Môi giới tay trắng về quê, còn đâu giấc mộng xe hơi nhà lầu
Một số giám đốc sàn, chủ công ty cũng không ngoại lệ, dù trước đó thời gian ngắn vẫn ô tô sang trọng.
“Tôi ở nhà đã 3 tháng nay. Dịch vầy thì buôn bán bất động sản nỗi gì. Khách đâu mà bán. Hàng đứng, khách có hỏi thì cũng chẳng giao dịch được. Bởi, đặc thù bất động sản và uy tín của sale. Tôi may mắn vẫn có khách hàng hỏi thăm dự án và trao đổi qua lại. Có nhiều khách hàng thương gửi quà chúc bình an mùa dịch, đó là thứ khiến tôi ấm lòng những ngày này khi không thể đi đâu cũng chẳng thể bán hàng.” – Văn, môi giới của một sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn TP.HCM chia sẻ.
Văn cho biết, không tính hoa hồng, mỗi tháng anh nhận lương cứng của công ty với mức 3 triệu đồng. Nhưng cũng tháng được tháng mất bởi không phải tháng nào cũng bán được hàng. Nhưng Văn cũng tích cóp được chút tiền phòng thân. Dịch liên tiếp ập đến, một năm rưỡi không thể bán hàng khiến Văn tiêu hết tiền tiết kiệm, cố thủ trong phòng trọ. Được một thời gian, tiền hết, anh trả phòng trọ, bỏ lại giấc mơ lập nghiệp thành phố, về quê trồng rau nuôi cá.
Nhưng Văn thừa nhận mình vẫn còn may mắn bởi kịp về quê phụ giúp gia đình. Nhiều bạn bè anh, quyết bám trụ TP.HCM giờ lâm cảnh túng quẫn, khốn cùng.
Hà (36 tuổi, nhân viên môi giới) cho biết cô quyết tâm bám trụ ở TP.HCM vì có con nhỏ.
“Đã mấy tháng nay công ty không có khách, phá sản, giám đốc bỏ đi mất. Tôi mất việc, mọi thứ sinh hoạt phải dựa vào trợ cấp của gia đình và những người xung quanh. Con tôi gần 2 tuổi, nên tôi hay xin các mạnh thường quân hỗ trợ gạo. Bạn bè tôi nhiều lúc gọi mà xót xa. Vì chỉ trước đó thời gian ngắn tôi còn quần là áo lượt rủ bạn đi cà phê mỗi ngày mà. Nhưng chịu thôi chứ giờ dịch vầy. Khó khăn phải chấp nhận. Chỉ có người trong nghề mới hiểu cay cực của nghề thôi, không màu hồng như mọi người thường nghĩ đâu” – Hà ngậm ngùi.
Trong khi đó, ông Bùi Sơn (38 tuổi, quê Gia Lai) khiến mọi người không nhận ra khi thấy lại. Chỉ hơn 2 năm trước, ông Sơn là giám đốc một sàn bất động sản chuyên đất nền ở TP.HCM, có xe hơi, nhà phố. Dịch ập đến, cầm cự một thời gian, không trụ nổi, ông Sơn bán nhà bán xe, trả nợ ngân hàng và thanh toán lương cho nhân viên rồi đóng cửa công ty, dẫn vợ con về quê. Từ một giám đốc oai phong bệ vệ, ông Sơn lâm cảnh màn trời chiếu đất và chấp nhận về quê “ăn bám gia đình một thời gian rồi tính tiếp”.
Theo tìm hiểu, trên thực tế, vẫn có những môi giới và công ty bất động sản chuyển hướng kinh doanh online cầm chừng qua mùa dịch. Tuy nhiên, đây đa phần là những công ty lớn, có sự chuẩn bị hùng hậu về tài chính, chuyển đổi số, áp dụng cộng nghệ đồng bộ. Và cũng nhiều công ty thừa nhận rằng, giao dịch bất động sản online thực tế không nhiều và cũng vô cùng nhiêu khê, bởi dòng tiền từ khách hàng cũng đang dần cạn kiệt.
Vậy nên, bức tranh thực tại khốc liệt vẫn bủa vây và đè nặng lên đời sống của nhiều môi giới lẫn “sếp” bất động sản, khiến họ từ những người có ô tô, nhà lầu trở nên tay trắng. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên quá bi quan vào tình hình thực tại, bởi lẽ, một khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường có sự bùng nổ trở lại, và những ai đã chịu nhiệt, “nếm mật nằm gai” qua được mùa dịch sẽ trở lại rực rỡ.