Môi giới bất động sản lo không có “Tết”

Khi thị trường bất động sản đang “sốt”, những tháng cuối năm sẽ là “mùa gặt” của dân môi giới do lượng giao dịch tăng đột biến. Năm nay, thị trường trầm lắng khiến các doanh nghiệp, văn phòng và dân môi giới bất động sản hoạt động khó khăn, không còn lạc quan về cái Tết “bộn tiền” như trước.

Môi giới bất động sản lo không có “Tết”
Một góc Khu đô thị Eurowindow Twin Parks (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang

Giao dịch rớt thảm

Từ giữa năm 2023, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã lên tiếng về tình trạng đáng báo động của các doanh nghiệp bất động sản và môi giới bất động sản.

Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính thông tin, theo khảo sát, hơn 90% doanh nghiệp môi giới bất động sản bị sụt giảm mạnh về doanh thu. Trên 95% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động. Chỉ 5 tháng đầu năm 2023, có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản, hơn 95% môi giới bất động sản được khảo sát có thu nhập giảm so với năm 2022. Trong đó, hơn 14% cho biết, thu nhập giảm 20-30% so với cùng kỳ, hơn 54% cá nhân ghi nhận mức tụt giảm 30-40%. Khoảng 5% môi giới bị giảm trên 70% thu nhập.

“Số dự án đủ pháp lý mở bán đã khan hiếm nhưng lượng khách hàng quan tâm còn ít hơn nhiều. Dù vẫn nhiệt tình chăm sóc khách hàng cũ, mở rộng khách mới, giới thiệu nhiều thông tin hấp dẫn trên Facebook, Zalo… nhưng khách thường chỉ tham khảo. Họ có tâm lý đợi giá nhà thấp hơn nữa mới “xuống tiền”. Hoa hồng nhỏ giọt cũng chỉ đủ chi phí tiếp khách và chi phí duy trì hoạt động văn phòng mà thôi”, anh Trịnh Văn Nam, chủ Văn phòng môi giới bất động sản Nam Hưng (quận Hoàng Mai) nói.

Dân môi giới “tay ngang” sống chủ yếu bằng hoa hồng nên khi không còn giao dịch, buộc phải chuyển sang công việc khác. Chị Bùi Ngọc Quyên, (quận Long Biên) – dân môi giới bất động sản “tay ngang” khá tự tin với kinh nghiệm hơn 15 năm trong nghề của mình. Chị luôn tâm niệm “chăm chỉ làm việc, đợi tín hiệu tốt từ khách hàng”. Nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường vẫn chưa có tín hiệu tốt như mong muốn.

“Tôi chỉ bán thành công một căn nhà 5 tầng trong ngõ nhỉnh hơn 4 tỷ đồng và một căn chung cư cũ giá 2,4 tỷ đồng. Hiếm khách mua nhà thì tôi chuyển sang môi giới căn hộ chung cư cho thuê. Thị trường này sôi động hơn chút, nhưng chi phí hoa hồng không đáng là bao. Tình hình này thì Tết năm nay chắc chắn khó khăn hơn rất nhiều…”, chị Quyên than phiền.

Kỳ vọng “băng tan”

Tuy nhiên, các chuyên gia tin tưởng sự phục hồi dần của thị trường bất động sản. Tình trạng pháp lý tốt từ các chủ đầu tư uy tín đã được cải thiện. Thêm vào đó, số lượng khách hàng tiếp cận được các gói vay với lãi suất ưu đãi tăng dần sẽ giúp thị trường nhộn nhịp hơn.

Bước vào quý IV-2023, tín hiệu “băng tan” khá rõ khi lượng giao dịch trên toàn thị trường tăng dần với nhiều hơn các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dân được đưa vào thị trường. Thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, quý II-2023 thị trường ghi nhận 3.700 giao dịch, tăng 37% so với mức 2.700 ở quý I. Đến quý III, thị trường đã ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần quý II và hơn 2 lần so với quý I-2023.

“Thị trường bất động sản quý IV-2023 sẽ là bước đệm cho sự chuyển mình vào năm 2024. Bức tranh toàn cảnh thị trường chắc chắn sẽ có thêm nhiều điểm sáng mới. Đặc biệt là những khu vực đang còn nhiều dư địa, có quy hoạch đồng bộ, hiện đại, hạ tầng được quan tâm, chú trọng đầu tư, mặt bằng giá chưa cao”, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính thông tin.

Thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện, tuy chưa phải hoàn toàn và trên diện rộng. Tính đến cuối tháng 8, có 1.721 doanh nghiệp bất động sản trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 9 tháng của năm 2023, có 3.394 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này, tăng gấp 3,5 lần số lượng doanh nghiệp giải thể. Riêng với các sàn giao dịch bất động sản, 40% sàn đang cố gắng chống đỡ để duy trì, cầm cự với niềm tin thị trường sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.

Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và phát triển dự án DKRA Group Võ Hồng Thắng phân tích, thị trường bất động sản Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn, dự báo sẽ còn kéo dài đến hết năm 2023. Sang đầu năm 2024 sẽ dần nhìn thấy các tín hiệu phục hồi. Tuy nhiên, không thể kỳ vọng về một sự hồi phục theo hình “chữ V” ở thời điểm này, mà thị trường sẽ dần dần có những bước đi lên vững chắc, tạo đà cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Từ nay cho đến nửa đầu năm 2024 có thể xem như bước khởi đầu của một chu kỳ phục hồi và tăng trưởng tiếp theo của thị trường bất động sản. Do đó, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, đây là khoảng thời gian hết sức quan trọng, mang tính quyết định cho sự “chuyển mình” của thị trường. Cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, thì niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư chính là “chốt chặn” cuối cùng sẽ sớm được giải tỏa để thị trường hồi phục trở lại.

Trước mắt, tuy thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc” nhưng phần nào đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”. Trên thực tế, bất chấp những khó khăn mà thị trường bất động sản đang phải đối mặt, nhu cầu của người dân, nhà đầu tư luôn rất lớn. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp, lực lượng môi giới bất động sản nâng cao chất lượng của đội ngũ, minh bạch thông tin, tạo chất lượng và uy tín để phát triển ổn định, bền vững.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích