Mối liên quan giữa yêu cầu của khách hàng, khuyết tật và mức Sigma trong năng suất
Theo chuyên gia năng suất, điều căn bản đầu tiên đối với 6 Sigma là làm rõ những gì khách hàng muốn để chuyển thành các yêu cầu rõ ràng. Trong ngôn ngữ của 6 Sigma, các yêu cầu này được gọi là “CTQs – Critical to Quality” (các đặc tính quan trọng về chất lượng). Chúng ta cũng có thể gọi là “các kết quả quan trọng, hoặc Ys (đầu ra mong muốn) của quá trình hoặc “các giới hạn quy định kỹ thuật”. Khuyết tật (Defects) là bất cứ trường hợp nào mà sản phẩm hoặc quá trình không đáp ứng dù một yêu cầu nào của khách hàng.
Số khuyết tật (Defects) là tập hợp các khuyết tật xảy ra trong toàn bộ quá trình. Mức Sigma càng cao thì mức độ dao động càng giảm, quá trình càng ổn định. Mức sigma dùng để chỉ số khuyết tật xảy ra trên một triệu cơ hội (DPMO – Defects Per Million Opportunities). Mục đích của 6 Sigma là hướng tới sản phẩm không có khuyết tật. Nếu đạt tới mức 6 Sigma, tức là chỉ 3,4 khuyết tật có thể xảy ra trên một triệu cơ hội xảy ra khuyết tật.
6 Sigma là thuật ngữ nhằm mô tả hiệu quả giảm độ lệch chuẩn của quá trình.
Các dữ liệu đầu vào dùng cho việc tính mức Sigma: Kết quả hoạt động của công việc hay quá trình thông qua chất lượng sản phẩm (thành phẩm và bán thành phẩm): Một giá trị tiêu biểu mà chúng ta thường tính là số khuyết tật (Defect) của quá trình. Đó là tập hợp các khuyết tật xảy ra trong toàn bộ quá trình từ đầu đến cuối, bao gồm sản phẩm hư hỏng, phế liệu, phế phẩm hỏng, sản phẩm do khách hàng trả lại.
Độ phức tạp của quá trình: được đánh giá qua số cơ hội mà quá trình kinh doanh và sản xuất có thể gây ra các điểm không phù hợp (các sản phẩm không đạt yêu cầu) với từng yêu cầu cụ thể của khách hàng.
Mục đích của 6 Sigma là nâng cao chất lượng của quá trình cho ra thành phẩm bằng cách nhận diện và loại bỏ những nguyên nhân gây lỗi, khuyết tật và giảm thiểu tối đa sự dao động trong sản xuất và hoạt động kinh doanh. Đây là hệ thống các phương pháp quản lý chất lượng, bao gồm các phương pháp thống kê, tạo ra một nền tảng kiến thức đặc biệt cho những người quản lý trong tổ chức.
Mỗi dự án của tổ chức áp dụng 6 Sigma theo các bước xác định và phải định lượng ra được các mục tiêu, ví dụ: giảm thời gian sản xuất, mức độ thỏa mãn của khách hàng, giảm chất thải gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất và/hoặc nâng mức lợi nhuận. Mức sigma đo năng lực quá trình, cho ta thấy được năng lực quá trình. Mức sigma càng cao thì số khuyết tật càng ít, điều đó tương đương với chi phí sản xuất càng thấp và lợi nhuận càng cao.
Công ty có hệ thống đo lường giám sát nhất quán. Với việc tập trung vào các khuyết tật và cơ hội xảy ra khuyết tật, đo lường mức sigma có thể được sử dụng để đo lường và so sánh sự khác nhau giữa các quá trình trong toàn bộ công ty – hoặc giữa các công ty với nhau. Một khi công ty xác định được yêu cầu của khách hàng một cách rõ ràng, công ty có thể xác định định nghĩa “khuyết tật” và đo lường được gần như toàn bộ hoạt động hay quá trình kinh doanh.
Phương Nam