnh Hạ Long bắt đầu hoạt động từ sáng đến đầu giờ chiều, với công việc nhặt rác trên bờ trôi xuống biển và các rác thải khác trôi dạt vào ven bờ… Theo đó, ngày biển lặng, rác sẽ trôi tản mạn xung quanh các khu vực thuyền đến. Tổ thu gom sẽ đưa các thuyền nan nhỏ, phân ra từng khu vực ven bờ để đi đến vớt rác, bằng những cây vợt đóng lưới, điều này vừa giúp vớt được các loại rác có kích thước lớn, vừa giúp những rác nhỏ không bị lọt xuống biển.

Ngoài Tổ thu gom rác ven biển, còn có một Tổ thu gom rác ngoài khơi, nơi dẫn đến khu vực động Thiên Cung, hòn Cặp Táo, hang Đầu Gỗ, đảo Ti Tốp,… Được biết, “nghề” này không có ngày nghỉ. Kể cả nắng, mưa giông gió, các “chiến sĩ thầm lặng của biển” vẫn không ngơi tay, bám biển ngày đêm để gìn giữ môi trường ngày một xanh – sạch – đẹp.

img_3519.jpg
Tổ thu gom rác ngoài khơi do Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phụ trách

Qua một giờ đồng hồ lao động, rất nhiều rác thải được Tổ thu gom rác ven bờ gom nhặt, vớt đưa lên thuyền. Hầu hết là các hộp nhựa, đệm xốp, hộp sữa, vỏ bao bì, túi nilon, các chất thải nhựa, rong rêu và cả những xác động vật chết,… Các “chiến lợi phẩm” thu về khá “đa dạng” và được Tổ thu gom thực hiện phân loại ngay sau khi cập bến để đưa đến bãi tập kết Vũ Oai, từ đó trung chuyển ra nhà máy xử lý rác trên địa bàn thành phố.

Sau một giờ lênh đênh, thu gom rác ngoài biển, những “chiến sĩ thầm lặng” đã hoàn thành nhiệm vụ mà biển cả “giao phó”. Biển đã được làm sạch đến độ có thể nhìn thấy từng đàn cá tung tăng bơi lội.

img_3368.jpg
Những chú cá tung tăng bơi lội trên Vịnh Hạ Long

Công việc đầy sự hy sinh và những gian lao của Tổ thu gom ven bờ Vịnh Hạ Long đều trở nên thật xứng đáng. Vịnh đã gọn gàng, xinh đẹp hơn, góp phần mang về màu xanh của biển, mang lại môi trường sống trong lành cho các sinh/động vật dưới biển,… để Hạ Long ngày càng trở nên tươi đẹp trong mắt chính người dân Việt Nam và cả trong lòng bạn bè quốc tế đến thăm Vịnh.

Ông Trần Văn Hiền – Tổ trưởng Tổ thu gom rác ven bờ vịnh Hạ Long thuộc Công ty Cổ phần Thương mại Phúc Thành đã thổ lộ rằng: “Mình là người con của biển, mình rất muốn gắn bó với nghề môi trường này để làm cho biển luôn luôn được xanh – sạch – đẹp…”

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích