Minh bạch thông tin để người tiêu dùng yên tâm mua sắm online

Tiện lợi đi liền với rủi ro

Vài năm trở lại đây, chị Trần Thu Nga (quận Cầu Giấy) đã thay thế hình thức mua sắm của mình chỉ thông qua chiếc điện thoại. Thậm chí, từ việc đi chợ hằng ngày cũng thông qua ứng dụng trên di động.

Ngày bình thường, chị Nga cũng lướt các trang thương mại điện tử, mua ít nhất 1-2 món đồ. Có những ngày, chị thức suốt đêm săn hàng giảm giá trên các ứng dụng thương mại điện tử. Thói quen mỗi cuối tuần sau thời gian làm việc, thay vì ra các cửa hàng, chị Nga ngồi nhà ngắm hàng online. Từ khi rộ lên hình thức live stream bán hàng online, chị Nga dừng mọi việc, tập trung cao độ vào điện thoại để chốt đơn.

Minh bạch thông tin để người tiêu dùng yên tâm mua sắm online
Ảnh minh họa.

“Tôi chủ yếu mua quần áo, mỹ phẩm, trang sức, nội thất gia đình qua các cửa hàng online. Có những sản phẩm sale đến 50-60% khuyến khích người mua. Thậm chí mỗi phiên livestream có cả nghìn người xem trong khi mã giảm giá chỉ có vài cái, không nhanh tay là hết”, chị Nga nói.

Chị Nga cho hay, lợi ích của mua sắm trực tuyến là hình thức trực tuyến cung cấp rất đa dạng các loại sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là mặt hàng quần áo, đồ điện tử, đồ chơi, mỹ phẩm. Hầu hết các sàn giao dịch thương mại điện tử cho phép khách hàng đánh giá sản phẩm sau khi mua. Vì thế, người tiêu dùng có thể tìm hiểu về sản phẩm một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định mua. Từ đó tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng.

Từ việc thay đổi thói quen mua sắm như chị Nga đã dẫn đến sự bùng nổ trong việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, hình thức mua sắm trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng số và đầu tư rất bài bản, xem đây là kênh phân phối hàng hóa rất tiềm năng.

Theo thống kê, năm 2023, tại Việt Nam có 2,2 tỷ sản phẩm được giao dịch thành công trên 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu cả nước, gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop, tăng 52,3% so với 2022. Dự kiến trong năm 2024, doanh thu và sản lượng bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2024 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) ước tính, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 đạt 25 tỷ USD, tăng hơn 25% so với năm 2022, tương đương với tốc độ tăng trưởng sản lượng bưu gửi thương mại điện tử.

Thế nhưng, sự tiện lợi cũng đi liền với những rủi ro. Dù thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã phát triển rất nhanh về số lượng, nhưng lý do lớn nhất mà người tiêu dùng coi là trở ngại khi mua hàng trực tuyến vẫn là “chất lượng kém so với quảng cáo”, “không tin tưởng đơn vị bán hàng” hay “gặp khó khăn trong việc chuyển phát”.

Chị Nga cũng kể về những lần “dở khóc dở cười” với những sản phẩm kém chất lượng: “Có lần tôi săn sale 4-5 đơn quần áo mà chỉ hết có 200-300 ngàn đồng. Khi nhận hàng, tôi không mặc được cái nào. Cái không giống mẫu mặc khi xem livestream, cái thì chật, cái rộng chẳng hợp với mình”.

Cũng tương tự chị Nga, chị Trần Thị An (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ về những lần thất vọng khi mua sắm trên mạng. Chị An kể, trong các ngày sale lớn, chị tìm một số tài khoản đăng bài “sale sốc”. Ưng ý đôi giày của thương hiệu nước ngoài giá giảm 30% so với giá gốc, chị An trao đổi dưới hình thức trò chuyện trực tiếp với người bán hàng và chốt mua hàng.

Sau thời gian chờ đợi và nhận hàng, chị An phát hiện sản phẩm tuy nhìn khá giống với hình ảnh nhưng chất lượng hoàn toàn khác và có nhiều lỗi về hoàn thiện sản phẩm. Liên hệ chủ tài khoản để phản ánh về chất lượng sản phẩm, chị An không được giải đáp và đành chịu mất tiền.

Công khai, minh bạch trên sàn thương mại điện tử

Trong năm 2023, Bộ Công thương đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn, gỡ bỏ, khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng.

Minh bạch thông tin để người tiêu dùng yên tâm mua sắm online
Live stream bán hàng online ngày càng phổ biến.

Cơ quan quản lý thị trường nhận định, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt là cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái cũng nảy sinh những vấn đề nóng, cấp bách…

Tiếp nối những năm trước, năm 2024, chương trình “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3)” với thông điệp “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn” tiếp tục được triển khai nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của xã hội và đất nước.

Trong bối cảnh đó, từ ngày 1/7/2024, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 bắt đầu có hiệu lực. Theo Điều 4 của Luật này, người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình.

Đồng thời, Điều 10 của Luật này cũng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số (như các sàn thương mại điện tử) thực hiện các hành vi hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng thông qua việc sắp xếp ưu tiên lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp trên nền tảng số mà không công khai tiêu chí lựa chọn.

Tuy nhiên yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng là sự công khai, minh bạch, trung thực thông tin của các bên liên quan. Đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bộ ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Hải quan, Thuế), Bộ Thông tin và truyền thông, Ngân hàng Nhà nước… cùng các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.

Với hành động cụ thể, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trao đổi, làm việc với các sàn thương mại điện tử về việc công khai, minh bạch hóa việc lựa chọn doanh nghiệp bưu chính, sử dụng dịch vụ bưu chính chuyển phát của các sàn thương mại điện tử… Đồng thời hiển thị đầy đủ, chính xác kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Theo Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong thời gian qua, các sàn thương mại điện tử đều tự động chỉ định doanh nghiệp bưu chính chuyển phát hàng hóa giao dịch trên sàn dựa trên việc lựa chọn phương thức vận chuyển của các nhà bán hàng (các shop) và người mua hàng.

Các lựa chọn phương thức vận chuyển thường là: Hỏa tốc, nhanh, tiết kiệm hoặc các phương thức tương tự. Sau khi người mua hàng lựa chọn phương thức vận chuyển, các sàn thương mại điện tử sẽ tự động chỉ định 1 đơn vị để thực hiện chuyển phát đơn hàng của người mua.

Theo đánh giá sơ bộ của các sàn thương mại điện tử, chất lượng dịch vụ chuyển phát các bưu gửi thương mại điện tử ngày càng được nâng cao, thời gian phát bưu gửi ngày càng được rút ngắn, tỷ lệ phát bưu gửi đúng hạn ngày càng cao, đồng thời, cước phí chuyển phát bưu gửi ngày càng giảm.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm của dịch vụ chuyển phát bưu gửi thương mại điện tử (được khẳng định qua tốc độ tăng trưởng sản lượng bưu gửi thương mại điện tử trong giai đoạn 2021 – 2023 luôn duy trì ở mức 25-30%/năm), vẫn có những phản ánh về việc người mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, dù trả tiền dịch vụ chuyển phát hàng nhưng lại không được lựa chọn doanh nghiệp chuyển phát hàng.

Các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công Thương đã trao đổi, làm việc với các sàn thương mại điện tử về việc lựa chọn doanh nghiệp bưu chính thực hiện chuyển phát bưu gửi để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực bưu chính. Hiện nay, một số sàn thương mại điện tử đã công khai tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp chuyển phát.

N.Hoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích