Mở hơn nữa cánh cửa thị thực
Thay đổi sớm chính sách thị thực sẽ là đòn bẩy chính và quan trọng trong vài tháng tới, khi khách du lịch lên kế hoạch cho mùa Giáng sinh và cuối năm.
Đầu năm nay, khi Việt Nam quyết định mở cửa đón khách du lịch trở lại trong bối cảnh dịch bệnh Covid được kiểm soát, nhiều nước Đông Nam Á khác vẫn đang dè dặt, và đối với những du khách đã từng bị ghìm chân trong vài năm qua, đây quả là một lựa chọn thú vị.
Nhiều du khách châu Âu đã háo hức chờ đến kỳ nghỉ hè để quay lại châu Á, và không ngạc nhiên khi Việt Nam được lựa chọn là một điểm đến.
Sau một thời kỳ dài bị trói buộc bởi các quy định về phòng chống dịch, thói quen và cơ cấu khách du lịch trên thế giới cũng đã thay đổi một cách đáng kể. Ngành du lịch trên thế giới bắt đầu làm quen với những xu hướng mới, ví dụ các khách du lịch cá nhân, nhóm nhỏ đã và sẽ chiếm số lớn trong các du khách từ châu Âu và Bắc Mỹ. Khách du lịch trẻ sẽ là những nhóm đầu tiên quay lại, họ đi dài ngày hơn, quan tâm nhiều đến các giá trị và trải nghiệm địa phương. Dường như xu thế này sẽ trở nên phổ biến và dẫn dắt trong những năm tới.
Và đó là một trong số những ưu thế của một điểm đến có nhiều thứ hấp dẫn như Việt Nam, với sự đa dạng của văn hóa và lối sống, an ninh tốt và chi phí hợp lý. Việt Nam, vì thế, được khá nhiều người trẻ tuổi lựa chọn làm điểm đến cho chuyến đi đầu tiên của họ đến châu Á sau đại dịch.
Nhưng sau vài tháng, những ưu thế của điểm đến đầu tiên mở cửa trở lại ở châu Á đã không còn nữa, nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng đã mở cửa trở lại.
Du khách trải nghiệm “phố đường tàu” ở Hà Nội. (Ảnh minh họa: Mạnh Quân). |
Không chỉ mở cửa, các quốc gia Đông Nam Á đang trực tiếp cạnh tranh thu hút khách với Việt Nam cũng đã có những chính sách linh hoạt để thu hút khách du lịch trở lại.
Indonesia không chỉ cho phép du khách không thuộc danh sách 28 quốc gia hạn chế được đến nước này trong 30 ngày mà không cần visa, du khách từ 68 quốc gia khác, gồm hầu hết các quốc gia là nguồn khách du lịch chính được cấp thị thực tại cửa khẩu (visa-on-arrival) với thời gian lưu trú dài hơn 30 ngày và có thể gia hạn.
Bali, một điểm du lịch chính của Indonesia, còn áp dụng những loại hình thị thực khác, ví dụ cấp cho khách du lịch “du mục số”, là các công dân nước ngoài muốn làm việc trực tuyến cho các công ty ở quốc gia khác và đến ở Bali, họ có thể xin cấp visa du mục số với thời hạn 5 năm tại Bali và không phải đóng thuế khi đến ở đó.
Thái Lan, một điểm cạnh tranh du lịch chính với Việt Nam ở Đông Nam Á, cũng rất linh hoạt với chính sách thị thực du lịch cởi mở. Khách du lịch ở hầu hết các thị trường chính đều có thể đến Thái Lan mà không cần visa cho các chuyến đi dưới 30 ngày.
Hôm 31/8 vừa rồi, Trung tâm hành động chống Covid-19 của Chính phủ Thái lan đã đồng ý với đề xuất của Cơ quan du lịch nước này, kể từ 1/10/2022 (đến 31/3/2023) mở rộng thời gian với hầu hết các thị trường du lịch chính, cho phép du khách được miễn thị thực hoặc cấp thị thực tại cửa khẩu đến 45 ngày.
Trong bối cảnh như vậy, khách du lịch đến Việt Nam đang gặp những trở ngại nhất định khiến không ít người đã từ bỏ lựa chọn Việt Nam hoặc buộc phải cắt ngắn chuyến đi của họ. Một số không nhiều du khách từ các thị trường du lịch chính và được miễn visa chỉ có thể cư trú ở Việt Nam dưới 15 ngày, không thể gia hạn; khách du lịch với visa thì cũng chỉ có thể thực hiện chuyến đi trong thời hạn 30 ngày.
Đã có khá nhiều du khách phải lựa chọn thêm một điểm đến ngoài Việt Nam vì không thể ở nhiều hơn 15 ngày. Hệ thống E-visa của chúng ta cũng khiến một số khách gặp khó khăn, ví dụ đã có trường hợp khách ở một số nước với các ký tự đặc biệt trong tên của mình không thể xin visa trên hệ thống E-visa sử dụng các ký tự latin. Như trường hợp một du khách Đức mà tôi gặp tháng trước, cô ấy đã đành phải chọn thêm vài ngày ở Bali để đến sau hai tuần ở Việt Nam, rồi mới lại quay trở lại Việt Nam, tiếp tục chuyến đi…
Trong phiên họp Chính phủ đầu tháng này, Thủ tướng đã chỉ thị các cơ quan liên quan nghiên cứu và đề xuất chính sách thị thực mới để thúc đẩy việc phát triển du lịch trong những tháng tới. Tôi nghĩ, có lẽ đã đến lúc các cơ quan hữu quan nên cân nhắc và xây dựng chính sách về thị thực cởi mở hơn, đặc biệt trong hoàn cảnh chúng ta cần cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực và với thực tế, là cơ cấu khách du lịch đã thay đổi, khách du lịch trẻ và cá nhân, nhóm nhỏ đang chiếm thị phần lớn trong cơ cấu.
Thay đổi sớm và kịp thời, sẽ là đòn bẩy chính và quan trọng trong vài tháng tới, khi khách du lịch lên kế hoạch cho mùa du lịch chính dịp Giáng sinh và cuối năm. Thu hút khách quay lại quan trọng, nhưng quan trọng không kém, là thu hút khách cư trú dài ngày hơn và chi tiêu nhiều hơn. Điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào một chính sách thị thực cạnh tranh và cởi mở hơn của chúng ta.
Nguồn: Báo xây dựng