Minh bạch hóa giá cước vận tải biển để tránh bị “thổi giá”
Số liệu từ Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics cho thấy, hiện nay có khoảng 38 hãng tàu container nước ngoài đang hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, đảm nhận 95% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển của Việt Nam. Từ trung tuần tháng 10/2020, mức giá vận tải biển bắt đầu tăng mạnh khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chóng mặt, đặc biệt là các tuyến vận tải đi châu Âu, châu Mỹ.
Cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý về giá đối với cước vận tải biển để doanh nghiệp không bị “bắt chẹt”. (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, trước thời điểm tháng 10/2020, giá cước từ Việt Nam đi châu Âu (UK) khoảng 1.500 USD/container 20 feet và từ Việt Nam đi Log Angeles (Mỹ) từ 700-1.000 USD/container 20 feet. Nhưng đến tháng 12/2020, từ Việt Nam đi UK là 5.400 USD/container 20 feet và từ Việt Nam đi Log Angeles là 5.000 USD/ container 20 feet. Lúc cao điểm giá cước từ Việt Nam đi bờ Đông Mỹ lên tới 14.000 USD/container 40 feet.
Theo các chuyên gia kinh tế, do Việt Nam chưa có doanh nghiệp logistics quốc tế vươn tới châu Âu, châu Mỹ nên từ 80-90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đang thực hiện theo tập quán mua CIF, bán FOB chiếm trên 92%. Đối với tuyến đi châu Mỹ, tỉ lệ đặt chỗ tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% và phần lớn được thực hiện thông qua các công ty giao nhận, logistics (LSP), nên việc ký hợp đồng vận tải và trả giá cước vận tải thường do đối tác nước ngoài (người mua hoặc người bán) đảm nhận. Còn quyền thuê tàu và chi trả giá cước vận tải thuộc về đối tác nước ngoài nên việc chủ hàng Việt Nam can thiệp vào chuỗi vận tải quốc tế là rất khó. Điều quan trọng nhất là, cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát được vấn đề giá cước của hãng tàu vì giá cả vận hành theo quy luật thị trường.
Về vấn đề giá cước vận tải biển, ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics cho biết, hiện quyền quyết định giá cước và chính sách giá thuộc công ty mẹ ở nước ngoài, đại diện hãng tàu tại Việt Nam không được quyết định giá cước. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu đầy đủ việc áp dụng Luật cạnh tranh cho trường hợp kinh doanh độc quyền của các chủ tàu nước ngoài trên thị trường Việt Nam.
Cùng chung quan điểm với đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện chúng ta vẫn chưa kiểm soát được việc niêm yết giá, phụ phí ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển. Trong khi đó, giá cước niêm yết không phản ánh giá cước thực tế, bởi các hãng tàu có chính sách giá cước khác nhau đối với các khách hàng khác nhau và giá cước thực tế thường thấp hơn giá niêm yết, giá cước thực tế không được công khai niêm yết và được hãng giải thích là do “bí mật kinh doanh”.
Bên cạnh đó, các loại phụ thu được niêm yết chỉ thể hiện mức giá, có ghi thời điểm bắt đầu và thường thời điểm kết thúc là sau khi có thông báo mới, không ghi thời điểm bắt đầu niêm yết và lịch sử các lần thay đổi, không nêu rõ lý do thu, không lưu lại thời gian niêm yết và các lần thay đổi niêm yết. Mức giá do hãng tàu tự quyết định và thu của khách hàng mà không phải đăng ký kê khai với cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, cần thiết phải ban hành cơ chế quản lý cao hơn cơ chế niêm yết giá là cơ chế kê khai giá.
Liên quan vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – ông Trần Thanh Hải cho rằng, Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với các hãng tàu, đo đó không chấp nhận việc các hãng tàu đến kinh doanh nhưng không hợp tác với các doanh nghiệp trong nước vì sự phát triển chung. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 phức tạp, để công khai minh bạch giá cước vận tải cần Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị hãng tàu thực hiện đúng quy định và có những cam kết về lịch trình tàu, chỗ trên tàu và bảo đảm đủ lượng container rỗng để vận chuyển hàng hóa.
Nguồn: Báo lao động thủ đô