Móng Cái (Quảng Ninh): “Cánh cửa” đầu tư mở rộng
(Xây dựng) – Tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái kết nối với các tuyến đường cao tốc đã có, tạo ra con đường cao tốc dọc tỉnh thông thương Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội và các tỉnh phía Bắc… Từ đây, thành phố biên ải Móng Cái được nhiều nhà đầu tư quan tâm, địa phương lại có Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu đến năm 2040. Móng Cái giờ như “cánh cửa” mở rộng để đón các nhà đầu tư.
Cửa khẩu Bắc Luân II thông thương biên mậu với Thủ đô bằng đường bộ cao tốc Móng Cái – Hải Phòng; Hải Phòng – Hà Nội. |
Cụ thể, ngày 16/3/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 368/QĐ-TTg, phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040. Phạm vi lập quy hoạch gồm thành phố Móng Cái có 17 đơn vị hành chính cấp xã phường; huyện Hải Hà có 5 phường xã. Quy mô lập quy hoạch, diện tích tự nhiên khoảng 121.197ha, trong đó diện tích đất tự nhiên là 69.399ha và diện tích mặt biển là 51.798ha.
Tính chất chức năng: là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái – Phòng Thành (Trung Quốc); Trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp và cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Một góc đô thị thành phố Móng Cái. |
Quy mô dân số, đất đai: Đến năm 2030, khoảng 310.000-320.000 người (trong đó khu vực thành phố Móng Cái khoảng 210.000-215.000 người và các khu vực thuộc huyện Hải Hà khoảng 100.000-105.000 người). Đến năm 2040, khoảng 460.000-470.000 người (trong đó khu vực thành phố Móng Cái khoảng 310.000 – 320.000 người và các khu vực thuộc huyện Hải Hà khoảng 150.000 người).
Quy mô đất xây dựng: Đến năm 2030, đất xây dựng khoảng 15.500-16.000ha (trong đó khu vực thành phố Móng Cái khoảng 8.500ha, khu vực thuộc huyện Hải Hà khoảng 7.500ha). Đến năm 2040, đất xây dựng khoảng 25.400- 26.000ha (trong đó khu vực thành phố Móng Cái khoảng 15.000ha, khu vực thuộc huyện Hải Hà khoảng 11.000ha).
Các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật chính: Khu vực phát triển đô thị tập trung áp dụng các tiêu chuẩn đô thị loại I; Khu vực nông thôn và các khu vực đảo áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp. Mô hình cấu trúc gồm 3 hành lang (gồm hành lang đô thị, dịch vụ dọc Quốc lộ 18; hành lang du lịch, nông nghiệp và dịch vụ cảng; hành lang sinh thái và biên giới) và 2 vùng phát triển động lực là thành phố Móng Cái và Khu đô thị – công nghiệp cảng biển Hải Hà.
Sắc đêm trên cầu Ka Long. |
Cấu trúc phát triển không gian thành 5 khu vực chính. Phát triển theo 2 vùng động lực là thành phố Móng Cái và Khu đô thị – công nghiệp cảng biển Hải Hà, từng bước hình thành không gian khu kinh tế – đô thị đồng bộ thống nhất với các phân vùng chức năng đặc thù của từng khu vực.
Thành phố Móng Cái được phát triển theo cấu trúc vành đai và hướng tâm; gồm trung tâm hiện hữu, vành đai dịch vụ đô thị, vành đai chức năng và vành đai sinh thái. Phát triển các trục hướng tâm gắn với các chức năng chủ đạo của khu kinh tế như: trục thương mại Hải Yên – Bắc Luân 3 với trọng điểm là Khu hợp tác kinh tế; trục dịch vụ du lịch từ trung tâm đến Trà Cổ; trục dịch vụ hỗ trợ từ trung tâm tới cảng Vạn Ninh; trục sản xuất công nghiệp công nghệ cao theo hành lang kết nối với Hải Hà.
Mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm nghệ thuật. |
Khu vực Hải Hà phát triển mở rộng Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và trục kết nối cao tốc Vân Đồn – Móng Cái; gắn với phát triển đô thị dịch vụ sinh thái. Phát triển theo cấu trúc mạng ô cờ, sắp xếp lại không gian các khu vực hiện trạng để tạo nên không gian đô thị đồng bộ, hiện đại.
Khu vực Trà Cổ – Bình Ngọc phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch biển gắn với văn hóa và vui chơi giải trí; trong đó ưu tiên bổ sung các khu công viên vui chơi giải trí, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các công trình hạ tầng dịch vụ du lịch. Quá trình phát triển cần bảo vệ các khu vực rừng phòng hộ ven biển, các điểm di tích văn hóa lịch sử, các khu vực rừng ngập mặn, bãi bồi…
Khu vực các xã sơn khu – hải đảo phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, phù hợp với cảnh quan địa hình, thảm thực vật, hệ sinh thái ven biển. Phát triển các kiến trúc xanh, sinh thái, thân thiện với môi trường, được kết nối dễ dàng bằng hệ thống giao thông thủy, cáp treo và các khu dịch vụ bến cảng du thuyền, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thành phố Móng Cái tiếp tục mở rộng đô thị về phía Nam gắn với khu vực Trà Cổ – Bình Ngọc và về phía Tây (các xã Hải Đông, Hải Tiến, Quảng Nghĩa) gắn với đô thị Hải Hà để tạo nên vùng phát triển đô thị, từng bước đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I. Các khu vực phát triển mở rộng được thực hiện theo hướng hình thành các khu chức năng dịch vụ, sản xuất, du lịch đồng bộ, gắn với các dự án chiến lược. Thị trấn Quảng Hà được quy hoạch, đô thị hóa mở rộng ra các xã Quảng Minh, Quảng Thành, Quảng Thịnh, Quảng Long, Quảng Phong để tạo nên vùng lõi của đô thị Hải Hà và tạo thành vùng đô thị hóa gắn với thành phố Móng Cái, từng bước đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I.
Từng bước di dời, các điểm dân cư phân tán vào các cụm điểm dân cư tập trung, gắn với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ. Dành mặt bằng để thu hút, phát triển các dự án đầu tư về dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại, sản xuất công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đầu mối.
Định hướng không gian khu vực biên giới, cửa khẩu. Thực hiện các giải pháp xây dựng để đảm bảo ổn định đường biên giới, tuyến sông, không gian lãnh thổ, cột mốc biên giới. Phát triển các dự án đô thị, khu chức năng, công trình dịch vụ, công trình hạ tầng, điểm dân cư nông thôn dọc biên giới theo định hướng chung để tạo lập hình ảnh cân bằng phát triển giữa hai bên biên giới. Khai thác các vị trí có giá trị về văn hóa – lịch sử, cảnh quan để hình thành các điểm, tuyến, khu dịch vụ du lịch dọc theo biên giới. Xây dựng hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, hỗ trợ khu vực cửa khẩu, lối mở. Phát triển một số công trình kiến trúc biếu tượng dọc biên giới để tạo hình ảnh cho đô thị và là các điểm dừng chân trên tuyến du lịch dọc đường biên giới.
Thành phố Móng Cái đi đầu trong tỉnh vận hành ứng dụng công dân số thông minh và phản ánh hiện trường “Móng Cái Smart” phục vụ người dân và doanh nghiệp. |
Định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia Trà Cổ. Phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Trà Cổ, Bình Ngọc, đảo Vĩnh Trung – Vĩnh Thực, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan sinh thái tại khu vực. Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn và các khu vực đồi núi. Hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch gắn với các cửa khẩu, cặp chợ, lối mở song phương. Phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ logictics gắn với các điểm nút giao đường cao tốc và ven biển hỗ trợ phát triển dịch vụ và tạo động lực phát triển đô thị; khai thác các vị trí có giá trị về văn hóa – lịch sử, cảnh quan để hình thành các điểm, tuyến, khu dịch vụ du lịch dọc theo biên giới.
Hình thành các tuyến du lịch chủ đạo gồm: Tuyến Móng Cái – Trà Cổ, tuyến đường thủy Bình Ngọc – Vĩnh Thực – Cái Chiên, tuyến dọc biên giới. Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao, đa dạng về sản phẩm, đa dạng theo các mùa du lịch với số lượng khoảng 25.000-30.000 buồng phòng, đất dịch vụ du lịch khoảng 1.500-1.800ha.
Phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics gắn với cửa khẩu quốc tế, cảng biển và đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Bố trí khoảng 7.350-7.850ha đất công nghiệp, gắn với Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà diện tích 4.988ha; Khu công nghiệp Hải Yên khoảng 180 – 360ha; Khu công nghiệp và dịch vụ logictics Vạn Ninh khoảng 1.500 – 2.000ha, Khu công nghiệp Hải Hà 1 khoảng 750ha; Khu công nghiệp Hải Hà 2 khoảng 720ha; cụm công nghiệp thuộc Khu hợp tác kinh tế khoảng 200-500ha.
Định hướng phát triển hạ tầng xã hội: Từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng nhà ở, phù hợp với các giai đoạn phát triển của khu kinh tế, đồng bộ với phát triển hạ tầng xã hội, nhà ở xã hội phục vụ lao động định cư, người thu nhập thấp và khách du lịch. Cải thiện chất lượng nhà ở nông thôn.
Xây dựng 2 cụm trường đại học, cao đẳng tập trung tại Ninh Dương và Quảng Hà với tổng diện tích khoảng 80-100ha, đáp ứng quy mô đào tạo 30.000- 40.000 sinh viên. Bố trí quỹ đất khoảng 40ha để xây dựng hệ thống cơ sở y tế với số lượng khoảng 2.000 giường bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, du khách, lao động tại khu vực Móng Cái, Hải Hà và khu vực lân cận.
Quy hoạch sử dụng đất: Đất xây dựng các khu chức năng khoảng 15.500 – 16.000ha (chiếm 20% diện tích đất tự nhiên khu kinh tế). Nâng cấp, cải tạo các tuyến Quốc lộ 18, 18B, 18C. Hoàn thiện tuyến đường kết nối từ nút giao cao tốc Vân Đồn – Móng Cái vào khu công nghiệp Hải Hà với Quốc lộ 18 và Quốc lộ 18B. Xây dựng mới đoạn tuyến Quốc lộ 18 tránh trung tâm huyện Hải Hà, tuyến đường bao biển kết nối các đô thị ven biển từ Hải Hà đến Móng Cái.
Quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia Hạ Long – Móng Cái, dự kiến kết nối với tuyến đường sắt Đông Hưng (Trung Quốc). Nâng cấp, xây dựng cụm cảng tổng hợp Vạn Ninh – Vạn Gia (đón tàu đến 20.000 tấn); cảng tổng hợp Hải Hà (đón tàu đến 80.000tấn); cảng Cái Chiên. Nâng cấp, cải tạo, mở rộng sân bay Hồng Kỳ tại khu vực phường Ninh Dương.
Quy hoạch cấp điện, nhu cầu phụ tải đến năm 2030 khoảng 800MW, đến năm 2040 khoảng 1.550MW. Xây dựng nhà máy điện Hải Hà công suất khoảng 2.100MW với công nghệ sạch, hạn chế tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, dịch vụ, phát triển đô thị và môi trường của khu vực. Quy hoạch cấp nước, nhu cầu cấp nước đến năm 2030 khoảng 190.000m3/ngày đêm; đến năm 2040 khoảng 360.000m3/ngày đêm.
Nguồn: Báo xây dựng