Môi giới bất động sản chuyển sang chạy… taxi grab

Đã mấy tháng qua, anh N trú Tại  Thạch Hoà, Thạch Thất , Hà Nội gần như không có thu nhập từ việc môi giới bất động sản. Nỗi lo Tết cận kề, khiến anh phải liên hệ với bạn bè để “xin việc tạm” kiếm thu nhập lo cho gia đình.

Theo cách anh N, thị trường BĐS rất ảm đạm, có sản phẩm tốt (chủ đất hạ giá) cũng khó kiếm khách mua. Chưa kể, nhiều người muốn mua nhưng việc tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khiến họ tiếp tục đợi. Vì thế, “nhiều anh em môi giới hiện sống khá lay lắt, không có nguồn thu từ nghề; bỏ nghề hoặc kiếm việc khác làm tạm”, anh N nói.

Có kinh nghiệm hơn 10 năm làm môi giới (kiêm đầu tư BĐS), hơn 4 tháng nay, anh B gần như không có thu nhập từ việc đầu tư và môi giới BĐS.

Trong khi, bản thân anh vẫn gánh lãi khoản vay ngân hàng hơn 1.5 tỉ đồng (vay để đầu tư đất trước đó). Vì thế, hiện anh B tính dùng chiếc xe ô tô của mình để đăng kí chạy Grab kiếm thêm thu nhập.

 

Cảnh mua bán đầu năm tấp nập và sự ảm đạm từ giữa năm đến nay đã khiến những người môi giới không khỏi chạnh lòng

Trường hợp của chị V lại khác, chị muốn làm cũng không có việc để làm. Là môi giới cho một công ty BĐS, hiện doanh nghiệp này cắt giảm hơn 50% nhân sự, chủ yếu là nhân viên kinh doanh. Dù không bị cắt giảm nhưng chị V gần như “ngồi không” mấy tháng nay. Trong khi, chính sách lương đã bị cắt toàn bộ.

Nghĩa là, nhân viên sale sẽ không nhận được lương cơ bản, bán được sản phẩm thì hưởng hoa hồng. Bị rơi vào “thế khó” khi mà bán hàng không được. Thậm chí, mọi sinh hoạt hiện tại của chị phải vay mượn từ bạn bè, hoặc nhờ sự hỗ trợ từ người thân. Điều này đã khiến chị V chủ động xin nghỉ việc, về quê để kiếm việc khác “làm tạm”; qua Tết nguyên đán tính tiếp.

Tình trạng môi giới BĐS gặp khó đang diễn ra ngày càng nhiều trên thị trường BĐS. Với doanh nghiệp, để tinh gọn bộ máy vận hành, nhiều công ty giảm đến 60-70% nhân sự, số còn lại chuyển sang CTV hoặc giảm lương, chính sách… để cố gắng vượt qua thử thách.

Doanh thu các công ty môi giới đang giảm mạnh, trung bình mức giao dịch rơi vào khoảng 20% so với mức trung bình hàng tháng/theo dự án.

Đặc biệt khó khăn là việc chậm phí môi giới của chủ đầu tư, chính việc chậm phí môi giới này đã làm cho các bạn môi giới đã vất vả thì càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Nhiều nhân sự môi giới tại các doanh nghiệp BĐS hoặc bị cho nghỉ, hoặc chủ động xin nghỉ để tìm việc khác làm tạm, chờ thị trường tốt lên. Họ cũng sẽ khó khăn tìm được việc khác thay thế, nhất là thời điểm cuối năm, cận Tết.

Riêng đối với môi giới tự do, họ thường quen với việc không có lương cơ bản, thời gian thoải mái. Vì thế, khi không bán được sản phẩm, đa số các môi giới này tìm cách để “đi bằng nhiều chân”, tức có nhiều công việc khác cùng lúc để kiếm thu nhập, và chờ thị trường tốt lên. Dĩ nhiên, khó khăn trong nghề là như nhau giữa môi giới doanh nghiệp và môi giới tự do.

Có thể thấy, chỉ trong vòng khoảng nửa năm lại đây, thị trường bất động sản rơi vào tình cảnh ảm đạm, đóng băng.

Phần lớn các môi giới nói riêng và các sàn bất động sản nói chung đều đang phải đối mặt với thực tế nhiều tháng liền không có giao dịch hoặc lượng giao dịch phát sinh quá ít không bù đắp được chi phí vận hành doanh nghiệp.

Hiện khá nhiều sàn giao dịch bất động sản nhỏ lẻ đã phải giải thể, những sàn quy mô cỡ trung và lớn trên thị trường buộc phải cắt giảm nhân sự.

Phát biểu trước truyền thông, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, không khó hiểu khi thị trường trầm lắng, lượng môi giới nghỉ việc, bỏ nghề tăng cao. Bất động sản là mặt hàng đặc thù, giá trị cao, chịu nhiều tác động của các vấn đề chính sách, vĩ mô kinh tế nên không dễ bán, đặc biệt khi thị trường suy giảm.

Giai đoạn thị trường sôi động, việc kiếm tiền có phần dễ dàng đã chứng kiến sự bùng nổ nhân sự của nghề này, nhân sự của rất nhiều ngành nghề khác cũng tham gia làm môi giới. Khi thị trường trầm lắng cũng là giai đoạn để ngành môi giới bất động sản thanh lọc nhân sự.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích