Mô hình “cộng đồng 15 phút tuần hoàn” thay đổi diện mạo của Thượng Hải
Khái niệm “thành phố 15 phút” được giới thiệu lần đầu bởi học giả người Colombia gốc Pháp Carlos Moreno vào năm 2016. Ông là Giáo sư của trường Đại học Sorbonne ở Paris. Sáng kiến “thành phố 15 phút” của ông đã đạt giải thưởng kiến trúc Obel năm 2021 cho giải pháp đô thị bền vững cho tương lai của con người.
“Thành phố 15 phút” là mô hình đô thị mà trong đó, con người có thể tiếp cận mọi loại hình dịch vụ thiết yếu chỉ với 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp. Mô hình này hướng đến xây dựng đô thị đa trung tâm với việc tích hợp các chức năng chuyên biệt của từng khu vực trong một khu vực đa chức năng.
Có thể hiểu đơn giản là, “thành phố 15 phút” có sự tương đồng với “đô thị trong đô thị”. Thay vì phân tách đô thị thành các khu vực riêng như trung tâm thương mại, hành chính, công sở, giáo dục, giải trí… thì sẽ phân tách đô thị thành các “đô thị nhỏ” với đầy đủ các chức năng bên trong.
Từ đó, mô hình này có thể giải quyết sự bất bình đẳng đô thị, sự rời rạc giữa khu vực trung tâm và ngoại thành, cùng với giảm áp lực hạ tầng giao thông và các vấn đề xã hội cho khu vực quận kinh doanh trung tâm.
Gần đây, mô hình này được nhiều thành phố trên khắp thế giới đưa vào kế hoạch cải tạo đô thị như Melbourne (Úc), Madrid (Tây Ban Nha), Paris (Pháp), Seoul (Hàn Quốc). Đặc biệt, mô hình này trở nên thịnh hành và nổi tiếng nhờ bà Anne Hidalgo, Thị trưởng thành phố Paris. Bà Anne Hidalgo đã đề xuất biến thủ đô của Pháp trở thành “ville du quart d’heure” (thành phố 15 phút) trong chiến dịch tái tranh cử gần đây của mình.
“Thượng Hải 15 phút” – Quy hoạch tổng thể bền vững
Thượng Hải, một trong 4 thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc cũng đồng thời là một trong những thành phố tiên phong của đất nước tỷ dân ứng dụng mô hình “thành phố 15 phút” để triển khai quy hoạch. Tháng 8/2016, “Shanghai Master Plan” (Tạm dịch: Quy hoạch tổng thể Thượng Hải) đã lên kế hoạch triển khai ý tưởng về “cộng đồng 15 phút tuần hoàn” (15-minute community life circle) lấy cảm hứng từ mô hình “thành phố 15 phút”.
Mục tiêu của việc vận dụng ý tưởng này là cung cấp không gian sống và các dịch vụ cơ bản cho người dân trong phạm vi “15 phút đi bộ”, nhằm tạo ra một cộng đồng bền vững, an toàn và thân thiện. Phạm vi thời gian của dự án quy hoạch tổng thể Shanghai Master Plan ban đầu được đặt ra là 25 năm từ năm 2015 đến 2040, đến năm 2018 được rút ngắn xuống còn 20 năm (2015 – 2035).
Từ năm 2016 đến năm 2019, chính quyền Thượng Hải đã khởi động việc thực hiện 4 kế hoạch hành động đổi mới đô thị bao gồm “cộng đồng chia sẻ, công viên đổi mới, tính thu hút và mạng lưới giải trí”. Ba hạng mục chính trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng “thành phố 15 phút” của Thượng Hải bao gồm phát triển các khu đô thị, tăng cường giao thông công cộng và nâng cao chất lượng hệ sinh thái.
Về phát triển các khu đô thị mới, đây được xem là trọng tâm của kế hoạch “cộng đồng 15 phút tuần hoàn”. Các khu đô thị được hướng dẫn quy hoạch để tăng cường dịch vụ toàn diện, dịch vụ cơ cấu công nghiệp, hoàn thiện mạng lưới giao thông và cải thiện các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, giải trí.
Các quận ngoại thành có nền tảng quy hoạch tốt như Gia Định, Tùng Giang, Thanh Phố sẽ được quy hoạch thành những khu đô thị hiện đại, đầy đủ chức năng để giảm áp lực giao thông cho 7 quận trung tâm nội đô.
Năm 2019, Thượng Hải đã chọn 15 đường phố để thí điểm dự án thúc đẩy toàn diện “hành động vì cộng đồng tuần hoàn”, tập trung vào chất lượng không gian sống và quản trị cộng đồng. Dự án đồng thời tập trung lên kế hoạch điều phối không gian, cung cấp chính sách về nguồn lực, nâng cao trình độ và chức năng phục vụ của các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa. Mục tiêu của các dự án là cung cấp không gian sống và dịch vụ cho người dân trong một vòng tuần hoàn bền vững, đảm bảo cùng lúc an sinh xã hội và an ninh môi trường.
Đến tháng 7 năm 2021, chính quyền Thượng Hải tiếp tục ứng dụng mô hình “thành phố 15 phút” tại một ngôi làng cổ nằm ở ngoại ô phía Tây Thượng Hải. Đây là nơi sinh sống của gần 3.000 cư dân với ⅓ dân số ở độ tuổi trên 60.
Về mạng lưới giao thông công cộng, Thượng Hải dần mở rộng và phát triển hạ tầng đường bộ dành cho xe đạp. Đồng thời, mở rộng 8 tuyến đường kết nối các khu đô thị mới và khu đô thị lõi, giảm thời gian di chuyển giữa các trung tâm và khu đô thị còn 40 phút.
Giao thông vận tải khu vực ngoại ô cũng được đặc biệt chú ý xây dựng để kết nối nhanh chóng hơn với vùng trung tâm. Triển khai hệ thống tàu điện ngầm tốc hành tại khu vực sân bay để tăng tốc độ di chuyển giữa khu phố Đông và nội đô. Giữ tốc độ chạy của hệ thống giao thông công cộng đô thị không dưới 20km/h.
Để đạt mục tiêu giúp người dân có thể tiếp cận mọi loại hình dịch vụ trong vòng 15 phút đi bộ, đi xe đạp, chính quyền cũng vạch ra kế hoạch cải tạo và đổi mới liên tục mạng lưới giao thông, hệ thống làn đường HOV trên mặt đất, giao thông tham quan, du lịch.
Về nâng cao chất lượng sinh thái, bản kế hoạch đồ sộ sẽ bao gồm thành lập 4 khu vực sinh thái. Trong đó, khu sinh thái đảo Sùng Minh được tham vọng sẽ trở thành khu sinh thái đô thị đẳng cấp thế giới.
Cùng với Sùng Minh, các khu vực đô thị lân cận hồ nước tự nhiên, thượng nguồn sông Hoàng Phố cũng được ưu tiên phát triển, lấy văn hóa vùng sông nước làm trọng tâm, xây dựng khu vực trình diễn sinh thái thủy trấn. Trong khi đó, vùng đô thị trung tâm đẩy nhanh quá trình xây dựng dải xanh sinh thái và công viên rộng 100 ha. Vùng nông thôn lân cận tận dụng những tài nguyên sinh thái sẵn có để phát triển vườn quốc gia và ít nhất 30 công viên quy mô lớn cấp vùng.
Những thành quả trong giai đoạn đầu kế hoạch
Cho đến hết năm 2021, kế hoạch quy hoạch tổng thể Thượng Hải đã vượt qua giai đoạn đầu và đạt được những thành tựu nhất định. Từ một thành phố có mật độ dân số và mật độ giao thông lớn, đông đúc, chằng chéo, Thượng Hải đang dần chuyển mình để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa tiêu biểu khu vực đồng bằng sông Dương Tử.
Theo ông Xu Jian, Phó Giám đốc Cục Tài Nguyên và Quy hoạch Đô thị Thượng Hải, năm 2021, thành phố đã hoàn thành quy hoạch tổng thể cho 5 “thành phố mới” là Gia Định, Tùng Giang, Thanh Phố, Phụng Hiền và Nanhui. Đây là các quận ngoại thành được tập trung đầu tư phát triển hạ tầng để trở thành “thành phố 15 phút” với đầy đủ chức năng kinh tế, xã hội, giải trí phục vụ cộng đồng.
Cả 5 khu vực mới hoàn thành đều đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc xuất phát từ khả năng thu hút đầu tư từ những “ông lớn” trong lĩnh vực tài chính, công nghệ, sản xuất và dịch vụ.
Tại quận Gia Định, ngành công nghiệp chủ chốt bao gồm sản xuất ô tô, cảm biến thông minh, IoT (Internet of Things), thiết bị y tế…phát triển mạnh và rầm rộ với 37 dự án liên quan đang được triển khai.
Tại quận Thanh Phố, trong 6 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế kỹ thuật số của “thành phố nhỏ” này đã thu hút 28 dự án trọng điểm với tổng số vốn đầu tư khoảng 1,52 tỷ USD. Trong khi đó, quận Tùng Giang, sản xuất thông minh, thông tin điện tử, văn hóa, du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế chủ chốt và tăng trưởng mạnh mẽ.
Một số dự án “nặng ký” tại quận Tùng Giang có thể kể đến như trung tâm siêu máy tính AI của tập đoàn Tencent, cơ sở công nghiệp dược phẩm sinh học Henlius, Trung tâm Phim và Truyền hình Quốc tế Đồng bằng sông Dương tử. Những dự án này đều được hỗ trợ về chính sách để nhanh chóng triển khai và hoàn thiện.
Quận Phụng Hiền trở thành trung tâm kinh doanh chủ yếu của ngành hàng mỹ phẩm, dược phẩm, sức khỏe với những chính sách hỗ trợ dành riêng cho nhóm ngành hàng này, đã vươn lên trở thành địa điểm kinh doanh hàng đầu của ngành hàng tại Trung Quốc và chuẩn bị mở rộng sang thị trường toàn cầu.
Cuối cùng, quận Nanhui, nơi ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp vi mạch, y sinh, xe năng lượng mới và thiết bị thông minh, đã ghi nhận 111 dự án đã được ký kết với tổng số vốn đầu tư 116,5 tỷ nhân dân tệ.
Về mặt bằng chung Thượng Hải, nhờ vào các chiến lược quy hoạch cộng đồng bền vững, bảo tồn sinh thái cùng các giá trị văn hóa, lịch sử, thành phố này đã giữ vững phong độ là một trong những thành phố có “GDP nghìn tỷ” của Trung Quốc.
Hạ tầng giao thông của Thượng Hải cũng được nâng cấp với 17 dự án cơ sở hạ tầng quan trọng rải rác quanh thành phố. Tuyến tàu điện ngầm số 2 và tuyến Jiamin đã được khởi công vào cuối tháng 06/2021 để kết nối các quận Gia Định, Mẫn Hàng đến trung tâm giao thông Hồng Kiều, từ đó nâng cao tốc độ di chuyển giữa vùng trung tâm cũ và những “thành phố mới”.
Tầm nhìn đến năm 2035, diện tích phủ xanh công cộng của Thượng Hải sẽ đạt 3.000m2, diện tích vành đai xanh bình quân đầu người dự kiến đạt 15m2. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua cải thiện môi trường và hệ sinh thái, thành phố Thượng Hải cũng chú trọng đầu tư cho các hoạt động nghệ thuật như Chương trình Nghệ thuật Không gian Đô thị Thượng Hải, triển lãm nghệ thuật, hội thảo…trong khuôn khổ “mùa nghệ thuật Thượng Hải”.
Ông Zhuang Shaoqin, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Trung Quốc, phát biểu trong một buổi khai mạc sự kiện “Mùa nghệ thuật không gian đô thị” tại Thượng Hải: “Các hoạt động ở Thượng Hải và các thành phố khác của Trung Quốc đã đưa ra một biện pháp tái tạo đô thị mới với tôn chỉ “hướng đến con người”.
Cũng tại lễ bế mạc sự kiện này, 52 thành phố trong đó có các thành phố trực thuộc trung ương và trực thuộc tỉnh của Trung Quốc đã ký vào bản “Sáng kiến Thượng Hải” và theo đó, những thành phố này cũng sẽ ứng dụng sáng kiến “cộng đồng 15 phút tuần hoàn” của Thượng Hải trong phát triển quy hoạch của mình những năm tới.
Tóm lại, có thể phân tích thành công của Thượng Hải trong ứng dụng mô hình “thành phố 15 phút” tại 3 điểm sau:
Thứ nhất, phát triển kinh tế toàn diện, đồng đều, giảm bớt sự phân tách giữa vùng trung tâm nội đô, vùng ngoại thành lân cận, vùng nông thôn. Phân chia kinh tế vùng và khu vực theo ngành và lĩnh vực, lấy đó làm nền tảng để thu hút cộng đồng dân cư, từ đó thực hiện đúng tinh thần của “thành phố 15 phút”: nơi ở, nơi làm việc và nơi giải trí của 1 cá nhân chỉ gói gọn trong 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp.
Thứ hai, tập trung vào tính liên kết và bền vững của hạ tầng giao thông đường bộ, giảm mức độ xâm nhập của phương tiện cá nhân trong các khu vực “thành phố mới” để bảo vệ môi trường, phát triển giao thông bền vững. Lấy nhu cầu của người dân làm trọng tâm, liên kết các vùng, các khu đô thị để thuận tiện trao đổi kinh tế và các giá trị văn hóa, giải trí.
Thứ ba, không thay đổi các nền tảng sinh thái của từng khu vực để phục vụ quy hoạch kinh tế. Thượng Hải là thành phố cảng, nhưng đồng thời có hồ, đảo, ven sông với những hệ sinh thái đa dạng khác nhau. Với tinh thần tôn trọng và bảo tồn hệ sinh thái để phát triển bền vững, các hạ tầng công viên, vườn quốc gia đều được thành phố chú trọng và dành nhiều nguồn lực để xây dựng, phát triển.
Có thể nói, với phương châm “thành phố tốt hơn, cuộc sống tốt hơn”, Thượng Hải sẽ nhanh chóng đạt được các mục tiêu quy hoạch mà không kéo theo những hệ lụy về môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội. Là một trong những thành phố tiên phong và sớm nắm bắt được tinh thần “thành phố 15 phút”, Thượng Hải sẽ trở thành mũi nhọn tiềm năng của Trung Quốc trong nền kinh tế phục hồi sau đại dịch của thập kỷ tới./.