Mối tương tác giữa tăng trưởng kinh tế với môi trường

Mối tương tác giữa tăng trưởng kinh tế với môi trường

MTĐT –  Thứ bảy, 11/09/2021 11:39 (GMT+7)

Mối quan hệ tương tác giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường là một biểu hiện cụ thể của mối quan hệ tương tác rộng lớn hơn, bao trùm hơn, thường xuyên hơn và xuyên suốt mọi thời đại

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là mức tăng trưởng dương 2,91% năm 2020 trong khi thế giới phải đối mặt với cuộc suy thoái toàn cầu chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đi cùng với sự tăng trưởng, bất cứ nền kinh tế nào trong đó cả Việt Nam đều phải đối mặt với những thách thức về môi trường và khí hậu khiến các nhà hoạch định chính sách phải cân đối và đưa ra lựa chọn phù hợp giữa tăng trưởng và môi trường.

Theo T.S Hà Thị Dáng Hương, Đại học Bách khoa, Việt Nam đã xây dựng thành công bài toán phát triển kinh tế – xã hội và được cộng đồng thế giới công nhận. Công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đã thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng khá, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình với một nền kinh tế thị trường năng động.

Thương mại hai chiều của Việt Nam cũng đạt được những thành tựu đáng kể: Nếu năm 2010, Việt Nam vẫn là nước nhập siêu lên tới 12,6 tỷ USD, thì 5 năm trở lại đây, cán cân thương mại đã đảo chiều và năm 2020 ghi nhận kỷ lục khi Việt Nam xuất siêu đến 19,1 tỷ USD.

Tính đến tháng 5/1990, Việt Nam mới có 213 giấy phép đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD. Song lũy kế đến ngày 20/5/2021, số dự án FDI trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã đạt trên 33,6 nghìn dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 396,86 tỷ USD. Nhiều bước tiến vượt bậc đã được thực hiện để đem lại sức sống cho khu vực kinh tế tư nhân.

Mức tăng trưởng GDP 2,91% dù thấp nhất trong vòng cả thập kỷ qua nhưng vẫn giữ Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị tàn phá bởi cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra. Khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam được đóng góp từ sự phục hồi nhanh chóng của khu vực kinh tế trong nước, sự vững vàng của khu vực kinh tế đối ngoại, sự điều tiết kịp thời các chính sách tiền tệ từ nhà nước.

Mặt khác, Mô hình phát triển kinh tế phần lớn dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cho thấy sự thiếu bền vững theo thời gian. Nhất là khi quá trình tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh của Việt Nam đã và đang để lại nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Nguồn vốn tự nhiên của Việt Nam rơi vào tình trạng suy giảm liên tục trong khoảng 2 thập kỷ qua, kéo theo đó là các vấn đề về môi trường như: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường, mất an ninh nguồn nước, cạn kiệt tài nguyên…

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế – xã hội cũng kéo theo nhu cầu ngày càng tăng về nguồn năng lượng. Thống kê của Bộ Công thương và Viện Năng lượng (IE), tổng cung cấp năng lượng sơ cấp (TPES) của Việt Nam năm 2019 là 89,7 nghìn KTOE, tăng 11% so với năm trước. Điều này đang ngày càng đe dọa sâu sắc đến an ninh năng lượng và sự phát triển bền vững của kinh tế – xã hội Việt Nam.

Nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng cao, trong khi năng suất nước vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 12% so với chuẩn thể giới. Tình trạng khai thác thiếu bền vững tài nguyên thiên nhiên như cát, thủy sản và gỗ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng dài hạn.

Môi trường Việt Nam chưa bao giờ đứng trước những bất lợi và đe dọa suy thoái lớn đến thế, nhất là khi Việt Nam đang nằm trong nhóm 6 quốc gia sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và là một trong 9 quốc gia có ít nhất 50 triệu người sẽ phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Ô nhiễm nguồn nước đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thấy minh chứng điển hình về những tác động đến phát triển kinh tế – xã hội khi tầng suất biến đổi khí hậu tăng lên ảnh hưởng đến môi trường với những diễn biến về ô nhiễm nguồn nước, mất cân bằng thổ nhưỡng do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn hán nghiêm trọng đã gây tổn hại cho sản xuất nông nghiệp và các công trình hạ tầng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và đời sống xã hội.

Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, ô nhiễm không khí tại Việt Nam có thể gây thiệt hại tương đương 60 nghìn ca tử vong, trong đó có 40% số ca liên quan đến sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với bệnh tim, đột quỵ, viêm đường hô hấp, ung thư phổi, tiểu đường… không chỉ làm giảm số ngày làm việc do đau ốm và làm giảm năng suất lao động, sức khỏe mà còn tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế đến từ các chất gây ô nhiễm trong nông nghiệp (phân đạm, phân lân, thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất khác…), chất gây ô nhiễm trong chất thải công nghiệp (kim loại, a-xen và nhiều chất độc hại khác…). 

Nhiều chiến lược và kế hoạch để thúc đẩy tăng trưởng xanh, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn đang được thực thi.

Trong đó, các biện pháp phục hồi “xanh đang được đặt làm trọng tâm của các gói kích thích kinh tế. Ngoài những lợi ích rõ rệt về môi trường gắn liền với phục hồi xanh, các chính sách xanh và đầu tư xanh cũng có thể tạo thêm việc làm, thúc đẩy các hoạt động kinh tế và khôi phục dư địa tài khóa. 

Chức năng cơ bản của bất kỳ một hệ thống kinh tế nào như sản xuất, phân phối và tiêu thụ cũng đều diễn ra trong lòng thế giới tự nhiên.

Giữa kinh tế và môi trường luôn luôn có sự tác động qua lại với nhau. Sự tác động đó là thuận chiều hay ngược chiều hoàn toàn phụ thuộc vào cách ứng xử của con người với thế giới tự nhiên.

Và một lần nữa tái khẳng định thông điệp mở rộng về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế đã nói rồi nhưng bổ sung thành không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”

PV (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích