Mô hình thông tin công trình (BIM): Kinh nghiệm trong thiết kế hạ tầng giao thông

Mô hình thông tin công trình (BIM): Kinh nghiệm trong thiết kế hạ tầng giao thông

Giải pháp ứng dụng BIM là xu hướng tất yếu, mang lại nhiều lợi ích, khuyến khích vai trò của các bên tham gia dự án, cũng như thấy được những thách thức và khó khăn trong tương lai khi áp dụng BIM.

Kết quả thực tiễn từ dự án hy vọng cung cấp thông tin hữu ích cho các dự án sắp được triển khai BIM trong tương lai.

1. Giới thiệu

Với sự phát triển có công nghệ số 4.0, các ngành cùng nhau thực hiện cải cách số hóa, công nghệ để nâng cao hiệu quả lao động, cải tiến chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian, giảm chi phí sản xuất, góp phần thuận lợi trong khai thác và vận hành sản phẩm. Trong bối cảnh đó, cả xây dựng và hạ tầng giao thông đòi hỏi phải có những cải tiến đáng kể để đáp ứng sự phát triển của xã hội.

Mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling, BIM) là thuật ngữ được sự quan tâm của chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo, đơn vị và cá nhân tham gia trong hoạt động xây dựng. BIM đã cải thiện hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, tăng mức độ tương tác của các bên tham gia dự án bao gồm: chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây lắp, cơ quan quản lý vận hành dự án (Le et al. 2015; Sawhney et al. 2020).

BIM đã được áp dụng trên thế giới ở nhiều nước và mang lại hiệu quả. Cụ thể: Hoa Kỳ từ năm 2003, các dự án công đã áp dụng BIM và hiện nay có hơn 70% các doanh nghiệp đang áp dụng BIM cho các công trình; Tại các nước Bắc Âu: từ những năm 2007, đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, các nước Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Đan mạch đã áp dụng mô hình BIM; Tại châu Á: Singapore đã bắt buộc áp dụng BIM cho công trình diện tích trên 5000m2 bắt đầu tư năm 2015.

Về các nghiên cứu trên thế giới, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ứng dụng BIM cho ngành Xây dựng chính là xu hướng, mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên cũng còn nhiều thách thức mà các đơn vị tham gia gặp phải trong quá trình chuẩn bị thực hiện BIM (Azhar 2011, Ullah et al. 2019). Nghiên cứu về cải tiến yếu tố hình học của mô hình đã nghiên cứu tổng quan theo nghiên cứu của nhóm tác giả Radanovic và cộng sự [Radanovic -2020].

Nghiên cứu về tổng hợp mô hình thông tin xây dựng (BIM) và ra quyết định đa tiêu chí để cải thiện việc tích hợp thông tin và ra quyết định hợp lý để tăng tính bền vững công trình xây dựng (Tan et al. 2021). Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng: BIM là công cụ hữu ích để đánh giá tương đối toàn diện vòng đời của công trình xây dựng (Alvi et al. 2023) và công trình hạ tầng kỹ thuật (Hussain et al. 2023). Nhìn chung, các nghiên cứu về BIM thông thường sử dụng tiêu chuẩn ISO 19650; ISO 14040 để làm nền tảng khi sử dụng BIM.

Tại Việt Nam, lộ trình BIM có thể tóm tắt 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (thí điểm), bắt đầu từ năm 2016 theo Quyết định 2500/QĐ-TTg ngày 22/ 12/ 2016 của Thủ tướng chính phủ; Giai đoạn 2 (khuyến khích), bắt đầu năm 2021 theo nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/ 3/ 2021; Giai đoạn 3 (bắt buộc áp dụng đối với các công trình cấp I) bắt đầu tư năm 2023 theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/ 3/ 2023.

Một số nghiên cứu về BIM chỉ ra rằng sự cần thiết của việc áp dụng BIM trong các công trình xây dựng dân dụng, cầu đường, hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó là những khó khăn và vấn đề phát sinh gặp phải khi áp dụng BIM cho các công trình ở Việt Nam (Le et al. 2018, Ngo et al. 2020]. Một số tác giả đã nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến BIM dựa vào công trình thực tế ở Việt Nam (Nguyen et al. 2021). Các nghiên cứu cũng chứng minh việc bóc tách khối lượng dựa vào mô hình BIM thuận lợi và hiệu quả cao (Dang et al. 2018, Luu et al. 2020).

Bài báo trình bày trình tự để thành lập mô hình thông tin công trình (BIM) cho công trình hạ tầng giao thông. Kết quả bài báo đưa ra quy trình thực hiện, tạo lập mô hình dữ liệu chung (Common Data Environment-CDE) và các bước thành lập mô hình BIM điển hình cho công trình hạ tầng giao thông (Báo cáo tổng hợp áp dụng BIM). Kết quả chỉ ra rằng, việc áp dụng BIM trong dự án hạ tầng giao thông là cần thiết và gần như bắt buộc trong thời gian sắp tới.

Thông qua mô hình BIM, các thông tin của công trình được tích hợp và xử lý một cách chính xác nên có rất nhiều thuận lợi trong suốt vòng đời của dự án, hiệu quả mang lại cao, chi phí thấp. Trong quá trình thực hiện, cũng chỉ ra được những thách thức và khó khăn khi áp dụng BIM trong thiết kế công trình hạ tầng giao thông dùng mô hình BIM.

2. Áp dụng BIM trong dự án hạ tầng giao thông

2.1. Quy trình thực hiện

Nhìn chung, đối với lĩnh vực xây dựng, mô hình BIM được triển khai theo quy trình phối hợp chặt chẽ các bên: tư vấn ứng dụng BIM, nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp, cơ quan quản lý và vận hành công trình (Hình 1). Về quy trình thực hiện dự án hạ tầng giao thông sẽ bao gồm các bước: Quy hoạch, thiết kế, thi công, khai thác và vận hành công trình. Đặc biệt, trong giai đoạn thiết kế sẽ thực hiện tối ưu hóa kết cấu, giảm thiểu xung đột và giao cắt, tiết kiệm thời gian xử lý kỹ thuật trong quá trình thi công.

Kinh nghiệm trong thiết kế hạ tầng giao thông
Hình 1. Quy trình thực hiện BIM trong dự án hạ tầng giao thông.

2.2. Môi trường dữ liệu chung

Môi trường dữ liệu chung (gọi tắt là CDE) là cốt lõi trong quá trình tạo dựng mô hình BIM (hình 2). Ở đó, các đối tượng thực hiện mô hình dùng để thu thập, chứa đựng thông tin. Hơn thế nữa, đó còn là nơi để các bên tham gia dự án phối hợp công việc liên quan. CDE là nơi cho phép chia sẻ, truy cập, và trao đổi thông tin một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời giữa tất cả các bên tham gia như quản lý dự án, thiết kế, quản lý và vận hành công trình.

Các thông tin được tạo dựng trong các giai đoạn sẽ được kiểm tra thông qua các cổng kiểm soát từ các chủ thể khác nhau. Mỗi dự án sẽ sử dụng một bộ dữ liệu chung CDE trong suốt vòng đời. Hiện nay, mục tiêu ứng dụng và quản lý là cơ sở để phân loại CDE trong lĩnh vực xây dựng nói chung.

Kinh nghiệm trong thiết kế hạ tầng giao thông
Hình 2. Môi trường dữ liệu chung (Báo cáo tổng hợp áp dụng BIM)

Đối với một dự án áp dụng BIM, CDE đóng vai trò như là xương sống định hình toàn bộ quá trình ứng dụng BIM. Chính vì vậy việc lựa chọn giải pháp CDE có ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu áp dụng BIM đã đề ra ban đầu. Hiện nay, hầu hết các hãng cung cấp các phần mềm phục vụ ứng dụng BIM đều có các giải pháp CDE có thể kể đến: BIM 360 của Autodesk, Trimble Connect của Trimble, BCDE của Bentley,… Tuy nhiên, các giải pháp trên đều chưa đáp ứng hết nhu cầu của các bên tham gia dự án và đặc biệt là chưa phù hợp với thực trạng ngành xây dựng ở nước ta. Vì vậy, khi áp dụng vào dự án mang lại hiệu quả không cao.

Trong nghiên cứu này, CDE có tên BIMNEXT được phát triển bởi công ty IDECO để phục vụ cho các dự án ứng dụng BIM tại Việt Nam. Giải pháp được Việt hóa làm tăng khả năng tiếp cận và sử dụng cho người dùng. Được tạo lập dựa theo các nội dung trong Quyết định số 348/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về việc “Công bố Hướng dẫn chung áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM)”.

Các tính năng phân quyền và tổ chức dữ liệu được xây dựng phù hợp với các dự án ở Việt Nam. Các tính năng phân quyền và tổ chức dữ liệu được xây dựng phù hợp với các dự án ở Việt Nam. Các chức năng phân quyền, tổ chức dữ liệu được tạo lập theo hướng mở giúp người dùng có thể tự tổ chức theo đặc điểm của từng dự án. Trong đó phải kể đến khả năng xây dựng thêm những công cụ mới phù hợp với nhu cầu cụ thể.

Nội dung chính được thực hiện môi trường dữ liệu chung: Địa chỉ liên kết, đăng ký và đăng nhập, lời mời tham gia dự án, phân quyền truy cập, các nhóm chức năng chính, hệ thống lưu trữ, quản lý mô hình cộng tác trên BIM và cách thức triển khai thực hiện công việc CDE.

2.3. Chuẩn bị áp dụng BIM Bảng 1. Mức độ phát triển LOD của đối tượng cần thể hiện

Kinh nghiệm trong thiết kế hạ tầng giao thông

Đối với công trình hạ tầng giao thông, việc mô hình BIM cho các đối tượng được thực hiện trên các phần mềm tùy theo mức độ phát triển thông tin (Level of Development, LOD). Trong ứng dụng BIM, quá trình dựng hình cho công trình được quy định về mức độ phát triển của mô hình hay mức độ chi tiết của mô hình để đảm bảo dữ liệu khai thác từ mô hình cho các giai đoạn khác nhau của dự án.

Hệ thống LODXXX về cơ bản là các con số mô phỏng sự khác nhau của mức độ phát triển đối tượng mô hình qua các cấp độ. Chỉ số LOD càng cao thì thuộc tính hình học và nội dung thông tin càng cụ thể và đáng tin cậy. Các cấp độ chính LOD 100 – LOD 500 được thực hiện tùy theo cấp độ của hồ sơ thiết kế công trình.

LOD 100: là cấp độ thấp nhất, thường được thể hiện bằng một hình khối chung hoặc bằng một ký hiệu làm đại diện hay mang tính biểu tượng (không phải là hình dạng, kích thước hay vị trí chính xác của đối tượng). Cấp độ này áp dụng khi triển khai các ý tưởng thiết kế ban đầu, ước tính chi phí (khái toán), các thông tin về biện pháp xây dựng, khái toán chi phí trên mét vuông v.v… nên được tích hợp trong mô hình của cấp độ này.

Các thông tin từ cấp độ này đều là gần đúng (chưa chính xác); LOD 200: là cấp độ trong đó đối tượng được mô hình bằng đồ họa có hình dạng hình học nhưng vị trí phương hướng, vị trí công trình, yếu tố hình học và số lượng các cấu kiện chỉ mang tính tương đối. Cấp độ này cũng có thể tích hợp các thông tin phi hình học vào đối tượng mô hình. LOD 200 thường được dùng trong giai đoạn thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng; hỗ trợ trong việc lập sơ bộ chi phí đầu tư, thống kê, phân loại và các hạng mục trong công trình.

Các thông tin từ cấp độ này đều là gần đúng; LOD300: là cấp độ khi đối tượng được biểu diễn đồ họa nhưng chuẩn xác số lượng và các đặc điểm vật lý. Từ mô hình có thể trích xuất thông tin mà không cần chỉ dẫn, ghi chú hoặc tham chiếu. Các thông tin ở cấp độ LOD 300 phải phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và khối lượng công tác có thể được bóc tách từ cấp độ này. LOD 300 còn dùng để thống kê, phân loại, phân tách các giai đoạn xây dựng công trình.

Cấp độ này có thể ứng dụng trong bước thiết kế kỹ thuật của dự án đầu tư xây dựng. LOD 350: là cấp độ trong đó đối tượng được biểu diễn bằng đồ họa theo hệ thống. Các thông tin về vị trí, phương/chiều, số lượng, hình dạng và kích thước được thể hiện chính xác. Hơn thế nữa, cấp độ này còn thể hiện sự liên kết các hạng mục hay các hệ thống trong công trình. Từ mô hình có thể trích xuất thông tin mà không cần chỉ dẫn, ghi chú hoặc tham chiếu.

Các thông tin ở cấp độ LOD 350 phải phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và đủ thông tin và chính xác để có thể lập bảng khối lượng vật tư đầy đủ các công tác và cung cấp các tài liệu, phân chia các giai đoạn để thi công. Cấp độ này phù hợp với giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công; LOD 400: là cấp độ trong đó đối tượng được biểu diễn bằng đồ họa theo hệ thống chính xác các thông tin hình học, vật lý, vị trí và phương/chiều, và có đủ thông tin về chi tiết cấu tạo phục vụ cho gia công, lắp đặt.

Từ mô hình có thể trích xuất thông tin mà không cần chỉ dẫn, ghi chú hoặc tham chiếu. Cấp độ LOD 400 là mô hình để phục vụ thi công do đó biện pháp thi công lắp dựng, thông tin thiết bị máy móc phải phù hợp; LOD500: là cấp độ với mức độ thông tin chi tiết về kích thước, vị trí, hình dạng, số lượng và phương/chiều đã được kiểm tra chính xác trên công trường. Cấp độ này không thể hiện mức độ chi tiết cao hơn về thông tin hình học cũng như phi hình học so với LOD 400. LOD 500 được xem như mô hình vận hành/ mô hình hoàn công. Đối với công trình hạ tầng giao thông, các cấp độ LOD được thể hiện trong bảng 1.

2.4. Tạo lập mô hình

Tạo lập mô hình BIM của các đối tượng phải đầy đủ, chính xác kích thước hình học và phi hình học theo mức độ chi tiết đã liệt kê bên trên. Bên cạnh đó, các tiện ích về truy xuất dữ liệu, tính đồng nhất, phù hợp với các tiêu chuẩn, quy trình, và quy phạm hiện hành của Việt Nam.

Trong phạm vi bài báo trình bày công việc tạo lập mô hình hóa ở bước thiết kế chi tiết bao gồm các bước sau: Xác định hệ tọa độ, cao độ, đơn vị áp dụng cho mô hình; phân chia mô hình; tạo lập hệ lưới cho mô hình, mô hình hóa các cấu kiện, bộ phận; kiểm tra va chạm, xung đột giữa các bộ môn; xuất bản vẽ bố trí chung; kiểm tra bố trí chung; triển khai cốt thép chi tiết; xuất bản vẽ cốt thép chi tiết; bóc tách và xuất khối lượng; phát hành mô hình; lưu trữ và quản lý dữ liệu.

Đối với công trình hạ tầng giao thông một số kết cấu điển hình sẽ được mô hình bao gồm: mặt đường, vỉa hè, biển báo, đèn tín hiệu, cây xanh, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, hạ tầng viễn thông thụ động, hệ thống thoát nước, hố ga, cống, móng cống, móng hầm ga, mối nối cống, phui đào. Các mô hình được thể hiện cho công trình hạ tầng giao thông thể hiện trong các hình 3-5.

Kinh nghiệm trong thiết kế hạ tầng giao thông
Hình 3. Mô hình bề mặt đường, vỉa hè, chiếu sáng, cây xanh, tổ chức giao thông đường ô tô (Báo cáo tổng hợp áp dụng BIM).
Kinh nghiệm trong thiết kế hạ tầng giao thông
Hình 4. Mô hình tổng hợp đường dây-đường ống hạ tầng kỹ thuật bên dưới đường giao thông (Báo cáo tổng hợp áp dụng BIM).
Kinh nghiệm trong thiết kế hạ tầng giao thông
Hình 5. Mô hình tổng hợp trên môi trường dữ liệu chung CDE (Báo cáo tổng hợp áp dụng BIM).

2.5. Kiểm tra và phê duyệt mô hình BIM Chủ đầu tư có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch thực hiện thông tin mô hình công trình sau khi thống nhất giữa các bên liên quan. Các đối tượng, liên kết đồ họa không cần thiết cần được loại bỏ trước khi chia sẻ mô hình. Các đối tượng liên kết, phụ thuộc cần kiểm tra kỹ trước khi nhúng. Trước khi đưa vào CDE, các thông tin như tên bản vẽ, tên file… cần phải được phê duyệt. Mô hình tổng hợp BIM là cơ sở để xem xét các thông tin mâu thuẫn nhau.

Các cấu kiện, chi tiết phải đảm bảo phù hợp với LOD đã được thể hiện trong trong kế hoạch triển khai BIM được chủ đầu tư chấp thuận. Chất lượng của mô hình BIM được kiểm tra thông qua 3 cấp độ: Đảm bảo chất lượng mô hình của bộ phận, đảm bảo chất lượng mô hình của đơn vị thực hiện BIM và công việc của chủ đầu tư khi kiểm tra và nghiệm thu mô hình.

3. Đánh giá kết quả thu được từ mô hình

Dự án hạ tầng giao thông có tác động to lớn đến đời sống kinh tế – xã hội của TP.HCM giúp giải quyết nhu cầu đi lại từ trung tâm thành phố; giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và cải thiện môi trường đô thị dọc tuyến. Việc áp dụng BIM vào các công trình hạ tầng giao thông là rất cần thiết.

Đối đặc tính dự án hạ tầng giao thông có nhiều công trình chôn lấp, nhiều hạng mục con, việc áp dụng BIM đã nâng cao được chất lượng công tác thiết kế, đẩy nhanh tiến độ của dự án, phát hiện và xử lý các giao cắt, sự cố tiềm ẩn trước khi thi công mà nếu như thiết kế theo cách truyền thống rất khó để đạt được mục tiêu này.

Đồng thời, việc áp dụng BIM cho công trình hạ tầng giao thông là nguồn dữ liệu, cơ sở để triển khai áp dụng BIM cho các giai đoạn tiếp theo của dự án đạt được hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt là giai đoạn quản lý vận hành công trình sau này.

Kết quả của công tác áp dụng BIM đã đạt được các mục tiêu đề ra trong kế hoạch triển khai BIM chi tiết (BEP) trước khi thực hiện áp dụng BIM: Từ mô hình trực quan sinh động hỗ trợ các cá nhân tham gia dự án nắm vững thông tin để thảo luận, bố trí nhân sự thực hiện phù hợp với chuyên môn hay lựa chọn được phương án thiết kế tốt nhất, phù hợp nhất.

Xây dựng và sử dụng CDE để tăng hiệu quả công tác lưu trữ và việc trao đổi thông tin công trình ở các định dạng kỹ thuật số làm cho việc phối hợp công tác được nhịp nhàng, tối ưu thời gian và chi phí. Phát hiện những xung đột giữa các hệ thống trong công trình hay giữa các hạng mục công trình dự kiến xây dựng mới và vật kiến trúc, hạ tầng hiện hữu giúp giảm điều chỉnh, bổ sung trong thiết kế hay xử lý kỹ thuật lúc thi công.

Kiểm soát khối lượng và chi phí được bóc tách trên mô hình. Nguồn dữ liệu ứng dụng BIM trong giai đoạn thiết kế tạo cơ sở cho mô hình BIM cho các giai đoạn thi công, quản lý và sử dụng sau này của dự án. Việc áp dụng BIM vào dự án còn mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ngày 02/4/2021, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định 348/QĐ-BXD về việc “Công bố Hướng dẫn chung áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM)” đã được ban hành.

Dự án sẽ là một trong những nguồn tư liệu bổ ích cho các tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng BIM, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành xây dựng đang rất được quan tâm và diễn ra mạnh mẽ trong một vài năm trở lại đây.

4. Kết luận

Bài báo trình bày công tác thiết công trình hạ tầng giao thông bằng việc áp dụng mô hình thông tin công trình, các kết luận được rút ra từ kết quả nghiên cứu như sau:

– Hiện nay, việc áp dụng BIM còn gặp nhiều khó khăn và thách thức về đội ngũ nhân lực, máy móc thiết bị, cũng như các quy định về pháp lý đang dần hoàn thiện và bổ sung. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, áp dụng BIM trong thiết kế là cần thiết và tất yếu trong thời gian sắp tới dựa vào những mặt lợi cũng như các chính sách của nhà nước quy định.

– Quy trình thực hiện BIM cho công trình giao thông, thành lập môi trường dữ liệu chung và trình tự các bước để thành lập mô hình cho công trình hạ tầng giao thông được trình bày chi tiết trong bài báo.

– Đối với BIM ở bước thiết kế, theo cấp độ phát triển thông tin ở mức LOD 200-LOD 350. Các mức cao hơn, ví dụ giai đoạn vận hành dùng LOD 500. Việc mô hình hóa các hạng mục cho công trình hạ tầng giao thông được thực hiện thuận tiện và nhanh chóng.

– Hiệu quả mô hình BIM cho dự án hạ tầng giao thông được thể hiện thông qua mô hình 3D, tích hợp các mô hình con, khả năng xử lý và kiểm tra giao cắt, góp phần tăng hiệu quả thiết kế, giảm thiểu các xử lý kỹ thuật ở bước thi công, thuận tiện cho công tác làm hồ sơ hoàn công và trích xuất dữ liệu khi vận hành và khai thác.

Phan Tô Anh Vũ*, Võ Văn Thảo*, 
Trần Văn Tâm** 
*Khoa Kỹ thuật công trình, Trường Đại học Tôn Đức Thắng 
**IDECO Vietnam Incorporated 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Alvi, S. A., Kumar, H. and Khan, A. R., Integrating BIM with carbon footprint assessment of buildings: A review, Materials Today: Proceedings, Available online 16 August 2023.

[2]. Azhar, S., Building Information Modeling (BIM): Trends, Benefits, Risks, and Challenges for the AEC Industry, Leadership and Management in Engineering, 2021, 241-252.

[3]. Báo cáo tổng hợp áp dụng BIM, xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM tuyến Bến Thành – Tham Lương.

[4]. Dang, T. H. D., Nguyen, V. T., Ngo, V. Y. and Le, T. H. A. (2018). Ứng dụng BIM vào việc đo bóc khối lượng. Tạp chí Khoa học công nghệ 12(1), 2018, 46-52.

[5]. ISO 19650-Building Information Modelling (BIM).

[6]. ISO 14040-Environmental management-Life cycle assessment-Principles and framework.

[7]. Hussain M., Zheng, B., Chi, H. L. , Hsu, S. C. and Chen, J. H., Automated and continuous BIM-based life cycle carbon assessment for infrastructure design projects, Resources, Conservation and Recycling, 2023, 190, 106848.

[8]. Le H. N., Vu T. K. D., Hoang V. G., Dinh N. C., Bim cho các công trình hạ tầng kỹ thuật ở Việt Nam: thực trạng, rào cản ứng dụng và giải pháp. Tạp chí Khoa học công nghệ xây dựng 12(1), 2018, 53-64.

[9]. Le, Q.T., Pedro, A. and Park, C.S., A Social Virtual Reality Based Construction Safety Education System for Experiential Learning, Journal of Intelligent & Robotic Systems 79, 2015, 487-506.

[10]. Luu, Q. P. and Nguyen, T. Q., Đề xuất quy tắc tạo lập mô hình bim phục vụ việc tự động hóa đo bóc khối lượng trong các dự án xây dựng sử dụng vốn nhà nước tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học công nghệ xây dựng, 14 (4V), 2020, 118-129.

[11]. Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

[12]. Ngo, T. T., Do, M. T. and Huynh, X. T., Overview of BIM application for bridge-highway and infrastructure projects in Vietnam, Transport and Communications Science Journal, 71(7), 2020, 760-774.

[13]. Nguyen, V. T., Tran, N. D., Nguyen, Q. T. and Nguyen, L. D. Q., Factors affecting adoption of building information modeling in construction projects: A case of Vietnam, Cogent Business & Management, 8, 2021, 1918848.

[14]. Quyết định số 2500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.

[15]. Quyết định số 258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng.

[16]. Quyết định số 348/QĐ-BXD ngày 02/04/2021 về việc Công bố Hướng dẫn chung áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM).

[17]. Sawhney, A., Riley, M. and Irizarry, J., Construction 4.0: An Innovation Platform for the Built Environment, 1st Edition, 2020, Routledge.

[18]. Tan, T., Mills, G., Papadonikolaki, E. and Liu, Z., Combining multi-criteria decision making (MCDM) methods with building information modelling (BIM): A review, Automation in Construction, 2021, 121, 103451.

[19]. Ullah, K., Lill, I. and Witt, E. , An Overview of BIM Adoption in the Construction Industry: Benefits and Barriers, 10th Nordic Conference on Construction Economics and Organization (Emerald Reach Proceedings Series, Vol. 2), Emerald Publishing Limited, Bingley, 297-303.

*Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong Đề tài mã số FOSTECT.2023.47

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích