Mô hình xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp
Hưởng ứng phong trào “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 996/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương khắp cả nước như Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đã bắt đầu triển khải thực hiện những nhiệm vụ liên quan tới Đề án 996 nhằm nâng cao năng lực đo lường, thử nghiệm và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp tại địa phương. Sự thành công của nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng các chương trình, tài liệu đào tạo và tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới hoạt động đo lường thông qua thực hiện các chương trình đảm bảo đo lường để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế” thực hiện bởi Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ((QTC), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại 5 doanh nghiệp thí điểm trên khắp cả nước đã chứng minh lợi ích và tầm quan trọng trong việc củng cố và đổi mới hoạt động đo lường tại doanh nghiệp/tổ chức, nhằm mục đích nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thất thoát, tăng cường lợi nhuận trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Với tình hình thực tế trên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiệm vụ “Mô hình xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp” nhằm tuyên truyền lợi ích và hiệu quả của việc triển khai và xây dựng chương trình đảm bảo đo lường, đặt nền móng thực tiễn cho việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và triển khai chương trình này. Đơn vị chủ trì, QTC, cùng với sự phối hợp của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường tỉnh Gia Lai, đã đánh giá được thực trạng đảm bảo đo lường của một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn, hỗ trợ thành công 2 doanh nghiệp xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp.
Để đạt được các mục tiêu cụ thể của nhiệm vụ, nhóm chuyên gia thực hiện thu thập thông tin sơ bộ tại một số tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai để xác nhận các thông tin về đối tượng được đổi mới, nâng cao hoạt động đo lường thuộc ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên theo Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN quy định về “Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025 định hướng đến năm 2030”.
Bước tiếp theo, nhóm chuyên gia chọn lọc hai doanh nghiệp tiêu biểu, triển khai khảo sát chuyên sâu và thực hiện tư vấn, hỗ trợ về đảm bảo đo lường cho hai doanh nghiệp này.
Một số hình ảnh về quá trình khảo sát tại doanh nghiệp.
Tại bước khảo sát sơ bộ, nhóm chuyên gia thực hiện khảo sát tại 23 tổ chức/doanh nghiệp đến từ các lĩnh vực khác nhau như sản xuất hàng đóng gói sẵn (HĐGS), kinh doanh bán lẻ xăng dầu và cung cấp dịch vụ hoặc có hoạt động về đo lường – thử nghiệm. Nhìn chung, đa phần doanh nghiệp được khảo sát tại Gia Lai đều có nhu cầu thực hiện chương trình đảm bảo đo lường.
Nhóm chuyên gia cũng thống kê những vướng mắc và khó khăn chung của doanh nghiệp theo từng lĩnh vực sản xuất/kinh doanh. Đối với lĩnh vực sản xuất HĐGS, hầu hết đang đều có nhu cầu hỗ trợ về nâng cao năng lực kỹ thuật về kiểm tra độ chính xác của cân sử dụng trong đóng gói HĐGS và nghiệp vụ kiểm tra hàng đóng gói sẵn và quy định tem nhãn phù hợp với quy định của nhà nước theo Thông tư 21/2014/TT-BKHCN “Quy định về đo lường với lượng hàng đóng gói sẵn”. Việc kiểm soát tem nhãn và lượng HĐGS ảnh hưởng rất lớn đến vốn đầu tư và hao hụt đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Tương tự như các địa phương khác Gia Lai, tại các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu, đào tạo quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu theo Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN là nội dung được quan tâm chủ yếu do còn một số nội dung trong Thông tư còn chưa rõ đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh này. Ngoài ra, tại Gia Lai, một số doanh nghiệp bắt đầu chú trọng hơn với việc xây dựng các phép thử nghiệm chất lượng xăng dầu ngay tại cơ sở kinh doanh của mình nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Trong khi đó, tại lĩnh vực kinh doanh hoặc lĩnh vực liên quan đến dịch vụ đo lường và thử nghiệm, ngoài nhu cầu về mở rộng, củng cố năng lực phòng thí nghiệm như các địa phương khác, doanh nghiệp tại Gia Lai đang rất quan tâm chú trọng với những khúc mắc và nâng cao nhận thức về các hệ thống quản lý phòng thí nghiệm đặc biệt là đối với tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017. Các doanh nghiệp/tổ chức sản xuất tại địa bàn rất chú trọng và quan tâm tới việc xây dựng, củng cố và mở rộng năng lực, các lĩnh vực phép đo nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi xuất hàng.
Sau khi hoàn tất nội dung khảo sát một số doanh nghiệp tại địa bàn, nhóm chuyên gia thực hiện lựa chọn ra hai doanh nghiệp để thực hiện thí điểm chương trình đảm bảo đo lường tại địa bàn tỉnh Gia Lai. Dựa theo các tiêu chí: “Thuộc đối tượng ưu tiên hỗ trợ, đổi mới hoạt động đo lường theo QĐ 3807/QĐ-BKHCN”, “Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hoá có giá trị, có lưu lượng trao đổi, mua bán lớn; các sản phẩm điển hình; các doanh nghiệp lớn, uy tín và có tính đại diện ngành…”, “Hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn chặt với sử dụng phương tiện đo, kiểm tra thử nghiệm…”, :Hoạt động sản xuất, kinh doanh có mục tiêu Tiết kiệm nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhân công, giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ;
Tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hoá dịch vụ”, “Khả thi về năng lực, tổ chức quản lý hoạt động đo lường; khả thi về thời gian thực hiện, nguồn lực thực hiện…” và “Cam kết phối hợp thực hiện chương trình”. Hai doanh nghiệp được nhóm chuyên gia lựa chọn là Công ty cổ phần đầu tư và Phát triển điện Sê San 3A thuộc lĩnh vực sản xuất và truyền tải phân phối điện năng và đo, thử nghiệm chất lượng thiết bị điện, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bắc Tây Nguyên thuộc linh vực kinh doanh buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan.
Căn cứ theo quyết định số 510/QĐ-BKHCN về việc “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”, cùng với sự thành công của QTC trong nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng các chương trình, tài liệu đào tạo và tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới hoạt động đo lường thông qua thực hiện các chương trình đảm bảo đo lường để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế”, nhóm chuyên gia xây dựng quy trình theo các nội dung chính bao gồm “Phân tích, đánh giá thực trạng đảm bảo đo lường”, “Xây dựng Chương trình đảm bảo đo lường” và “Tổ chức triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đo lường”.
Tại bước “Phân tích, đánh giá thực trạng đảm bảo đo lường” các chuyên gia hỗ trợ bộ phân chuyên trách về đo lường thử nghiệm của doanh nghiệp phân tích, đánh giá các yếu tố về tổ chức quản lý, phương pháp của đảm bảo đo lường và kỹ thuật của đảm bảo đo lường. Từ đó doanh nghiệp đưa ra đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần tăng cường, đổi mới tại doanh nghiệp. Sau khi hoàn tất phân tích và đánh giá thực trạng, nhóm chuyên gia hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp xác định mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, giải pháp cho từng năm, từng giai đoạn và dự kiến hiệu quả thực hiện.
Dựa vào đó, doanh nghiệp xây dựng dự thảo thuyết minh và dự thảo chương trình đảm bao đo lường thực hiện tại doanh nghiệp, phê duyệt chương trình đảm bảo đo lường cho mình. Cuối cùng nhóm chuyên gia tư vấn và hỗ trợ triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.
Tại nội dung này, nhóm chuyên gia hỗ trợ doanh nghiệp phổ biến, hướng dẫn triển khai Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp đã xây dựng cán bộ, nhân viên doanh nghiệp. Những vướng mắc và nhu cầu về nghiệp vụ kỹ thuật về đo lường và thử nghiệm của doanh nghiệp đều được đào tạo và tập huấn bởi chuyên gia chuyên ngành từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Gia Lai.
Một số hình ảnh về quá trình tư vẫn và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chương trình đảm bảo đo lường.
Hai chương trình đảm bảo đo lường đã được phê duyệt vào ngày 10/11/2023 tại Công ty cổ phần đầu tư và Phát triển điện Sê San 3A và ngày 1/12/2023 tại Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bắc Tây Nguyên. Tại hai chương trình này, các doanh nghiệp củng cố và chuẩn hoá lại các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế và quy đinh theo thông tư quản lý nhà nước để đảm bảo năng suất, chất lượng và giảm thiểu hao hụt trong quá trình kinh doanh và sản phẩm nhưng vẫn phù hợp với quy định quản lý nhà nước. Bên cạnh đó năng lực kỹ thuật của nhân sự tại các doanh nghiệp cũng được nâng cao thông qua các khoá đào tạo và tập huấn tới từ nhóm chuyên gia.
Để lan rộng và củng cố nhận thức của doanh nghiêp tại địa bàn Gia Lai cũng như tới các doanh nghiệp thuộc các tỉnh lân cận. Hội nghị phổ biến kết quả nhiệm vụ đã được tổ chức thành công với sự tham gia của 50 cán bộ, chuyên gia đến từ 23 doanh nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai.
Nhiệm vụ “Mô hình xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp” tại tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả nổi bật làm cơ sở thực tiến để hướng dân, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đo lường. Nhiệm vụ này đã thành công gây sự chú ý tới doanh nghiệp trong địa bàn về lợi ích, hiệu quả của việc xây dựng và triển khai xây dựng chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp. Nhiệm vụ cũng thành công xây dựng hai mô hình thí điểm tại địa bàn, giúp các doanh nghiệp này củng cố lại hệ thống quản lý, năng lực kỹ thuật, từ đó nâng cáo năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá và giảm thiểu được các rủi ro, hao hụt trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiệm vụ này cũng là tiền đề để địa bàn liên kết và trao đổi với phong trào đảm bảo đo lường trên cả nước, hoà nhập với mạng lưới chung hạ tầng chất lượng quốc gia.
Nguyễn Vũ Lê