Mô hình nhóm huấn luyện TWI nâng cao năng suất cho doanh nghiệp
TWI tập trung đào tạo nhóm đội ngũ quản lý giám sát trong doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Nguồn gốc ra đời TWI
Thời gian qua, với mong muốn phát triển, nhiều doanh nghiệp thường tập trung đào tạo phần lõi là nguồn nhân lực nòng cốt và nhân lực sáng tạo. Tuy nhiên, cùng với những doanh nghiệp thành công từ việc đào tạo này, không ít doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong đợi khi vẫn thường xuyên gặp các vấn đề như: chất lượng sản phẩm không ổn định, sản lượng không đạt, năng suất lao động thấp, chi phí cao, thời gian giao hàng chậm, khiếu nại khách hàng…
Nguyên nhân được cho là doanh nghiệp thường ít tập trung thậm chí bỏ quên đào tạo và phát triển các giám sát viên tuyến đầu, trong khi giám sát viên tuyến đầu chính là lực lượng chịu trách nhiệm chính về chất lượng – sản phẩm – chi phí. Hiểu đơn giản, các giám sát viên tuyến đầu chính là lực lượng được cất nhắc từ các thợ lành nghề hoặc nhân viên lâu năm tại doanh nghiệp – những người sâu sát với công việc nhất.
Do đó, bên cạnh việc đầu tư vào nguồn nhân lực nòng cốt và nhân lực sáng tạo, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến các giám sát viên tuyến đầu nhằm trang bị kỹ năng thiết yếu giúp họ giải quyết vấn đề, hướng tới mục tiêu đảm bảo sản lượng – ổn định chất lượng – tối ưu chi phí – giao hàng nhanh nhất.
Vậy giải pháp của vấn đề nêu trên là gì? Câu trả lời chính là áp dụng Mô hình nhóm huấn luyện TWI – Chương trình đào tạo trong công nghiệp kỹ năng thiết yếu dành cho các giám sát viên.
Về nguồn gốc, mô hình TWI xuất hiện lần đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 1940 khi quốc gia này đang bước vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ II. Lúc đó, Hoa Kỳ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động sản xuất vũ khí và thiết bị tác chiến như chiến hạm, máy bay, súng phòng không… Cũng tại thời điểm đó, Hoa Kỳ có 8 triệu người thất nghiệp, phần lớn những người này chưa bao giờ được thấy bên trong một xưởng sản xuất, đa số thuộc các dân tộc thiểu số và phụ nữ với học lực rất thấp hay mù chữ.
Mô hình TWI đã được áp dụng và tạo ra thay đổi rất tích cực đối với nguồn nhân lực lúc đó. TWI giúp các xí nghiệp Hoa Kỳ cung cấp thiết bị, vũ khí và nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh. Điều này là yếu tố mấu chốt dẫn đến thắng lợi của cuộc chiến.
Sau khi chiến tranh kết thúc, TWI được chuyển giao cho Nhật Bản để hỗ trợ công cuộc tái thiết đất nước. Đến nay, TWI được áp dụng và kiểm định tại nhiều nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Đức, Hà Lan, Úc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia. Tại Việt Nam, TWI đã được áp dụng thành công trong Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.
3 chương trình huấn luyện chính
Về nội dung, TWI gồm 3 chương trình huấn luyện chính: JIT (Job Instruction Training) – Kỹ năng chỉ dẫn việc; JRT (Job Relations Training) – Kỹ năng quan hệ công việc; JMT (Job Methods Training) – Kỹ năng cải tiến phương pháp làm việc. Cả 3 chương trình hầu như tập trung đào tạo cho nhóm đội ngũ quản lý giám sát trong doanh nghiệp.
Mục tiêu hướng tới của TWI là đảm bảo sản lượng – ổn định chất lượng – tối ưu chi phí – giao hàng nhanh nhất. (Ảnh minh họa)
Nói về lợi ích của từng chương trình, một chuyên gia về năng suất cho biết, kỹ năng chỉ dẫn việc giúp rút ngắn thời gian đào tạo, từ đó loại bỏ tái đào tạo nhân viên mới; xây dựng/chuẩn hóa hệ thống đào tạo; cải tiến và chuẩn hóa hệ thống quy trình; chuẩn hóa tay nghề cho nhân viên; giảm sản phẩm khuyết tật, sản phẩm làm lại và phế phẩm; giảm tỷ lệ tai nạn, tạo môi trường làm việc an toàn hơn; giảm sự lệ thuộc vào thợ lành nghề, nhân viên kinh nghiệm lâu năm; giảm hư hỏng dụng cụ, thiết bị; gia tăng sự hài lòng trong công việc…
Với kỹ năng cải tiến phương pháp làm việc, lợi ích là trang bị cho các cấp giám sát tư duy cải tiến theo 1 phương pháp chuẩn mực; chuẩn hóa hệ thống quy trình dựa trên thực hành tốt nhất của các nhân viên lâu năm kinh nghiệm hay thợ lành nghề; giảm tối đa sự phụ thuộc vào chuyên gia cải tiến bên ngoài từ việc xây dựng được đội ngũ chuyên gia cải tiến nội bộ là các cấp giám sát; tận dụng hiệu quả hơn nguồn lực, máy móc và nguyên liệu sẵn có để tăng năng suất – chất lượng – giảm chi phí.
Còn với kỹ năng quan hệ công việc, lợi ích chính là cung cấp nền tảng chuẩn mực nhằm xây dựng mối tương quan êm đẹp và ngăn ngừa các vấn đề có thể nảy sinh trong doanh nghiệp.
Để nhận diện cơ hội áp dụng TWI đó là khi doanh nghiệp gặp phải 4 vấn đề sau: Vấn đề sản xuất – doanh nghiệp xuất hiện tình trạng giao hàng chậm trễ do sai lỗi hay nhầm lẫn; giao nhầm sản phẩm cho khách hàng; nhân viên không đạt năng suất; sản phẩm bị trả lại; nhân viên vận hành không đáp ứng sự thay đổi kỹ thuật, công nghệ; thiết bị hư hỏng nhiều. Vấn đề an toàn – nhân viên không biết quy định về an toàn; nhân viên không biết các mối nguy trong công việc; nhân viên trở nên bất cẩn; thương tích nhẹ không báo cáo; vật liệu không được sắp xếp ngăn nắp; máy móc thiết bị hư hỏng nhiều hơn…
Vấn đề chất lượng – doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn của sản phẩm; không theo yêu cầu kỹ thuật; quá nhiều phế phẩm hay làm lại; thiết bị không được sử dụng đúng cách; sản phẩm bị trả về hoặc phàn nàn. Cuối cùng là vấn đề nhân sự – nhân viên không thích thú với công việc của mình; nhân viên được chỉ dẫn sai cách, cảm thấy chán nản học việc; nhân viên muốn thuyên chuyển vì nghĩ rằng có triển vọng tốt hơn ở nơi khác; nhân viên thôi việc; các thủ tục nội bộ rườm rà…
Phần lớn các giám sát viên đều cho rằng 80% vấn đề nêu trên có thể được giải quyết nếu có lực lượng nhân sự được đào tạo tốt hơn, bởi vậy việc áp dụng TWI là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp xử lý các vấn đề phát sinh, nâng cao năng suất lao động và hướng đến sự phát triển bền vững.
Thanh Tùng