Mở rộng không gian ngành điện

Đây là tiền đề để các địa phương, tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư có cơ sở triển khai, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng của Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII tập trung xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án/dự án đáp ứng các mục tiêu đề ra cũng như nhu cầu điện cho phát triển kinh tế – xã hội theo từng thời kỳ, bảo đảm điện đi trước một bước; đồng thời, thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Quy hoạch điện VIII là nội dung khó, được nhiều cấp, ngành, tổ chức, đơn vị trong nước và nước ngoài quan tâm. Bản Kế hoạch thực hiện do đó cũng có nhiều ý kiến trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhằm xây dựng kế hoạch tổng thể, có tính khả thi, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế – xã hội. Dù Bộ Công Thương đã rất nỗ lực, cố gắng hoàn thiện kế hoạch này theo đúng tiến độ, tuy nhiên vẫn có sự chậm trễ vì còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc.

Đầu tháng 4 vừa qua, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt. Bản Kế hoạch đã chi tiết hóa các nội dung của Quy hoạch điện VIII, trong đó xác định cụ thể tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên của ngành điện giai đoạn tới năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, làm cơ sở triển khai và điều hành phát triển nguồn điện, gồm: Dự án điện khí trong nước, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), thủy điện vừa và lớn, thủy điện tích năng,…

Đối với các dự án lưới điện truyền tải, trong kế hoạch cũng đã xác định được giai đoạn vận hành cũng như hình thức đầu tư các dự án (nhà nước hoặc xã hội hóa) để làm cơ sở đầu tư phát triển lưới điện truyền tải, bảo đảm đồng bộ với phát triển nguồn điện cũng như cải thiện, nâng cao chất lượng, độ tin cậy của lưới điện truyền tải.

Bên cạnh đó, kế hoạch thực hiện đã xác định rõ hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng, bao gồm: Trung tâm 1 tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và khu vực lân cận (quy mô khoảng 2.000 MW) và Trung tâm 2 tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh và mở rộng lân cận trong tương lai; xác định danh mục các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo phù hợp với quy mô công suất tính toán, phân bổ cho các địa phương.

Đối với nguồn điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc và báo cáo các cấp có thẩm quyền để xem xét xác định cụ thể các dự án trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ cũng đã báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc khi xem xét, đánh giá tính pháp lý, bảo đảm không được phép hợp thức hóa các sai phạm đối với các dự án điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư.

Diên Vĩ

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích