Mô hình đô thị TOD sẽ tạo đòn bẩy cho phía Đông TP.HCM
(Xây dựng) – TOD – Transit Oriented Development, mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị sẽ là tương lai phát triển của TP.HCM, cũng là đòn bẩy giúp phía Đông “thay da, đổi thịt”.
Đô thị TOD giúp “giải nén” cho TP.HCM
Những “đô thị TOD” đầu tiên đã hình thành ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ 20. Cụ thể, năm 1910, cùng với việc mở tuyến đường sắt từ trung tâm Osaka, “chương trình phát triển khu vực Ikeda Muromachi” cũng đã được kích hoạt, với các chính sách cho vay ưu đãi và hệ thống tiện ích xã hội vượt trội để kéo dân ra ngoại ô. Tương tự, xung quanh Tokyo, mạng lưới đường sắt lên tới gần 9.000 km giúp không gian thủ đô không ngừng mở rộng ra các vùng còn đất trống.
Theo các chuyên gia, mô hình đô thị TOD được xem là chìa khóa giải quyết các vấn đề giao thông cấp bách trong nội đô, đồng thời, thúc đẩy việc mở rộng không gian phát triển cho thành phố ra khu vực ngoại vi.
Tại Việt Nam, thí điểm mô hình TOD là đề xuất đáng chú ý trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, dự kiến sẽ được Quốc hội khoá XV thảo luận và xem xét thông qua.
Các tuyến metro giúp mở rộng không gian phát triển cho TP.HCM, nhất là về phía Đông. |
Việc xem xét này đặt trong bối cảnh TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng. Giai đoạn 2022 – 2025, 243.000 tỉ đồng sẽ được ưu tiên bố trí cho phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố; trong đó, nguồn vốn dành cho các dự án đầu tư xây dựng metro chiếm khoảng 43%, tức là khoảng 103.000 tỉ đồng. Trước đó, từ năm 2013, quyết định được Thủ tướng ký phê duyệt cũng đã xác định 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm và các vành đai kết nối ở TP.HCM có chiều dài khoảng 220 Km, tổng vốn đầu tư lên tới 25 tỉ USD.
Hiện nay, 2 tuyến metro đang được triển khai, gồm: tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương). Trong đó, tuyến số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỉ đồng đã hoàn thành 95% khối lượng tiến độ, dự kiến có thể khai thác vận hành từ đầu năm 2024. Riêng tuyến số 2 có mức đầu tư hơn 47.000 tỉ đồng, đã hoàn tất cơ bản công tác giải phóng mặt bằng, có thể khởi công xây dựng vào năm 2025. Cùng với đó, tuyến số 3a (Bến Thành – Tân Kiên), tuyến số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền – Cầu Sài Gòn) cũng đang trong giai đoạn xúc tiến đầu tư…
Tại một hội thảo được tổ chức gần đây, bà Ayako Kubo – đại diện JICA Nhật Bản nhấn mạnh mô hình TOD sẽ giúp tận dụng tận dụng tối đa đất và không gian tại các nhà ga đầu mối để phát triển đô thị, nâng cao giá trị của khu vực quanh.
Như ở tuyến metro số 1, hiện có 10 cụm đô thị đã được quy hoạch dọc tuyến trong phạm vi 11 phường của TP. Thủ Đức với tổng diện tích hơn 577 ha, dài 14,8 km, tạo thành các trung tâm phát triển mới giúp giải nén cho nội đô TP.HCM. Điều thu hút cư dân về các đô thị này là khả năng di chuyển tiện lợi cũng như sự hiện diện của các tổ hợp vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ và hành chính công.
Tiềm năng bất động sản ở “vùng lõi TOD”
Vừa là giải pháp giúp thực hiện quy hoạch đô thị theo hướng hiện đại, mô hình TOD vừa là đòn bẩy giúp thị trường bất động sản thiết lập mặt bằng giá trị mới. Như tại Ấn Độ, hệ thống các tuyến tàu điện ngầm đã khiến giá đất tăng khoảng 15 – 20% trong phạm vi 500 m sau khi hệ thống này đi vào vận hành.
Việc giảm chi phí, thời gian đi lại và cải thiện cơ hội việc làm cũng giúp làm tăng giá bất động sản thương mại như văn phòng, bán lẻ lên đến 20 – 25%. Tại thành phố lớn thứ 4 Ấn Độ là Chennai, ngay sau khi giai đoạn 1 của tuyến metro hoàn thiện năm 2019, giá bất động sản xung quanh đã tăng gần 200%. Còn ở Australia, mức tăng giá là gần gấp 3 lần mức trung bình toàn quốc dọc theo tuyến Sydney Metro Northwest…
Tại Việt Nam, mặc dù chưa chính thức đi vào hoạt động nhưng metro Bến Thành – Suối Tiên cũng đã tạo ra diện mạo mới cho thị trường bất động sản phía Đông TP.HCM. Thống kê từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 30 dự án nhà ở và các trung tâm thương mại sầm uất hiện diện suốt dọc tuyến metro này. Giá mở bán giai đoạn 2012 – 2016 tăng mạnh, khoảng 150 – 200% so với các khu vực khác. Đến nay, những dự án hiện hữu nằm dọc theo tuyến cũng tăng từ 15 – 50% so với giá bán ban đầu.
Vinhomes Grand Park như thỏi nam châm, hút cư dân về vùng lõi của đô thị TOD. |
Thị trường cũng ghi nhận mức tăng giá ở những đại đô thị như Vinhomes Grand Park phía Đông TP. HCM. Sự đắt giá này không chỉ được tạo nên bởi uy tín, thương hiệu của chủ đầu tư mà còn do vị trí đắc địa của dự án. Theo giới đầu tư, nằm cách trạm cuối của metro Bến Thành – Suối Tiên chưa đầy 1 km cùng với việc vành đai 3 đi xuyên qua dự án, Vinhomes Grand Park thuộc vùng lõi phát triển của cụm đô thị TOD với bán kính có thể lên tới 30 km.
Ngoài việc di chuyển thuận tiện bởi loại hình giao thông hiện đại là đường sắt đô thị và đường vành đai, cư dân còn có lựa chọn khác là hàng loạt tuyến VinBus ra vào thành phố hoạt động với tần suất liên tục. Cộng hưởng với môi trường sống đầy đủ tiện nghi, Vinhomes Grand Park đang tạo ra làn sóng dịch chuyển cư dân và sở hữu tiềm năng tăng giá trị mạnh mẽ trong tương lai.
Nguồn: Báo xây dựng