Mô hình “Con nuôi” Công an xã: Những mái ấm giữa đại ngàn

Để các cháu không đơn độc

Xã Pờ Y là một xã biên giới của huyện Ngọc Hồi với 47,6% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết người dân nơi đây quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên cái nghèo, cái đói cứ bám riết lấy dân làng. Cũng kể từ đó, vùng biên Pờ Y luôn là “điểm nóng” về ma túy, bởi kẻ xấu thường xúi giục, lôi kéo người dân thiếu hiểu biết để đi vận chuyển thuê ma túy.

Mô hình “Con nuôi” Công an xã: Những mái ấm giữa đại ngàn
Đại úy Xiêng Thanh Trà – Phó Công xã Đăk Nông gặp gỡ, động viên em Y Giang cố gắng học tập và tu dưỡng đạo đức.

Các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ, không được học hành, giáo dục đầy đủ luôn là những đối tượng để kẻ xấu nhắm đến nhằm lôi kéo vào những con đường phạm pháp.

Năm 2018, Bộ Công an thí điểm bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại Kon Tum nên vấn nạn ma túy nơi miền biên viễn đã được triệt xóa. Không chỉ vậy, lực lượng công an xã chính quy luôn bám làng, bám bản, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Đặc biệt, mô hình “con nuôi” công an xã đang phát huy hiệu quả về trách nhiệm của người chiến sĩ Công an nhân dân trong việc giúp đỡ, định hướng cho các cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ.

Chúng tôi theo chân Trung tá Kring Xa Kim – Phó Trưởng Công an xã Pờ Y dẫn phóng viên đến thăm gia đình em Thao Minh Thắng (13 tuổi), trú tại thôn Đăk Răng. Mặc dù đã là học sinh lớp 7 nhưng Thắng gầy gò, thân hình đen nhẻm. Thấy người lạ, Thắng lồm cồm bò dậy rồi ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế nhựa với ánh mắt ngơ ngác. Đúng lúc này, chị Y Giam (mẹ của em Thao Minh Thắng) cũng vừa đi nhận tiền hỗ trợ tàn tật trên xã về.

Trong căn nhà tạm được làm bằng tôn chỉ đủ kê chiếc nệm cho 3 người ngủ, chị Y Giam, kể: “Sinh ra với đôi chân tàn tật nên không làm được việc gì nặng. Thấy vậy, người dân trong làng cũng chẳng ai dám thuê tôi đi làm. Có mấy sào đất rẫy, tôi cố gắng trồng thêm ít sắn để đỡ đần cho gia đình nhưng rồi cũng không đủ ăn”.

Ấy vậy, cái khổ lại đeo đuổi khi chị quen biết với một người đàn ông quê ở Lâm Đồng rồi trót mang bầu. Cứ tưởng đứa con khi sinh ra sẽ lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng khi ra đời em Thao Minh Thắng cũng bị tàn tật hai chân như mẹ.

Trung tá Kring Xa Kim chia sẻ: “Khi về công tác tại xã Pờ Y, anh thấy có nhiều trường hợp các cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên thường hay giúp đỡ để các cháu có cơ hội được đến trường. Sau này, công an xây dựng mô hình đỡ đầu các em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì lúc này Trung tá Xa Kim mới giới thiệu em Thao Minh Thắng để công an xã Pờ Y nhận nuôi, đỡ đầu”.

“Bố nuôi” của em Thao Minh Thắng cho biết, mỗi tháng anh em công an xã hỗ trợ cho em Thao Minh Thắng 300.000 đồng. Ngoài ra, các ngày lễ, Tết còn hỗ trợ thêm tiền, mua dầu ăn, nước mắm, bột ngọt…để phụ giúp cho gia đình em Thao Minh Thắng. Tiền hỗ trợ đó được lực lượng công an xã trích một phần từ tiền lương.

Một trường hợp con nuôi khác là em Bloong Hạo (15 tuổi), trú tại thôn Đăk Hú, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cũng đang được Công an xã Đăk Dục nhận đỡ đầu. Hoàn cảnh Bloong Hạo thật trớ trêu, khi mẹ Bloong Hạo mang bầu, bố Hạo bị mất vì tai nạn giao thông. Bloong Hạo bước chân vào cánh cửa mầm non thì mẹ Hạo theo một người đàn ông khác rồi… biền biệt cho đến giờ.

Ký ức Hạo chẳng nhớ nổi hình hài bố mẹ. Em cũng chẳng có lấy nổi một căn lều tạm để ở. Ngày qua ngày, Bloong Hạo cùng bà ngoại là Y Ngóp sống nương tựa vào nhau, tối đến thì ngủ nhờ nhà đứa con trai út, ngày thì lang thang quanh xóm và nhờ sự giúp đỡ của mọi người, bởi bà Y Ngóp bị liệt 2 chân và cũng chẳng thể đi lại như người bình thường.

Bloong Hạo, kể: “Cháu vừa học xong lớp 9 và chuẩn bị chuyển cấp, cũng may mắn vì được các chú công an xã giúp đỡ để có tiền đóng học phí. Các chú cũng thường ghé thăm động viên và định hướng cho cháu không sa ngã vào những tệ nạn xã hội. Ngoài thời gian đi học, cháu còn đi bóc mủ cao su cho những người trong làng. Tiền công chỉ là 20.000 – 30.000 đồng nhưng cũng phụ giúp thêm cho bà ngoại mua gạo, rau, mắm muối”.

Trò chuyện với chúng tôi, Bloong Hạo nói rằng, em mong ước sau này sẽ trở thành công an, khoác lên mình bộ quân phục màu xanh để giúp đỡ mọi người có hoàn cảnh như em.

Hiệu quả từ mô hình “con nuôi” công an xã

Trên đường dẫn chúng tôi tới thăm nhà em Y Giang, học sinh lớp 9 của Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Đăk Nông, Đại úy Xiêng Thanh Trà – Phó Trưởng Công an xã Đăk Nông cho biết: “Trong số các em có hoàn cảnh khó khăn được công an xã nhận đỡ đầu thì em Y Giang là trường hợp đặc biệt. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng Y Giang luôn chăm chỉ học tập, những lúc rảnh rỗi Giang còn phụ giúp gia đình những việc nhà, nương rẫy”.

Y Giang chia sẻ: “Sinh ra trong gia đình đông anh em nên cuộc sống rất khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ, động viên của các chú công an xã nên cháu luôn ý thức và cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng các chú luôn yêu thương, giúp đỡ”.

Nhìn lên chiếc bằng khen treo ngay ngắn trên bức tường, Y Giang cho biết: “Năm học vừa rồi, cháu được đi thi cấp huyện và đạt giải 3 môn Địa Lý. Ước mơ lớn nhất của cháu là được trở thành một cô giáo để về bản làng dạy chữ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn”.

Mô hình “Con nuôi” Công an xã: Những mái ấm giữa đại ngàn
Công an xã Đăk Dục tặng quà cho “con nuôi” Bloong Hạo.

Thầy Trần Nhật Thanh (Giáo viên chủ nhiệm của em Y Giang – Lớp 9B, Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Đăk Nông, cho hay: “Em Y Giang là một học sinh tiêu biểu nhất của lớp và của trường, mặc dù hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nhưng Y Giang luôn ý thức và nỗ lực trong học tập và đã đạt những thành tích cao trong các kỳ thi. Trong lớp, Y Giang luôn là một học sinh hòa đồng, vui vẻ, thường xuyên giúp đỡ bạn bè nên được mọi người rất yêu quý”.

Cũng theo Đại úy Xiêng Thanh Trà, công an xã Đăk Nông đang nhận nuôi, đỡ đầu cho 2 em là Y Giang và Y Pha. Mỗi tháng anh em công an xã trích một phần tiền lương của mình để hỗ trợ mỗi em là 200.000 đồng (1 năm học là 1.800.000 đồng/em). Bên cạnh đó, những ngày lễ, Tết còn tặng quà, hỗ trợ thêm các nhu yếu phẩm để các em có thêm niềm tin, động lực học tập thật tốt. Đáp lại tình cảm đó, cả 2 em Y Giang và Y Pha luôn là những học sinh tiêu biểu, đạt thành tích cao trong học tập và luôn ý thức được trách nhiệm của mình.

Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Chí Tường – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hồi đánh giá: “Mô hình đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn của Công an huyện Ngọc Hồi được triển khai thực hiện từ đầu năm 2022. Đến nay, đã và đang giúp đỡ 14 emcó hoàn cảnh khó khăn. Mô hình này đã hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh của gia đình và cộng đồng, đảm bảo quyền trẻ em theo quy định pháp luật. Đồng thời, qua thực hiện mô hình, đã xây dựng hình ảnh, phong cách người chiến sĩ Công an nhân dân nhân văn, vì dân phục vụ và mối quan hệ giữa công an và nhân dân tốt đẹp, bền chặt, gắn bó khăng khít”.

“Trong thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn huyện được đặc biệt quan tâm, với nhiều nội dung, hình thức thiết thực. Ngoài mô hình “Đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” của Công an huyện còn có nhiều mô hình tương tự của đoàn thể và các lực lượng vũ trang có hiệu quả và ý nghĩa. Sắp tới UBND huyện sẽ phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ngọc Hồi đánh giá, để nhân rộng và tạo điều kiện thuận lợi phát triển mô hình”, ông Nguyễn Chí Tường chia sẻ.

TRẦN NGHĨA

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích