Mong ước đầu Xuân của các nhà khoa học trẻ

Mong ước đầu Xuân của các nhà khoa học trẻ

Các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau kỳ vọng vào sự đổi mới chính sách quản lý khoa học, thúc đẩy chuyển giao công nghệ linh hoạt và cởi mở hơn.

Các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Dược học, Sinh thái độc tố học, Sức khỏe môi trường và Tương tác người máy đều đang đặt nỗ lực vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội. Và họ cũng kỳ vọng vào đổi mới chính sách quản lý khoa học, thúc đẩy chuyển giao công nghệ linh hoạt và cởi mở hơn.

tm-img-alt
Năm 2023, TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh vừa được công nhận đạt chuẩn chức danh PGS, trở thành PGS ngành Dược học trẻ nhất của năm qua ở tuổi 37. Nguồn: USTH

“Tôi đang ấp ủ một số dự án nghiên cứu xoay quanh việc ứng dụng các kĩ thuật phân tích hiện đại trong đảm bảo chất lượng dược liệu và vị thuốc cổ truyền. Người Việt Nam sở hữu một rừng cây thuốc, với hơn 5.000 loài thảo mộc có thể dùng để chăm sóc sức khỏe, thế nhưng chúng ta còn chưa khai thác, chế biến và sử dụng chúng để làm thuốc một cách hiệu quả. Để Việt Nam có thể phát minh một loại thuốc từ nguồn cây thuốc như được kỳ vọng trong chiến lược phát triển ngành Dược đến 2045, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa các nghiên cứu cơ bản để xác định chất mang hoạt tính từ cây thuốc, vị thuốc với tác dụng sinh học phù hợp với mô hình bệnh tật mới của Việt Nam, dẫn đến các nghiên cứu về tiêu chuẩn hóa dược liệu, đảm bảo chất lượng dược liệu theo hàm lượng hoạt chất, đến công nghệ chiết xuất hoạt chất từ dược liệu.

Ngoài ra, tôi thấy việc áp dụng các kĩ thuật phân tích này có nhiều tiềm năng trong nghiên cứu chẩn đoán sớm các bệnh hiểm nghèo như ung thư. Ở USTH, tôi rất may mắn được làm việc trong các phòng thí nghiệm hiện đại và đồng bộ không kém gì các phòng thí nghiệm ở nước ngoài. Chính vì thế, tôi xác định mình cần cố gắng hơn nữa để có thể khai thác hiệu quả cơ sở vật chất thí nghiệm của nhà trường và góp phần tăng cường tiềm lực nghiên cứu của nhóm mình.

Nhưng hoạt động nghiên cứu có bản chất là thử nghiệm, khách quan và có thể có rủi ro; trong khi đó, việc quản lý đề tài dự án nghiên cứu các cấp còn chưa thật linh động. Bởi vậy, tôi mong đợi các giải pháp từ các bộ ban ngành liên quan để nhà khoa học chúng tôi, đặc biệt là những nhà khoa học trẻ, đang ở độ tuổi nhiệt huyết và đam mê, được thỏa chí sáng tạo và tập trung vào việc nghiên cứu của mình”.

PGS.TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh
Phó Trưởng khoa Khoa học Sự sống, Trường ĐH KH&CN Hà Nội (USTH)

tm-img-alt
PGS.TS Mai Hương

“Hiện nay môi trường của chúng ta – bao gồm cả đất, nước và không khí – bị ô nhiễm bởi rất nhiều các loại chất độc hại/nguy hại do các hoạt động của con người thải ra. Bởi vậy việc nghiên cứu đánh giá các mức độ ảnh hưởng của các chất độc hại tới sinh vật trong môi trường từ mức độ phân tử (molecular level), cá thể (individual) đến quần thể (population), quần xã (community) và hệ sinh thái (ecosystem) là vô cùng quan trọng để có thể xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ngưỡng độc hại của các chất ô nhiễm.

Trên thế giới, nhiều tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường đã dựa trên các kết quả nghiên cứu về sinh thái độc tố học (Ecotoxicology study) của các nhà khoa học để xây dựng cơ sở dữ liệu về ngưỡng nồng độ gây độc hại (LC50, EC50) của các chất ô nhiễm hay hóa chất độc hại tới các sinh vật trong môi trường, ví dụ như các chất kim loại nặng đến các loại hợp chất hữu cơ khác nhau… và hằng năm liên tục cập nhật cơ sở dữ liệu này cho các chất độc hại mới phát hiện trong môi trường.

Tuy nhiên, nghiên cứu về sinh thái độc tố học cho các chất ô nhiễm chưa được thực hiện nhiều ở các điều kiện môi trường ô nhiễm thực tế của Việt Nam, do số lượng các nhà khoa học về độc tố học còn hạn chế so với các lĩnh vực nghiên cứu khoa học khác. Việt Nam cũng chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về ngưỡng độc hại của các chất ô nhiễm như các nước châu Âu, Mỹ hay Úc, đặc biệt là cơ sở dữ liệu cho các chất ô nhiễm độc hại mới phát hiện trong môi trường gần đây như dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu thế hệ mới, hoặc các hợp chất hữu cơ mới như PFOA, PFOS, PFAS, PFCA hay vi nhựa.

Ngay khi còn học đại học, mặc dù học về chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản, nhưng tôi luôn quan tâm tới chất lượng môi trường phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và sau này, khi học cao học Úc và làm nghiên cứu sinh ở Pháp, tôi có cơ hội tiếp cận hướng nghiên cứu về độc tố học thông qua các thử nghiệm sinh học.

Trở về Việt Nam, những ngày đầu, tôi thực sự cảm thấy lo lắng liệu mình có thể áp dụng những phương pháp nghiên cứu đã học trong thời gian làm nghiên cứu sinh cho môi trường Việt Nam hay không vì tôi nhận thấy rất ít các nhà khoa học nghiên cứu về độc tố học thông qua các thử nghiệm sinh học.

Thật may mắn USTH đã hỗ trợ tôi đặt viên gạch đầu tiên nghiên cứu về độc tố học của thuốc trừ sâu ở vùng cửa sông Bạch Đằng đối với ngao và từ đó, tôi có cơ hội nhận hỗ trợ kinh phí cho các nghiên cứu độc tố học của một số chất ô nhiễm khác nhau (như kim loại nặng, thuốc kháng sinh, vi nhựa…) từ các tổ chức tài trợ nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.

Trong quá trình triển khai các nghiên cứu của mình, tôi luôn tìm kiếm các đối tác, nhà khoa học có cùng hướng nghiên cứu độc tố học thông qua các thử nghiệm sinh học. Và sau gần 10 năm nghiên cứu và giảng dạy ở USTH, một số nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đại học đã tham gia thực hiện các nghiên cứu cùng với tôi. Tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục đồng hành cùng tôi trong thời gian tới như là đồng nghiệp hay đối tác, từ đó có thể hình thành đội ngũ nghiên cứu độc tố học chuyên nghiệp để cùng nhau hướng tới xây dựng môi trường xanh và bền vững trong tương lai cho cộng đồng và xã hội”.

PGS.TS. Mai Hương
Phó Trưởng khoa Nước – Môi trường – Hải dương học, trường ĐH KH&CN Hà Nội (USTH)

tm-img-alt
TS. Nguyễn Thị Trang Nhung

“Là một nhà dịch tễ học, tôi thường xuyên tham gia thực hiện với những đề tài nghiên cứu và phân tích số liệu y sinh, trong đó có các nghiên cứu quốc gia về điều tra chấn thương và đánh giá gánh nặng bệnh tật Việt Nam. Những năm gần đây, tôi quan tâm đến ô nhiễm không khí và đang dẫn dắt một nhóm nghiên cứu về đánh giá tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe.

Đây là một con đường mà tôi nghĩ rằng sẽ rất dài để đi và rất nhiều việc phải làm để có được những đề xuất chính sách dựa trên bằng chứng. Hiện nhóm nghiên cứu của chúng tôi, vốn quy tụ nguồn nhân lực từ Trường Đại học Y tế Công cộng và Bệnh viện Nhi Trung ương, đang sử dụng các phương pháp và công nghệ mới để cung cấp nhiều bằng chứng hơn về tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe người dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em. Từ năm 2021, chúng tôi đã chuyển giao các phương pháp đánh giá tác động sức khỏe (Health Impact Assessment) cho Sở Y tế các địa phương thông qua các khóa tập huấn do Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế) triển khai. Hiện nay, chúng tôi đang hợp tác với các chuyên gia trong nước và quốc tế để chuẩn hóa các phương pháp đánh giá tác động sức khỏe cho điều kiện Việt Nam và các can thiệp thử nghiệm nhằm hạn chế tác động của ô nhiễm lên sức khỏe.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã tập trung vào việc cải thiện hệ thống giám sát ô nhiễm không khí, sử dụng công nghệ tiên tiến để đo lường chất lượng không khí một cách chính xác và nhanh chóng. Điều này bổ sung dữ liệu rất lớn cho chúng tôi. Ngoài ra, chương trình giáo dục cộng đồng cũng được thúc đẩy để tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và ô nhiễm không khí. Trong năm mới, chúng tôi hy vọng nhận được sự hỗ trợ về chính sách cho các nghiên cứu liên quan đến sức khỏe môi trường; cũng như kỳ vọng thấy các kết quả nghiên cứu được sử dụng trong việc lập chính sách của Việt Nam trong quá trình thực hiện cam kết phát thải ròng về 0.

Năm 2024 sẽ là năm thế giới vào cuộc chiến chống ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu toàn cầu sau COP 28. Do đó, tôi mong Việt Nam chúng ta cũng làm được những điều khả thi để bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em, để tất cả cùng được thở một bầu không khí sạch hơn và hạnh phúc hơn”.

TS. Nguyễn Thị Trang Nhung
Viện đào tạo và nghiên cứu sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung Ương – Bộ môn Thống kê y tế, Trường đại học y tế công cộng

tm-img-alt
PGS.TS. Lê Thanh Hà

Lĩnh vực tương tác giữa con người và máy móc đang ngày càng phát triển và đi vào cuộc sống. Từ điện thoại thông minh, màn hình cảm ứng đến cánh tay robot, khả năng giao tiếp với máy móc đang thay đổi cuộc sống của chúng ta. Đó là cơ hội để phòng thí nghiệm HMI có thể nỗ lực đem lại nhiều đóng góp cho lĩnh vực tương tác người máy.

Trong 15 năm qua, chúng tôi đã tập trung phát triển các giải pháp AI và dữ liệu lớn dựa trên dữ liệu thu thập được từ các hoạt động thể chất của con người (cử chỉ, ánh mắt, điện não) và các hoạt động xã hội khác (hình ảnh, video, tương tác trên mạng xã hội). Mục đích của chúng tôi là phát triển các phương thức giao tiếp tự nhiên hơn giữa con người với máy móc, có khả năng tích hợp liền mạch vào cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn chuyển đổi những kết quả nghiên cứu này thành sản phẩm trên thị trường.

Từ năm 2020, phòng thí nghiệm HMI đã triển khai các sản phẩm mà mình tự sáng chế ra, bao gồm hệ thống BLife hỗ trợ người bệnh ALS giao tiếp với mọi người thông qua việc đọc chuyển động mắt; bộ công cụ Trealet.comvà Disanso.vn giúp các phòng trưng bày, thư viện, kho lưu trữ, viện bảo tàng lưu trữ và trình bày các tài nguyên di sản của mình dưới dạng ảnh tĩnh, ảnh động, mô hình 3D tĩnh và mô hình 3D động, giúp mọi người có thể khám phá di sản nghệ thuật và văn hóamột cách trực quan hơn, hỗ trợ cho các ngành giáo dục và du lịch.

Do đó, chúng tôi đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ tiếp tục thúc đẩy các sản phẩm này, đồng thời mở ra một số sản phẩm khác nhưng vẫn thuộc phạm vi theo đuổi là sức khỏe thông minh, giáo dục và bảo tồn văn hóa. Tôi nghĩ đó là nơi mà các nhà nghiên cứu có thể tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của mọi người.

Trên con đường đến với thị trường, chúng tôi còn mong muốn cung cấp thêm một sản phẩm đặc biệt cho xã hội: những bạn trẻ có kỹ năng về các giải pháp AI và dữ liệu trưởng thành từ phòng thí nghiệm HMI. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho các bạn sinh viên tham gia vào các đề tài, dự án lớn, viết được bài báo khoa học tốt, đăng ký sáng chế, và xây dựng được sự nghiệp của mình trong nghiên cứu khoa học. Các bạn cũng sẽ được tham gia vào các dự án cộng đồng, chẳng hạn như “Sáng kiến Mắt Nói” của tôi tập trung vào cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc bệnh ALS và nâng cao nhận thức cộng đồng về căn bệnh này. Bằng trải nghiệm thực tế và tiếp xúc với những vấn đề thực tiễn, tôi hi vọng các bạn có thể được truyền cảm hứng để bắt tay vào những công việc khoa học phục vụ con người.

Để tất cả những ý định ấy thành công, tôi hi vọng là sẽ có những chính sách hỗ trợ để các đề tài do nhà nước tài trợ sẽ được “cởi trói” nhiều hơn về thủ tục, và các đơn vị chủ quản sẽ có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể, đồng bộ và kịp thời để các nhóm dự án có thể triển khai, thực hiện và đóng gói sản phẩm một cách chuẩn chỉnh nhất. Hiện tại, việc chia nhỏ đầu việc và báo cáo liên tục khiến các nhà khoa học mất nhiều thời gian cho công việc giấy tờ thay vì tập trung vào nghiên cứu và phát triển các ý tưởng mới. Tôi mong có một sự thay đổi mang tính đột phá, chẳng hạn như khoán thu vào sản phẩm cuối. Theo đó, nhà khoa học chỉ cần cam kết hoàn thành sản phẩm cuối cùng của đề tài và đảm bảo chất lượng của sản phẩm đó là đủ.

PGS.TS. Lê Thanh Hà
Trưởng phòng thí nghiệm tương tác người máy (HMI Laboratory) – Khoa CNTT, Trường đại học Công nghệ, ĐHQGHN.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích