Món cuốn mỡ hành ở Thanh Trì

Là một trong những món đặc sản Hà Nội có nguồn gốc từ lâu đời. Sở dĩ được đặt tên như vậy bởi thức quà này có công thức lưu truyền từ những người dân sống ở Thanh Trì. Được Cục Sở hữu trí tuệ trao quyết định công nhận thương hiệu nhãn hiệu tập thể năm 2015.

Ban đầu, món ăn chỉ được thưởng thức vào những dịp đặc biệt hay các lễ hội. Tuy nhiên, hương vị thơm ngon của nó đã tạo tiếng vang ở khắp Hà thành rồi lan rộng đến khắp các tỉnh thành trong cả nước. Từ sở hữu một vài điểm tráng bánh, nơi này đã trở thành làng nghề. Tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập tốt hơn cho người nông dân, đây còn là địa điểm học nghề làm bánh của người dân từ tỉnh thành khác.

Từ đó, món bánh dân dã này đã xuất hiện ở hầu hết các địa phận tại nước ta. Nó không chỉ còn là món quà quê nổi tiếng trong nước mà còn được cả những người nước ngoài biết đến, nó có mặt trong các khách sạn, nhà hàng nổi tiếng, nhiều người đặt làm quà gửi đi các nước Pháp, Đức, Nga, các nước Đông Âu, châu Á… Đó cũng là một trong những món ăn nằm trong thực đơn Quốc yến chiêu đãi Tổng thống Donaild Trump khi đến thăm Việt Nam.

“Thanh Trì có bánh cuốn ngon/ Có gò Ngũ nhạc, có con sông Hồng”

 Chỉ với những vật dụng làm nghề đơn giản: cối đá xay bột thủ công, giàng để cối, cầu để bánh, que cất bánh, vại nước mưa, nồi đồng điếu, bếp than… và gạo, mỡ, dầu ăn để phi hành lá, hành củ rất đơn sơ và gần gũi với người nông dân.

Để làm ra được những chiếc bánh cuốn ngon, cũng cần phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, từ khâu chọn gạo, ngâm gạo, xay bột, pha bột, phi hành, làm nhân bánh đến pha nước mắm,… Bếp tráng đủ lửa, không quá to, nhỏ… Nhưng đặc biệt ở chỗ: Bánh được tráng bằng tay từng chiếc nhỏ như nửa vầng trăng, mỏng tang, lá bánh càng mỏng, càng ngon. Khó nhất là căn chuẩn thời gian để bánh chín đều, có độ dai và không bị nhão, khi bột bánh chuyển màu trắng trong phồng lên thì dùng que cất bánh lấy bánh ra để lên cầu đựng bánh và xoa một lớp hành lá phi. Thưởng thức món bánh cuốn Thanh Trì thì không thể thiếu chả quế, rau mùi, hành khô cùng bát nước chấm đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt, thơm nồng của vị cà cuống đặc trưng, chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi. 

 Bánh cuốn Thanh Trì là một đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, không chỉ ngon mà còn mang đậm nét văn hóa ẩm thực truyền thống của người Hà thành, được các nhà văn nổi tiếng: Thạch Lam, Vũ Bằng, Tô Hoài, Lý Khắc Cung… đã dành những áng văn hay để đời cho món ăn dân dã nhưng tinh tế bậc nhất của đất Kinh kỳ. Việc thưởng thức bánh cuốn nóng Thanh Trì là một cách để cảm nhận sự cổ kính, mộc mạc và gắn kết văn hóa sinh hoạt của người dân.

“Bánh cuốn Thanh Trì theo chân người bán hàng len lỏi khắp các con phố của đất Hà thành. Người Hà Nội thưởng thức món bánh cuốn Thanh Trì theo cách thật bình dị. Họ có thể gọi khi gặp hàng bánh cuốn đi qua hoặc ghé một địa điểm nào đó cố định. Khi có khách gọi, người bán sẽ mở chiếc vỉ buồm đậy thúng bánh, cẩn thận tách từng lớp bánh cuốn mỏng tang sao cho không bị rách nát. Từng lớp bánh cuốn trắng nõn, mềm mại, điểm những cọng hành lá vàng, nâu được phi mỡ trông thật bắt mắt. Nước chấm sóng sánh vàng nhạt điểm vài lát ớt đỏ tươi, rau thơm kinh giới xanh nõn, đậu rán giòn, chả Ước Lễ vàng ruộm… Tất cả được bày trên chiếc mẹt con lót lá chuối đẹp như một bức tranh.

 Ngồi thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì khi Thành phố vừa thức giấc cho ta cảm giác thật bình yên. Người ăn nhẩn nha chấm từng miếng bánh cuốn vào thứ nước chấm vị thanh nhẹ, phảng phất hương tinh dầu cà cuống, ăn kèm các thức khác, thi thoảng ngắt cọng rau thơm nhấm nháp… Trong cuốn sách “Miếng ngon Hà Nội” nhà văn Vũ Bằng đã dành lời khen tặng về thức quà dân dã này: “Bánh cuốn Thanh Trì đưa lên miệng, chưa nhai đã tưởng như bánh “chưa đến môi đã trôi đến cổ mất rồi”.”

Ăn bánh cuốn nóng Thanh Trì khi còn nóng không chỉ ngon miệng mà còn tạo cảm giác thư giãn và thoải mái, giúp cải thiện tinh thần và chất lượng cuộc sống. Một bữa ăn sáng với bánh cuốn nóng, chả lụa và rau sống sẽ là sự khởi đầu hoàn hảo cho một ngày mới tràn đầy năng lượng.

Hướng đi mới để tăng thu nhập cho người dân

Hiện nay trên địa bàn phường Thanh Trì còn khoảng 50 hộ gia đình đang duy trì nghề truyền thống với hình thức tráng bánh thủ công bằng tay như: hộ bà Lan thường ngày sản xuất hơn 40 kg bột/ngày, đã từng tham gia rất nhiều triển lãm của Thủ đô”, bà Hoành, bà My, bà Nghĩa… cũng đều là nhưng hộ nổi tiếng của làng. Để phát triển thương hiệu bánh cuốn Thanh Trì như gia đình bà My (tổ dân phố số 8) là hướng rất hay: duy trì những phương pháp làm nghề xưa cũ như: dùng cối xay bột, tráng bánh… để khách nước ngoài đến trải nghiệm, kết hợp mô hình phát triển nghề truyền thống với tour du lịch.

banh-cuon-thanh-tri-so-7_1679915696
Bánh cuốn giờ cũng được cải tiến với nhiều món mới.

Với lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm, cùng các giá trị về lịch sử, văn hóa, kinh tế, du lịch thì làng nghề bánh cuốn Thanh Trì cần phải được bảo tồn, phát huy và phát triển bền vững. Ngày 5/1/2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” và “Làng nghề truyền thống Hà Nội” đối với 15 làng nghề, trong đó, làng nghề “Bánh cuốn Thanh Trì” được công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”.

Phát biểu tại lễ đón nhận Bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” đối với làng nghề bánh cuốn Thanh Trì, phường Thanh Trì. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, Đàm Tiến Thắng cho biết “Làng nghề truyền thống “Bánh cuốn Thanh Trì” cần được bảo tồn, phát huy những giá trị mới mang tính thời đại để trở thành điểm nhấn du lịch sinh thái của Thủ đô. Trong đó tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của làng nghề, phát triển làng nghề gắn với công tác quản lý môi trường và phát triển du lịch”.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích