Môi giới và khách hàng: Ai phải chăm sóc ai?
Trong mắt họ môi giới chỉ giỏi “buôn nước bọt”, chỉ bỏ chút công sức là có thể kiếm được chục triệu thậm chí trăm triệu đồng mỗi giao dịch.
Là nhà đầu tư bất động sản nhưng bà Bình luôn giữ định kiến không mấy tốt đẹp về môi giới. Trong suy nghĩ của bà những người này luôn tìm mọi cách chốt giao dịch để lấy tiền hoa hồng. Thậm chí, dùng chiêu trò để kê giá ăn chênh lệch khủng.
Có lần sau khi mua xong một căn nhà bà Bình cảm giác như “đứt gan đứt ruột” khi biết môi giới đã kiếm được hơn 30 triệu đồng từ người bán. Bà cho rằng, số tiền quá lớn mà môi giới hưởng được thực ra là tiền của mình. “Họ đang ăn trên đồng tiền xương máu của người mua một cách quá đáng” bà Bình bức xúc.
Sau lần đó, bà Bình luôn cảnh giác với môi giới. Trước khi mua một căn hộ hay nền đất bà liên lạc hơn chục môi giới để thăm dò về giá bán cũng như chính sách chiết khấu, khuyến mãi. Những môi giới nào chấp nhận mức chiết khấu cao nhất sẽ được chọn.
Ông Nam một nhà đầu tư khác thì quan niệm khách hàng là “thượng đế” nên môi giới phải chăm sóc là đương nhiên. Ông kể, có lần vừa hẹn môi giới dẫn đi xem đất xong thì bạn gọi đi nhậu. Cuộc vui kéo dài đến giờ hẹn dù môi giới gọi chục cuộc điện thoại ông vẫn không thèm bắt máy.
Ông Nam cho rằng, môi giới đông như “quân nguyên” không có người này thì còn người khác. Một dự án có cả trăm đến cả ngàn môi giới cạnh tranh nhau, ai chăm sóc khách hàng tốt nhất thì mới bán được. Người mua có tiền thì có quyền lựa chọn.
Anh Minh Thái, một môi giới có tuổi nghề hơn 5 năm chia sẻ, không thể phủ nhận trên thị trường đanh có những công ty, cá nhân môi giới làm ăn chụp giựt, bất chấp với mục đích kiếm tiền hoa hồng. Thậm chí có cả lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Những người này làm xấu đi hình ảnh của nghề môi giới. Tuy nhiên, đây chỉ là một bộ phận rất nhỏ, là “con sâu làm rầu nồi canh”. Phần lớn môi giới bất động sản muốn phát triển và bền vững với nghề đều nỗ lực hướng đến sự chuyên nghiệp, là cầu nối mang lại lợi ích cho cả người bán lẫn người mua.
Theo Minh Thái, bất động sản là những tài sản có giá trị lớn nên việc người mua “cân đo đong đếm” thậm chí yêu cầu chiết khấu này nọ là tất nhiên. Quyền của người mua là họ được mặc cả, đưa ra nhiều phương án để tìm được mức giá phù hợp nhất. Trách nhiệm chăm sóc của môi giới với khách hàng lúc này là cung cấp đầy đủ thông tin dự án, minh bạch pháp lý, phân tích tiềm năng ra sao, hỗ trợ nhiệt tình.
“Phải làm sao để khách hàng thấy được giá trị thật sự của bất động sản. Khi họ tin tưởng và thấy được cái lợi của mình sẽ mua”, Minh Thái nói.
Không phủ nhận khách hàng là “thượng đế” và môi giới có nhiệm vụ chăm sóc họ. Nhưng theo Minh Thái nếu không may gặp phải những khách hàng có tư tưởng xem mình là “ông trời” luôn đòi hỏi bất hợp lý thì môi giới không cần tốn thời gian chăm sóc làm gì mà nên “bỏ chạy” thật sớm.
Minh Thái kể, bất kỳ ai bước chân vào nghề môi giới bất động sản cũng đều phải nếm trải đủ đắng cay ngọt bùi với những vị khách hàng như vậy. Họ sẵn sàng cho môi giới “leo cây”, đòi hỏi phải “cắt máu” từng đồng hoa hồng, sẵn sàng lật kèo, thậm chí quỵt cả tiền hoa hồng của môi giới. Với những bạn môi giới nữ việc bị chọc ghẹo, gạ tình cũng xảy ra khi gặp phải những đại gia xem tiền là tất cả.
Theo môi giới này, những tai nạn như vậy xảy ra như cơm bữa đối với những anh em môi giới mới vào nghề. Với những người kinh nghiệm hơn họ sẽ có cách để đánh giá khách hàng nào tiềm năng để chăm sóc.
“Trong 10 người thì may mắn chỉ có 1 đến 2 là khách hàng tiềm năng thực sự muốn mua nên tập trung nguồn lực chăm sóc họ. Xác định khách hàng mục tiêu là bài học quan trọng để không mất thời gian, công sức của môi giới”, Minh Thái nói.
Anh Sơn, một nhà đầu tư kinh nghiệm cho rằng, người đầu tư chuyên nghiệp luôn xem anh em môi giới như cánh tay của mình. Mối quan hệ này không phải “xin – cho” hay ai trên, ai dưới mà bình đẳng. Mỗi bên có vai trò, quyền lợi riêng. Sự hợp tác giữa hai bên là “Win – Win” ai cũng có lợi ích nên thay cứ nghĩ ai phải chăm sóc ai thì nên chăm sóc lẫn nhau. Điều quan trọng là sự tin tưởng và những thoả thuận phải rõ ràng ngay từ lúc ban đầu.
Theo anh Sơn, nhà đầu tư bất động sản càng thành công lại càng không thể thiếu môi giới giỏi. Họ nên mừng khi môi giới kiếm được nhiều tiền hoa hồng bởi lúc đó túi tiền của họ cũng được phình to. Thay vì chi li đòi cắt máu hoa hồng thì hãy trả thêm vì môi giới sẽ nỗ lực gấp nhiều để mang đến cơ hội kiếm tiền cho nhà đầu tư.
Môi giới là những người có kiến thức chuyên môn lại nắm sát từng diễn biến nhỏ nhất của thị trường sẽ cung cấp những cơ hội đầu tư quý giá ngay cả khi nhà đầu tư đang nằm ngủ trên giường hay đi du lịch.
Như anh Sơn, dù dịch bệnh Covid-19 không thể đi lại nhưng anh vẫn có thể cập nhật thông tin mỗi ngày, có nhiều cơ hội đáng đầu tư thông qua vào mạng lưới môi giới đáng tin cậy được xây dựng qua nhiều năm.
Nhà đầu tư này cho biết, ở bất kỳ lĩnh vực nào thì khách hàng và môi giới luôn cần đến nhau. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay tính chuyên nghiệp còn chưa cao. nghề môi giới bất động sản trong mắt người dân chưa được hiểu đúng nghĩa.
Do đó, bên cạnh thanh lọc những tổ chức, cá nhân môi giới thiếu đạo đức thì việc xây dựng những chuẩn mực, những tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp với các quy định rõ ràng là cần thiết để bảo vệ và nâng tầm nghề môi giới.