Mối đe dọa nguy hiểm từ nấm bị biến đổi
Mối đe dọa nguy hiểm từ nấm bị biến đổi
Ngày tận thế do nấm được miêu tả trong bộ phim ‘The last of us’ (tạm dịch: ‘Những người sót lại’) có thể là hư cấu. Nhưng giữa biến đổi khí hậu và mất môi trường sống, mối đe dọa từ nấm là có thật.
Nấm bị biến đổi là loại nấm nguy hiểm
Theo trang tin Sixth Tone (Trung Quốc), từ rừng mưa nhiệt đới ở vùng đất thấp đến sông băng trên núi cao, tỉnh Vân Nam ở phía Tây Nam Trung Quốc tự hào có khí hậu, môi trường sống và hệ sinh thái đáng chú ý. Với diện tích lớn hơn Nhật Bản, đây là một điểm nóng về đa dạng sinh học toàn cầu, đặc biệt nổi tiếng với nhiều loại nấm.
Nhưng với nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu và môi trường sống tự nhiên bị thu hẹp trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và mở rộng nông nghiệp, các nhà khoa học đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về một mối đe dọa mới nổi: một số loại nấm có khả năng gây ra các bệnh đe dọa tính mạng ở người.
Nhà nấm học Peter Mortimer – giáo sư tại Viện Thực vật học Côn Minh, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) – đưa ra lời cảnh báo rõ ràng: “Nấm bị biến đổi là loại nấm nguy hiểm”.
Ông nói, hoạt động gia tăng của con người đang gây ảnh hưởng tới các loại nấm trên khắp thế giới bằng cách “làm đảo lộn các hệ thống tự nhiên và phá vỡ các quá trình tự nhiên”. Ở Vân Nam, nấm đã thích nghi với ảnh hưởng như vậy bằng cách phát triển khả năng ăn các vật chất nhân tạo như nhựa và cao su.
Tháng 10 năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên đưa ra danh sách các mầm bệnh nấm có nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe con người. Danh sách này bao gồm 19 loài nấm, không chỉ làm nhiễm trùng có khả năng gây chết người, mà còn kháng các loại thuốc hiện có.
“Tỷ lệ mắc bệnh và phạm vi địa lý của các bệnh nấm đều đang mở rộng trên toàn thế giới do sự nóng lên toàn cầu và sự gia tăng của du lịch và thương mại quốc tế”, cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết.
Ngay cả trước khi có cảnh báo của WHO, các chuyên gia ở Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu dịch tễ học trên toàn quốc về nhiễm nấm.
Trong một bài báo năm 2020 có tiêu đề “Ước tính dựa trên rủi ro về gánh nặng bệnh nấm ở người Trung Quốc”, các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Hoa Sơn và Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải đã hợp tác với các nhà khoa học đến từ Bắc Kinh và Thụy Sĩ, để phân tích dữ liệu trong 70 năm về bệnh nấm ở Trung Quốc.
Bài báo kết luận rằng, “gánh nặng bệnh nấm ở Trung Quốc cao, gây ra tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng”, đồng thời nhấn mạnh về “nhu cầu cấp thiết về xây dựng năng lực chẩn đoán và điều trị”.
Theo trang tin Sixth Tone, đầu năm nay, những mối nguy hiểm do nấm gây ra thậm chí còn xâm nhập vào lĩnh vực văn hóa đại chúng. Trong bộ phim truyền hình ăn khách “The last of us”, một biến thể đột biến của nấm Cordyceps biến con người thành thây ma ăn thịt, gây ra đại dịch toàn cầu.
Mặc dù kỳ lạ, nhưng cốt truyện của nó, bắt nguồn từ khoa học, đã nêu bật những tác động trong thế giới thực của loài nấm gây bệnh. Và Vân Nam – nơi sinh sống của khoảng 100.000 loài nấm – đóng vai trò là đầu mối quan trọng để tìm hiểu và giảm thiểu tác động của thách thức mới nổi này.
Sự đa dạng về nấm của Vân Nam gần gấp 4 lần so với châu Âu
Giáo sư Mortimer cho biết, có thể có tới 100.000 loài nấm ở Vân Nam, trong đó chỉ có 6.000 loài được khoa học biết đến. Ông giải thích rằng sự đa dạng sinh học này bắt nguồn từ sự đa dạng về môi trường sống, hệ sinh thái và khí hậu ở Vân Nam.
Ông nói, sự đa dạng về nấm của Vân Nam gần gấp 4 lần so với châu Âu. Và hầu hết trong số này tập trung ở phía nam tỉnh Vân Nam, như Xishuangbanna, Dehong và Pu’er.
Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác có bao nhiêu loại nấm Vân Nam gây ra mối đe dọa.
Ông Mortimer nói: “Vân Nam là một trong những nơi có sự đa dạng về nấm cao nhất trên toàn cầu, vì vậy, chỉ cần dựa trên số lượng, cũng sẽ có sự đa dạng cao hơn về các loại nấm gây bệnh.”
Hơn nữa, tình trạng nóng lên toàn cầu cũng khiến Vân Nam đang trở nên nóng hơn và khô hơn. Nghiên cứu cho thấy rằng, không chỉ tỉnh này trở nên ấm hơn nhiều kể từ những năm 1990, mà hạn hán nghiêm trọng và các đợt nắng nóng đang diễn ra thường xuyên hơn, đồng thời lượng mưa cũng giảm.
Đồng thời, các hành động của con người, chẳng hạn như chuyển đổi rừng tự nhiên thành đồn điền cao su, đang ảnh hưởng đến đất đai ở Vân Nam, nơi chứa đầy bào tử của hàng nghìn loài nấm.
Ông Mortimer cho biết: “Khi chúng ta chặt phá rừng nhiệt đới và lập đồn điền cao su, chúng ta xâm lấn vào các nguồn nấm gây bệnh tự nhiên trong đất và tăng khả năng tiếp xúc với chúng.”
Theo trang tin Sixth Tone, cao su tốt nhất đến từ nhựa cây Hevea brasiliensis có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới của Brazil. Nhưng phía Nam tỉnh Vân Nam, đặc biệt là Xishuangbanna và Pu’er, rất thích hợp để trồng loài cây này.
Phong trào trồng rừng bắt đầu ở Trung Quốc vào những năm 1970, và đến đầu thế kỷ này, gần 70% diện tích rừng nhiệt đới ở Vân Nam đã được thay thế bằng các đồn điền cây cao su.
Thậm chí tính đến hiện tại, việc mở rộng diện tích cao su vẫn tiếp tục. Theo ước tính chính thức, đến năm 2024, Vân Nam sẽ có gần 6.000 km2 đất trồng cao su.
Đồng thời, quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Vào năm 2021, hơn một nửa trong số 20 triệu dân của Vân Nam đang sống ở các thành phố và thị trấn. Với tốc độ đô thị hóa này, nhu cầu về nhà ở, đường xá, đường hầm và cơ sở hạ tầng mới khác đang không ngừng “xé nát” đất đai.
Nhà nấm học Dhanushka N. Wanasinghe, một nhà nghiên cứu tại Viện Thực vật học Côn Minh, cho biết: “Trong một khu rừng đa dạng sinh học, nấm có kẻ thù tự nhiên nên có sự kiểm soát tự nhiên. Nhưng, nếu chúng ta chuyển vùng đất này sang canh tác độc canh hoặc xây dựng các tòa nhà, thì sẽ không có thiên địch đối với các mầm bệnh nấm này. Sau đó, chúng có thể gây hại cho con người, thực vật và động vật.”
Một kịch bản đang diễn ra trên khắp thế giới
Theo trang tin Sixth Tone, trong 2 thập kỷ qua, nấm gây bệnh đã khiến các loài dơi ở Bắc Mỹ gần như tuyệt chủng, giết chết gần một nửa số ếch ở Trung Mỹ và đang quét sạch các đàn ong mật trên toàn cầu. Nấm thậm chí còn lây nhiễm cho rùa biển và san hô, vì ngày càng có nhiều mầm bệnh được thải ra biển.
Nghiên cứu của giáo sư Mortimer đã chỉ ra khả năng thích ứng của nấm Vân Nam. Trong các đồn điền cây cao su ở Xishuangbanna, nấm đã học cách ăn túi nhựa bỏ đi và chất thải bùn cao su – chất lỏng chảy ra từ quá trình chế biến cao su thô.
Nấm ăn nhựa có thể xuất hiện như một giải pháp tiềm năng cho vấn đề chất thải ngày càng gia tăng. Nhưng nghiên cứu của nhóm Mortimer đã làm sáng tỏ một hiện tượng mới đáng lo ngại: Khi rừng ở Vân Nam được thay thế bằng đồn điền cao su, mầm bệnh thực vật – nấm tấn công thực vật – đã xuất hiện trong đất.
Ông Mortimer cho biết, những loại nấm như vậy hiện tại chỉ gây ra mối đe dọa cho thực vật chứ không phải con người. Nhưng ông cũng cảnh báo thêm: “Tôi không muốn đưa thông tin giật gân, nhưng có thể các mầm bệnh khác cũng có thể xuất hiện từ những hệ thống bị xáo trộn này”.
Nhà nấm học Wanasinghe cho biết thêm: “Vân Nam có rất nhiều, có lẽ hàng trăm loài nấm Aspergillus và Alternaria. Chúng tôi chưa nghiên cứu kỹ về chúng, và chúng tôi chưa biết rủi ro. Tuy nhiên, nếu số lượng bào tử trong không khí tăng lên, những người có khả năng miễn dịch yếu hơn hoặc có vấn đề về hô hấp có thể trở nên rất dễ mắc bệnh”.
Giáo sư Mortimer cho biết, đại dịch Covid-19 đã chứng minh mối đe dọa do Aspergillus và Alternaria gây ra. Trên khắp thế giới, những loại nấm này đã gây nhiễm trùng phổi nghiêm trọng ở những người có hệ miễn dịch bị suy yếu do mắc Covid-19 nặng.
Vân Nam cũng có hàng trăm loài nấm Mucor, Fusarium và Morteriella. Ông Mortimer giải thích rằng, những loại nấm sống trong đất này “là mầm bệnh thực vật nhiều hơn, nhưng có một số loại lây nhiễm cho con người”.
Theo giáo sư Mortimer, nấm Mucor thông thường là vô hại, nhưng có thể gây ra bệnh mucocycosis — một bệnh nhiễm trùng phổi, xoang và đôi khi là cả não. Căn bệnh này tấn công những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu, và ở một số quốc gia đã dẫn đến cái chết của nhiều người mắc Covid-19 nặng. Nó có tỷ lệ tử vong gần 50%.
Histoplasma – một loại nấm khác phổ biến ở Vân Nam – gây bệnh histoplasmosis – một bệnh nhiễm trùng phổi có khả năng gây tử vong.
“Loại nấm này là một loại nấm đất lành tính sống trên phân dơi trong hang động, nhưng nó có thể trở thành mầm bệnh. Người dân đang đi vào các hang động để thu thập phân chim để làm phân bón và bây giờ, các bào tử nấm đang trôi nổi xung quanh. Các nghiên cứu dự đoán rằng đây là một trong những căn bệnh mà chúng ta sẽ chứng kiến tỷ lệ mắc cao hơn”, ông Mortimer nói.
Trên khắp thế giới, bệnh nấm đang gia tăng và nghiên cứu gần đây ước tính rằng, chỉ riêng ở Trung Quốc đã có hơn 70 triệu người mắc bệnh này. Hầu hết, như bệnh nấm móng (nhiễm trùng móng) hoặc viêm giác mạc do nấm (nhiễm trùng mắt) tương đối vô hại. Nhưng một số bệnh rất nguy hiểm, ví dụ như viêm màng não do cryptococcus, nhiễm trùng não và tủy sống.
“Nấm cực kỳ cơ hội và rất dễ thích nghi. Nếu môi trường mà chúng ta tạo ra cho chúng cơ hội để phát triển, thì chúng ta sẽ thấy vấn đề gì đó nổi lên”, giáo sư Mortimer nói.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, không có “kịch bản ngày tận thế” ở Vân Nam. Hiện tại, nấm biến đổi đang ăn cao su và nhựa, nhưng chúng ta phải cảnh giác.
Ông Mortimer khẳng định tầm quan trọng của việc thiết lập một hệ thống kiểm tra các mầm bệnh nấm tiềm ẩn trước khi đất được chuyển đổi thành ruộng nông nghiệp, nhà ở hoặc đường giao thông. Ông nói: “Để giảm thiểu sự xuất hiện của mầm bệnh nấm, một giải pháp đơn giản là giảm thiểu sự xáo trộn đất đai và xâm phạm môi trường sống tự nhiên.”
“Khi bạn không thể tránh được việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất như vậy, bạn có thể thực hiện việc đánh giá đa dạng sinh học nấm trong cảnh quan sẽ bị ảnh hưởng, để xem loại nấm nào hiện diện và sau đó đưa ra quyết định có chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay không”, giáo sư Mortimer kết luận.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị